Hăm tã ở trẻ sơ sinh: Cha mẹ nên làm gì?
Hăm tã là một trong những vấn đề ngoài da rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cần chăm sóc và xử trí như thế nào đối với tình trạng hăm tã ở trẻ sơ sinh để đảm bảo đúng cách và an toàn?
Hăm tã ở trẻ là gì?
Hăm tã (Diaper Rash) là tình trạng thương tổn da xuất hiện ở vùng da quấn tã và xung quanh vùng da quấn tã. Độ tuổi trẻ thường mắc hăm tã là sơ sinh cho đến dưới 3 tuổi. Hầu hết trẻ em trong 3 năm đầu đời đều bị hăm tã ít nhất 1 lần, tập trung nhiều trong giai đoạn 9 tháng đến 12 tháng tuổi. Đây là giai đoạn mà trẻ ngồi nhiều, da thường xuyên tiếp xúc với tã, trẻ cũng bắt đầu ăn các thức ăn đặc khiến cho nhu động ruột có sự thay đổi về độ acid.
Vì sao trẻ bị hăm tã?
Trẻ thường bị hăm tã do một số nguyên nhân chủ yếu như:
Sự ma sát da
Ma sát tại vùng da quấn tã là một trong những nguyên nhân chính khiến cho trẻ bị hăm da. Da của trẻ thường rất nhạy cảm, chỉ dày bằng 1/5 so với người lớn nên khi da cọ xát với tã ướt thì có thể gây ra hăm tã. Da sẽ bị nổi ửng đỏ, phát ban và sáng bóng trên những vị trí ma sát da.
Kích ứng
Vùng da dưới tã bị kích ứng do các yếu tố kích ứng trong tã như: phân, nước tiểu của trẻ, kích ứng bởi các chất khử mùi, chất tạo mùi trong tã, kích ứng với các chất tẩy rửa khi vệ sinh vùng da quấn tã. Những yếu tố này có thể khiến cho da bị kích ứng, ngứa ngáy, ửng đỏ và khó chịu, đặc biệt là tại vị trí các nếp gấp trên vùng da quấn tã.
Nhiễm nấm candida
Những trường họp phát ban do nhiễm nấm candida, nhiễm nấm men cũng có thể dẫn đến hăm tã ở trẻ em. Vị trí hăm tã thường có màu đỏ tươi, ngứa ngáy và khó chịu. Loại vi nấm này dễ xuất hiện ở những vùng da ẩm ướt, trong đó có vùng da quấn tã.
Phản ứng dị ứng
Phản ứng dị ứng ở vùng da quấn tã thường liên quan đến một số yếu tố như khăn lau, chất licặn bột giặt, ệu tã, nước xả, cặn xà phòng, các loại kem dưỡng da, thành phần sợi vải trong chất liệu quần của trẻ.
Cách xử lý hăm tã ở trẻ sơ sinh
Hăm tã không phải là một bệnh nghiêm trọng, có thể được cải thiện sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên khi trẻ bị hăm tã, bố mẹ không nên chủ quan mà cần chú ý điều trị sớm và đúng cách để vùng da của trẻ sớm được phục hồi, mau lành.
1. Vệ sinh đúng cách cho bé
Đối với trẻ bị hăm tã, việc vệ sinh đúng cách là rất quan trọng. Bố mẹ cần chú ý vệ sinh cho bé ngay sau đi vệ sinh để tránh các chất bẩn kích ứng da của bé. Nên sử dụng nước ấm khi vệ sinh và thấm khô vùng da quấn tã trước khi thay tã mới, tránh để vùng da quấn tã ẩm ướt. Trong quá trình vệ sinh cần nhẹ nhàng để tránh làm xay xát da của bé.
2. Sử dụng tã đúng cách
Khi sử dụng tã cho bé, bố mẹ nên lựa chọn loại tã thấm hút tốt, phần đáy tã mềm mại, nhẹ nhàng. Nên thay tã khi cảm nhận cảm giác ướt trước và sau khi bé bú, tần suất trẻ thay tã có thể từ 4 – 6 miếng mỗi ngày. Trẻ càng lớn thì tần suất tiểu tiện cũng ít hơn, không thường xuyên như trẻ nhỏ.
3. Không lạm dụng khăn ướt
Một số thành phần trong khăn ướt có thể gây khô da cho bé. Do đó, bố mẹ không nên lạm dụng khăn ướt quá thường xuyên khi vệ sinh da cho bé. Nên ưu tiên các loại khăn ướt không chứa cồn và không có chất tạo mùi. Trước và sau khi sử dụng khăn ướt vệ sinh da cho bé, bố mẹ cũng cần rửa tay thật sạch.
4. Không lạm dụng phấn rôm
Phấn rôm là một trong những sản phẩm giữ cho da mịn hạn chế ngứa. Tuy nhiên bố mẹ không nên lạm dụng phấn rôm vì có thể khiến cho vùng da quấn tã bị tổn thương nặng nề hơn.
5. Thận trọng khi da có mủ
Những vùng da đang bị hăm tã có mủ, vùng da hăm tã nặng thì nên hạn chế bôi kem để tránh làm cho tổn thương trầm trọng hơn. Chỉ nên áp dụng các biện pháp vệ sinh nhẹ nhàng hoặc tốt nhất là thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
6. Một số lưu ý khác
- Có thể sử dụng kem chống hăm đối với những trường hợp hăm tã nhẹ. Nên ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên.
- Không tự ý sử dụng các chế phẩm điều trị có thành phần corticoid để hạn chế viêm nhiễm nặng nề hơn tại vùng da bị tổn thương.
- Có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại sản phẩm chứa kẽm oxyt, có chiết xuất hydrocarbon để chống hăm tã cho bé.
Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không thay thế cho chẩn đoán, hướng dẫn điều trị và toa thuốc của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
- Các loại kem chống hăm tã cho bé được sử dụng phổ biến
- Cách chăm sóc và điều trị hăm tã cho trẻ vào mùa đông
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!