Công dụng của cây Bạc thau, liều lượng và cách dùng
Cây Bạc thau có tên khoa học là Argryeria acuta Lour. thuộc họ Bìm Bìm (danh pháp khoa học: Convolvulaceae). Dược liệu mang trong mình tính mát, không độc, vị hơi chua và hơi đắng nhạt. Nhờ đặc tính này, dược liệu có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, giải độc, lợi thủy, sát trùng và tiêu viêm.
Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Bạc sau, Bạch hạc đằng, Thau bạc, Bạch hoa đằng, Mô bạc, Lú lớn, Thảo bạc (miền Nam), Pác Túi (Tày), Chấp miên đằng (Tuệ Tĩnh)
Tên khoa học: Argryeria acuta Lour.
Thuộc họ: Bìm Bìm (danh pháp khoa học: Convolvulaceae).
Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Cây Bạc thau là một loại cây thuốc quý và là một loại dây leo. Trên thân có nhiều lông màu trắng nhạt, áp sát vào thân. Dược liệu có lá hình bầu dục, đầu lá nhọn, phía cuống hơi hình tim, có chiều rộng từ 5 – 8cm, có chiều dài từ 5 – 11cm. Lá có mặt trên nhẵn, mặt dưới của lá có nhiều lông mịn, bóng ánh như bạc.
Chính vì thế, dược liệu có tên là Bạc sau. Sau đọc chệch thành Bạc thau. Phần cuống có lông mịn dài khoảng 1,5 – 6cm, xuất hiện với màu trắng.
Dược liệu có hoa màu trắng, mặt trong có lông mịn. Chúng mọc thành đầu hoặc tán ở đầu cành. Dược liệu có quả mọng chín hình cầu, có màu đỏ, có đường kính khoảng 8mm. Quả được bao bọc bởi lá đài, mặt trong của quả có màu đỏ. Có 2 – 4 hạt màu nâu xuất hiện với hình trứng, hơi ba cạnh, có chiều dài khoảng 5mm, tễ hình tim.
Phân bố
Ở Việt Nam, cây Bạc thau mọc hoang ở khắp nơi. Tuy nhiên chúng xuất hiện chủ yếu ở miền Bắc và các tỉnh khu 4 cũ. Ngoài ra, dược liệu còn phân bố ở Hoa Nam Trung Quốc.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Lá và cành Bạc thau.
Thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Sau khi thu hái, mang dược liệu rửa sạch. Có thể dùng tươi hoặc sấy khô để dùng dần.
Bảo quản: Để thuốc tại những nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ẩm móc.
Thành phần hóa học
Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu về thành phần hóa học của cây Bạc thau.
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Cây Bạc thau có một số tác dụng sau:
- Sát trùng
- Tiêu viêm
- Thanh nhiệt cơ thể
- Giải độc
- Lợi thủy.
Theo Y học cổ truyền
Dược liệu khô giúp điều kinh, chữa ho, thông tiểu, bạch đới khí hư. Có thể dùng để điều trị ho cho trẻ em.
Dùng ngoài giã nát đắp lên những vị trí bị mụn nhọt để hút mủ lên da non và đắp lên những vị trí bị gãy xương.
Ở Quảng Tây Trung Quốc, người ta dùng toàn cây để điều trị ho, chân tay yếu mỏi, viêm thận thủy thũng. Dùng ngoài để trị độc do giang mai.
Chủ trị
Dược liệu Bạc thau thường được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị những bệnh lý sau:
- Bí tiểu tiện
- Đi đái ít một rát buốt
- Nước tiểu đục
- Ngứa lở
- Bạch đới
- Sốt rét
- Mụn nhọt
- Ho
- Viêm phế quản cấp tính và mạn tính.
Tính vị
Cây Bạc thau có vị hơi đắng nhạt, vị hơi chua, tính mát và không có độc.
Quy kinh
Chưa có tài liệu nghiên cứu cụ thể.
Liều lượng và cách dùng
Dùng ở dạng thuốc sắc
Dùng 6 – 20 gram/ngày dược liệu khô và 20 – 40 gram/ngày dược liệu tươi.
Dùng ngoài
Sử dụng dược liệu ở dạng tươi và không kể liều lượng.
