Cây dạ cẩm: mô tả, tính vị, công dụng và bài thuốc chữa bệnh
Cây dạ cẩm từ lâu đã được xem là một dược liệu quý giúp chữa trị các bệnh như viêm loét dạ dày, loét miệng, lở lưỡi…Vì nó mang lại hiệu quả điều trị bệnh cao nên từ năm 1960 đã được bệnh viện tỉnh Lạng Sơn đưa vào danh mục những cây thuốc điều trị bệnh dạ dày.
1/ Tên gọi, chủng loại
Tên gọi khác: cây loét mồm, cây đất lượt, cây đứt lướt, cây chạm khẩu cắm…
Tên khoa học: Oldenlandia eapitellata Kuntze.
Họ: cây dạ cẩm thuộc họ cà phê có pháp danh khoa học là Rubiaceae.
Chủng loại: gồm dạ cẩm thân tím nhiều lông và dạ cẩm thân xanh.
2/ Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Cây dạ cẩm là một loại cây bụi, thân leo dài từ 1 – 2m. Thân cây có dạng hình trụ, toàn thân có lông mịn, chia làm nhiều đốt, ở mỗi đốt sẽ phình to ra.
Lá cây dạ cẩm là lá đơn mọc đối nhau, lá có hình bầu dục hoặc hình trứng dài từ 5 – 15cm, rộng từ 3 – 5cm. Mặt trên của lá bóng nhẵn có màu xanh thẫm, mặt dưới có màu hơi nhạt. Cuống lá ngắn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới.
Hoa dạ cẩm có màu trắng hoặc màu trắng vàng mọc thành từng chùm ở kẽ lá hoặc đầu ngọn cây. Hoa gồm nhiều hình ống nhỏ xếp lại với nhau. Ở mỗi cánh hoa có lông ở mặt ngoài, bao phấn hình dải. Mùa hoa thường bắt đầu từ tháng 5 – 7. Quả cây là quả nang chứa nhiều hạt nhỏ bên trong.
Phân bố
Trên thế giới, cây dạ cẩm có ở một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia. Ở nước ta, cây dạ cẩm mọc hoang ở các vùng trung du và miền núi thuộc các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Tây….
3/ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận sử dụng: toàn bộ thân cây.
Thu hái: cây được thu hoạch quanh năm bằng cách cắt phần thân cây, lá và hoa.
Chế biến: sau khi thu hoạch về đem cây dạ cẩm rửa sạch để loại bỏ tạp chất và bụi bẩn, cắt cây ra thành từng đoạn ngắn từ 5 – 6cm, sau đó đem phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản: để cây dạ cẩm đã được làm khô trong túi hoặc bao kín, đặt ở nói khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc. Thường xuyên đem ra phơi nắng lại để không bị hư hỏng
4/ Thành phần hóa học
Các thành phần hóa học chính của cây dạ cẩm bao gồm: alcaloid, saaponin, tanin. Trong đó hàm lượng alcaloid chiếm 1,982%. Ngoài ra, bên trong cây còn chứa hoạt chất anthra – glucozit.
5/ Tính vị, quy kinh
Cây dạ cẩm có vị ngọt, hơi đắng, tính bình. Quy kinh vào hai kinh tỳ và vị.
6/ Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Cây dạ cẩm có khả năng trung hòa được lượng axit trong dạ dày vì vậy nó làm giảm các triệu chứng đau dạ dày, hỗ trợ điều trị viêm dạ dày, cải thiện tình trạng ợ chua, làm liền vết loét.
Nó còn rất hiệu quả trong việc điều trị các viêm như loét miệng, viêm lưỡi.
Theo Y học cổ truyền
Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. lợi tiểu.
Công dụng: chữa trị các bệnh viêm loét dạ dày, viêm họng, lở loét ngoài da.
7/ Liều dùng, cách dùng
Mỗi lần sử dụng 20 – 40g dược liệu dạ cẩm đem đi sắc nước uống, pha trà, tán thành bột để uống.
Đối với cây dạ cẩm tươi thì giã nát để dùng.
8/ Bài thuốc từ cây dạ cẩm
Chữa viêm loét dạ dày
Cách 1: Sử dụng các dược liệu gồm:
- Dạ cẩm khô 7kg.
- Đường kính 2kg.
- Mật ong: 1kg.
Đem lá dạ cẩm nấu với nước để thành 8kh cao, sau đó cho 2kg đường vào hòa tan và nấu cô thành 9kg. Cho thêm 1kg mật ong vào. Chia cao lá cẩm thành từng chai để dành sử dụng. Cao lá cẩm sẽ có màu đen, vị hơi đắng và mùi lá cây.
Cách dùng: mỗi lần sử dụng một thìa to khoảng 10 – 15g, ngày uống 2 – 3 lần trước khi ăn hoặc sau khi đau.
Cách 2: dùng các dược liệu gồm: bột dạ cẩm 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, hồ nếp vừa đủ. Đem tất cả các nguyên liệu trên đi làm thành cốm. Mỗi ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc lúc đau, mỗi lần uống chừng 10 – 15g với người lớn, 5 -10g với trẻ em dưới 18 tuổi.
Chữa đau dạ dày
Bài thuốc 1: dùng 30g dạ cẩm đem đi sắc nước uống trong ngày. Mỗi lần sắc chia làm 2 – 3 lần uống, nên uống trước khi ăn hoặc uống vào lúc đau. Khi uống có thể cho thêm đường.
Bài thuốc 2: dạ cẩm 5kg, cam thảo 1kg đem đi tán mịn thành bột, trộn đều lại với nhau. Mỗi lần uống 10 – 15g, ngày uống 2 lần trước khi ăn. Khi uống có thể cho thêm đường.
Chữa viêm lưỡi, loét lưỡi họng
Bài 1: dùng lá dạ cẩm tươi nấu nước để uống hằng ngày như nước trà.
Bài 2: bột dạ cẩm 200g, bột cam thảo 30g đem trộn đều. Khi uống pha 30g hỗn hợp với nước sôi để uống, mỗi ngày uống 3 lần.
Bài 3: sắc dạ cẩm để lấy nước, sau đó cho mật ong vào để cô thành cao lỏng. Dùng cao lỏng này bôi lên vết lở hằng ngày.
9/ Lưu ý khi sử dụng dạ cẩm
Dạ cẩm là vị thuốc lành tính, ít gây tác dụng phụ, tuy nhiên đối với những phụ nữ đang mang thai không được tự ý sử dụng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là một số thông tin về cây dạ cẩm, nếu bạn muốn sử dụng cây dạ cẩm để chữa trị bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Tham khảo thêm:
- Cây rau bợ: Công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng
- Cây ô rô và lợi ích của chúng đối với sức khỏe
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!