Cách chăm sóc và điều trị hăm tã cho trẻ vào mùa đông
Những vết hăm tã xuất hiện vào mùa đông thường khiến trẻ đau rát và quấy khóc. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng vì nếu biết chăm sóc và điều trị cho bé đúng cách, các triệu chứng khó chịu sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau vài ngày.
Trẻ bị hăm tã mùa đông nguyên nhân do đâu?
Vào mùa đông, cha mẹ có xu hướng quấn khăn hoặc cho trẻ mặc nhiều lớp quần áo giày để giữ ấm. Điều này khiến không khí ở khu vực mang tã không thể thoát ra được. Nó gây ẩm ướt và khiến vùng vùng da tiếp xúc với tã bị hăm và nổi nhiều mẩn đỏ.
Hăm tã cũng được xem là một tác dụng phụ trẻ hay gặp phải khi được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong mùa đông. Vào mùa này, trẻ hay bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp do sức đề kháng kém. Việc sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn chặn các chứng nhiễm khuẩn có thể khiến bé bị tiêu chảy. Nếu bạn vẫn tiếp tục mang tã cho con trong thời điểm này thì khu vực mang tã rất dễ bị kích ứng, nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị hăm tã mùa đông như:
- Bé được mang tã kém chất lượng, có chất liệu thô ráp hoặc chứa hóa chất độc hại khiến làn da bé bị kích ứng
- Tã quá chật
- Cha mẹ không thay tã thường xuyên cho trẻ
- Trẻ không được rửa và vệ sinh sạch sẽ mỗi lần thay tã
- Một số trẻ bị hăm tã vào mùa đông do dị ứng với thức ăn
Triệu chứng nhận biết trẻ bị hăm tã mùa đông
Không khó để nhận biết được con bạn đang bị hăm tã vào mùa đông. Nếu để ý quan sát cha mẹ sẽ thấy những dấu hiệu như:
- Vùng da ở háng, mông, bộ phận sinh dục hoặc xung quanh hậu môn của trẻ bị ửng đỏ
- Bé có biểu hiện khó chịu, quấy khóc, đặc biệt là những lúc thay tã
- Vùng mang tã có thể xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ, ngứa
Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp, chứng hăm tã ở trẻ vào mùa đông thường không quá nghiêm trọng vá nó không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các bé. Tuy nhiên nếu con bạn có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì nên đưa bé đi khám ngay.
Các dấu hiệu của nhiễm trùng khi bé bị hăm tã bao gồm:
- Có nhiều mụn nước ngứa ở khu vực mặc tã
- Vùng da bị hăm đỏ, sưng, tiết dịch và chảy mủ
- Trẻ bị sốt
- Tình trạng hăm tã ngày càng trầm trọng hơn
Biện pháp chăm sóc và điều trị hăm tã cho trẻ vào mùa đông
Một số giải pháp dưới đây có thể sẽ hữu ích cho mẹ trong việc phòng ngừa và cải thiện chứng hăm tã cho con vào mùa đông:
- Hạn chế tối đa thời gian để bé mang tã
Khi thấy con có các dấu hiệu hăm tã ở trên, bạn nên tháo ngay tã cho con để khu vực này được thông thoáng. Điều náy sẽ giúp tổn thương nhanh lành hơn và tránh được tình trạng cọ sát khiến bé đau đớn.
- Thay tã cho trẻ thường xuyên hơn
Nhiều bà mẹ vì muốn tiết kiệm chi phí nên để con tè nhiều lần cho đến khi bỉm không còn thấm hút được nữa mới chịu thay. Điều này không chỉ khiến da bé bị hăm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công làm bé bị nhiễm trùng.
Tốt nhất cứ hai giờ một lần bạn nên kiểm tra và thay tã cho con. Tuy nhiên cần lưu ý thực hiện việc này ở một nơi ấm áp, kín gió để trẻ không bị nhiễm lạnh.
- Kiểm tra chất lượng và kích thước tã
Tã có kích thước quá nhỏ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bé bị hăm tã vào mùa đông. Do vậy nếu tã, bỉm con bạn mặc quá chật thì nên xem xét đổi loại tã có kích thước phù hợp hơn cho con.
Khi mua tã cho bé cần lưu ý chọn mua của những thương hiệu uy tín, có chất lượng tốt, mềm mại để không gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé.
- Vệ sinh da bé sạch sẽ
Trong thời gian mang tã, làn da của bé phải tiếp xúc trực tiếp với các chất thải từ nước tiểu hay từ phân khiến da bé bị hăm. Để tránh tình trạng này, ngoài việc tắm rửa cho con hàng ngày, mẹ cần làm vệ sinh khu vực mang tã của bé thường xuyên.
Mùa đông thời tiết rất lạnh, mẹ nên dùng nước ấm để vệ sinh cho bé mỗi khi thay tã. Nếu bạn muốn sử dụng xà phòng, hãy chọn loại dịu nhẹ, không có bọt và hương thơm tổng hợp. Chú ý dùng khăn mềm thấm khô da hoàn toàn trước khi mang tã vào cho bé.
- Thoa kem dưỡng ẩm
Vào mùa đông, thời tiết khô hanh khiến da bé bị mất nước. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng hăm da thêm tồi tệ. Bạn nên thoa kem dưỡng ẩm phù hợp cho con sau khi bé tắm hoặc mỗi khi thay tã.
- Lựa chọn quần áo phù hợp trong mùa đông
Việc giữ ấm cho bé vào mùa đông rất quan trọng nhưng điều đó không có nghĩa là bạn mặc càng nhiều quần áo cho con càng tốt. Hãy nhớ rằng, da bé bị bít kín sẽ sinh ẩm ướt và hăm ở khu vực mặc tã.
Do đó, mẹ chỉ nên mặc đủ ấm cho con. Quần mặc cho bé nên rộng rãi và có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt để không khiến vùng mang tã bị bí bách. Cách đơn giản để biết được con bạn đã mặc đủ ấm hay chưa là sờ bàn chân của bé. Nếu cảm thấy chân con quá nóng thì nên cởi bớt đồ ra. Ngược lại nếu chân trẻ mát lạnh, dễ chịu thị không cần mặc thêm đồ.
- Dùng kem, thuốc trị hăm tã cho trẻ vào mùa đông
Nếu sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc, khắc phục tại nhà mà tình trạng hăm tã của trẻ vẫn không tiến triển thì bạn nên đưa con tới các chuyên khoa nhi khám. Bác sĩ có thể chỉ định cho bé dùng một số loại kem bôi ngoài da hay thuốc trị hăm tã như:
+ Kem hydrocortisone 1%: Giúp ức chế các phản ứng dị ứng, cải thiện tình trạng sưng đau khi bé bị hăm tã. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng cho trẻ.
+ Kem chống nấm: Dành cho các bé có biểu hiện bị nhiễm nấm
+ Thuốc kháng sinh: Trường hợp da bé bị nhiễm khuẩn có thể được chỉ định thuốc kháng sinh theo đường uống hoặc thuốc bôi ngoài da
Hiện tượng hăm tã ở trẻ vào mùa đông thường sẽ cải thiện sau vài ngày. Bạn cần lưu ý chăm sóc trẻ đúng cách để tình trạng này không tái diễn thêm nhiều lần nữa.
Bài viết chỉ có giá trị tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán và phương pháp điều trị của bác sĩ!
Tham khảo thêm:
- Hăm tã ở trẻ sơ sinh: Cha mẹ nên làm gì?
- Dùng dầu dừa trị hăm tã ở trẻ em có hiệu quả và an toàn không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!