Bài thuốc
Những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Bạc thau gồm:
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị kinh nguyệt không đều (bài thuốc 1): Dùng 20 gram dược liệu và 8 – 16 gram rau dền gai. Sau khi rửa sạch các vị thuốc cùng với nước muối, cho cả hai vị thuốc vào nồi. Rót thêm 800ml nước lọc vào cùng. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị kinh nguyệt không đều (bài thuốc 2): Dùng 10 gram lá dược liệu, 10 gram rễ xích đồng nam, 10 gram vỏ thân mía tía, 8 gram rễ móc diều, 10 gram rễ cỏ chanh, 8 gram cỏ hàn the, 8 gram lá huyết dụ. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch, sau đó mang đi phơi khô. Cho tất cả vị thuốc vào nồi cùng với 1 lít nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 400ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị rong kinh, rong huyết: Dùng lá dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu sạch vào cối và thực hiện giã nát. Thêm nước sôi để nguội vào thuốc, khuấy đều và chắt lấy phần nước cốt để uống. Uống thuốc ngay khi vừa thực hiện. Sau đó dùng phần bã đắp lên đỉnh đầu. Sử dụng 1 thang/ngày. Áp dụng cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm (Nam được thần hiệu). Hoặc dùng 20 gram lá dược liệu, 20 gram lá cây ngải cứu, 20 gram lá bạch đầu ông. Sau khi rửa sạch các vị thuốc cùng với nước muối, cho tất cả vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Dùng ray hoặc vải mùng chắt lấy phần nước cốt để uống. Uống thuốc ngay khi vừa thực hiện. Sử dụng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị bạch đới: Dùng 30 – 40 gram lá Bạc thau và 30 – 40 gram lá Mò (Xích Đồng Nam, Bạch Đồng Nữ). Mang tất cả vị thuốc rửa sạch cùng với nước muối. Cho cả hai vị thuốc vào nồi cùng với 1 lít nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 400ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Uống thuốc ngay khi còn ấm. Có thể chia thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Thực hiện 1 thang/ngày. Hoặc cho tất cả vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Dùng ray hoặc vải mùng chắt lấy phần nước cốt để uống. Uống thuốc ngay khi vừa thực hiện. Sử dụng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị ho ở trẻ em: Dùng 6 – 8 gram lá dược liệu, 6 – 8 gram lá xương sông, 6 – 8 gram lá chua me. Sau khi rửa sạch các vị thuốc cùng với nước muối, cho tất cả vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Dùng ray hoặc vải mùng chắt lấy phần nước cốt để uống. Uống thuốc ngay khi vừa thực hiện. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị mụn nhọt, sưng tấy: Mang lá dược liệu rửa sạch cùng với nước muối. Cho lá vào cối và thực hiện giã nát. Sau khi vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ, đắp thuốc lên những vùng da đang bị mụn nhọt, sưng tấy. Để thuốc khô tự nhiên. Có thể dùng băng gạc để băng cố định. Áp dụng 1 – 2 lần/ngày. Sử dụng liên tục trong 5 ngày sẽ thấy những vị trí sưng tấy, các nốt mụn nhọt thuyên giảm đáng kể.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị ghẻ lở, rôm sẩy, nổi mẩn ngứa: Sau khi rửa sạch lá dược liệu cùng với nước muối, cho dược liệu vào nồi cùng 3 lít nước. Đun sôi thuốc trong 10 phút. Để nguội bớt hoặc hòa tan nước thuốc cùng với một lượng nước lạnh vừa đủ giúp nguội bớt. Dùng nước này để tắm 1 lần/ngày. Thực hiện liên tục trong 5 – 7 ngày sẽ thấy ghẻ lở, rôm sẩy và các nốt mẩn ngứa thuyên giảm.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị mụn nhọt, vết thương, chảy nước vàng: Dùng lá dược liệu tươi rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào cối và thực hiện giã nát. Sau khi vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ, đắp thuốc lên những vùng da đang bị mụn nhọt, sưng tấy. Để thuốc khô tự nhiên. Có thể dùng băng gạc để băng cố định. Áp dụng 1 – 2 lần/ngày. Sử dụng liên tục trong 5 ngày. Hoặc mang lá dược liệu phơi khô sau khi đã rửa sạch. Tán dược liệu thành bột mịn và rắc vào những vùng da đang bị thương.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị ho: Dùng 20 – 30 gram dược liệu, 5 – 10 gram bạc hà, 15 – 20 gram bướm bạc. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch cùng với nước muối. Cho thuốc vào nồi và thêm 1 lít nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 400ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Uống thuốc ngay khi còn ấm. Có thể chia thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Thực hiện 1 thang/ngày. Đây là nghiệm phương mới. Bài thuốc được sử dụng hoàn toàn từ thuốc Nam kết thúc sau hơn hai năm ứng dụng tại chùa Hòa Nam (huyện Hòa Vang – Đà Nẵng) và chùa Lộc Quang trong điều trị bệnh. Bài thuốc có tác dụng: Tiêu viêm, chỉ khái, thanh nhiệt cơ thể; điều trị ho ít đàm hoặc ho khan, đàm dính khó khạc, ho dai dẳng do uất nhiệt sau những đợt cảm cúm kéo dài, ho do cảm mạo phong nhiệt, ho do viêm amidan, viêm hầu họng, viêm phế quản cấp tính và mạn tính.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau giúp thông tiểu: Dùng 15 gram dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào tách. Rót thêm 300ml nước đun sôi vào cùng. Thực hiện hãm dược liệu trong 20 phút. Uống thay nước trà hàng ngày.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị khí hư, bạch đới: Dùng 20 gram dược liệu, 20 gram mò hoa trắng. Mang các vị thuốc rửa sạch. Cho tất cả vị thuốc vào nồi cùng với 800 lít nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 300ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị băng huyết: Dùng 10 gram lá dược liệu (đã phơi khô), 16 gram ngổ đất. Sau khi mang các vị thuốc rửa sạch, cho thuốc vào nồi cùng với 600 lít nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày. Áp dụng trong 7 ngày. Hoặc dùng 30 gram lá tươi rửa sạch cùng với nước muối. Cho vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Dùng ray hoặc vải mùng chắt lấy phần nước cốt để uống. Uống thuốc ngay khi vừa thực hiện. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị sưng tấy: Dùng 10 gram lá dược liệu và 10 gram lá quýt rừng. Sau khi rửa sạch các vị thuốc, cho thuốc vào nồi và sắc cùng với 400ml nước lọc. Chắt lấy lượng nước thuốc và uống ngay khi còn ấm. Hoặc dùng 30 gram dược liệu, 30 gram lá dây rừng, 30 gram hoàng lực rửa sạch. Mang các vị thuốc cho vào cối giã nát hoặc xay nhuyễn. Cho thuốc vào chảo và đảo nóng. Sau khi vệ sinh da sạch sẽ, đắp thuốc vào những vị trí đang bị sưng. Sử dụng 1 lần/ngày.
- Bài thuốc từ cây Bạc thau điều trị vết lở loét, mụn nhọt: Dùng 30 gram dược liệu, 30 gram hoàng lực, 20 gram lá trầu không và cả thuốc là khoảng 5 gram. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch cùng với nước muối. Cho các vị thuốc cho vào cối giã nát hoặc xay nhuyễn. Tiếp tục cho thuốc vào chảo và đảo nóng. Sau khi vệ sinh da sạch sẽ, đắp thuốc vào những vị trí đang bị lở loét, mụn nhọt. Dùng gạc và băng cố định. Sử dụng 1 lần/ngày giúp vết thương mau lành, không còn ra nước vàng.
Lưu ý
- Rửa sạch dược liệu cùng với nước muối trước khi sử dụng để tránh tình trạng nhiễm khuẩn dẫn đến bội nhiễm. Đặc biệt là khi có vết thương hở và giã lá tươi lấy nước uống.
Thông tin về cây Bạc thau và những bài thuốc chữa bệnh trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Trước khi mang các bài thuốc vào quá trình điều trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về liều dùng, hiệu quả chữa bệnh và mức độ an toàn của dược liệu. Đồng thời sử dụng những bài thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần.
Tham khảo thêm:
- Cây Gối hạc: Thông tin về tính vị, liều dùng và cách dùng
- Cây kim anh: Thành phần, công dụng và những bài thuốc
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!