Zegerid - Thuốc kháng acid dạ dày
Zegerid thường được sử dụng để điều trị các chứng ợ nóng, ợ hơi, khó tiêu, đầy hơi…Nắm bắt được những thông tin về thuốc sẽ giúp bạn có thể sử dụng một cách an toàn và hiệu quả.
- Tên biệt dược: Zegerid OTC.
- Tên gốc: Omeprazole, Sodium bicarbonate.
- Phân nhóm: Thuốc kháng acid, thuốc chống trào ngược và chống loét.
Những thông tin bạn cần biết về thuốc Zegerid
# Thành phần
- Omeprazole
- Natri bicarbonate
Zegerid là một sự kết hợp giữa Omeprazole và Natri bicarbonate. Trong đó, Omeprazole là một chất ức chế bơm proton làm giảm lượng acid mà dạ dày của chúng ta được tạo ra; còn Natri bicarbonate là một loại thuốc kháng acid làm tăng nồng độ pH trong dạ dày, nhằm giữ cho Omeprazole không bị phân hủy nhanh chóng trong acid dạ dày.
# Chỉ định
Thuốc Zegerid được sử dụng để điều trị một số vấn đề về dạ dày và thực quản như:
- Trào ngược acid dạ dày
- Loét dạ dày
- Ngăn ngừa chảy máu dạ dày.
Trong đó, thành phần Omeprazole – thuốc nhóm thuốc ức chế bơm Proton hoạt động bằng cách giảm đi lượng acid mà dạ dày của chúng ta tiết ra. Kết hợp với sự bảo vệ của thành phần còn lại, thuốc có khả năng làm giảm các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt, ho dai dẳng và quan trọng là chữa lành những tổn thương acid dạ dày thực quản, ngăn ngừa vết loét mới và thậm chí có thể ngăn ngừa ung thư thực quản.
Mất từ 1-4 ngày để Zegerid có thể phát huy được đầy đủ các công dụng và thuốc không làm giảm chứng ợ nóng ngay lập tức.
# Cách dùng
Đầu tiên, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về Zegerid được cung cấp bởi dược sĩ và in trên bao bì. Thuốc được dùng qua đường uống trực tiếp, thường là 1-2 lần/ngày ngay khi bụng đói hoặc ít nhất 1h đồng hồ trước khi ăn.
Với viên nang, bạn chỉ cần nuốt thuốc với 1 ly nước đầy (khoảng 240ml) và tốt nhất không nên sử dụng các loại chất lỏng khác như trà, cà phê, nước ép v.v…để uống thuốc. Tuyệt đối không mở viên nang ra để rắc bột vào thức ăn.
Đối với Zegerid dạng gói bột, cách sử dụng cũng rất đơn giản. Bạn xé gói thuốc và cho bột thuốc vào trong ly đã có sẵn 15-30ml nước mát (không sử dụng loại nước khác), sau đó khuấy đều lên và uống toàn bộ hỗn hợp ngay. Riêng loại bột ống thông qua dạ dày, bác sĩ sẽ là người thực hiện cho bạn vì nó khá phức tạp.
Lưu ý, bệnh nhân không thay thế thuốc bột và các viên nang với nhau. Lý do là vì 2 dạng Zegerid này có chứa lượng Natri bicarbonat khác nhau, hàm lượng cũng khác nhau. Tùy tiện thay thể sẽ khiến cho cơ thể của người bệnh phải đối mặt với tình trạng thừa Natri, sưng tay/chân.
Tiếp tục uống Zegerid trong thời gian điều trị, ngay cả khi bạn cảm thấy các triệu chứng đã gần như biến mất. Đều đặn dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp cho người bệnh nhận được những lợi ích cao nhất từ nó. Nếu bạn đang điều trị Zegerid không kê đơn, ghi nhớ rằng không dùng thuốc quá 14 ngày.
# Liều dùng
Bệnh nhân cần lưu ý dùng Zegerid đúng liều và số liều quy định. Tự ý tăng hoặc giảm liều lượng sẽ làm gia tăng các tác dụng phụ có thể xảy ra. Lưu ý, liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ở trẻ em thì liều Zegerid còn được dựa trên trọng lượng. Dưới đây là liều dùng cho người lớn được các bác sĩ khuyến cáo:
- Liều dùng cho người bị loét tá tràng: Uống 20mg/ngày/lần, thời gian điều trị là 4 tuần. Nếu bệnh chưa khỏi hẳn thì dùng thêm 4 tuần nữa.
- Liều dùng cho người bị loét dạ dày: Uống 40mg/ngày/lần, thời gian điều trị là 4-8 tuần.
- Liều dùng cho người bị trào ngược dạ dày thực quản: Uống 20mg/ngày/lần, thời gian điều trị là từ 2-4 tuần.
- Liều dùng cho người bị viêm thực quản ăn mòn: Uống 20mg/ngày/lần, thời gian điều trị từ 4-8 tuần. Đối với liều duy trì, uống 20mg/ngày/lần không quá 12 tháng.
- Liều dùng cho người bị xuất huyết tiêu hóa: Uống hỗn dịch 40mg, sau 6-8h uống thêm 40mg, thời gian điều trị là 14 ngày.
# Bảo quản
Thuốc Zegerid cần được bảo quản trong môi trường sạch sẽ, nhiệt độ phòng và tránh ánh sáng, độ ẩm cao. Không vứt thuốc vào toilet, để thuốc xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú nuôi để tránh trường hợp xấu.
Tham khảo thêm: Thuốc Pantogut là thuốc gì?
Những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng thuốc Zegerid
# Thận trọng
Trước khi dùng Zegerid, người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về khả năng dị ứng của bạn với thành phần của thuốc hoặc các loại thuốc có cấu tạo tương tự với Zegerid như Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole hoặc bất cứ dị ứng nào khác.
Ngoài ra, sản phẩm này có thể chứa những thành phần không hoạt động và gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề phát sinh khác. Do vậy, trước khi sử dụng Zegerid, bạn hãy cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh của mình, đặc biệt là các vấn đề sau đây:
- Bị ảnh hưởng bởi Natri trong thuốc (như suy tim sung huyết, huyết áp cao, sưng phù…).
- Các vấn đề về thận như hội chứng Bartter, suy thận.
- Bệnh gan (đặc biệt là xơ gan).
- Có nồng độ Canxi hoặc Kali trong máu thấp hơn nhiều so với mức bình thường.
- Mất cân bằng trao đổi chất (chẳng hạn như mất cân bằng acid-bazo).
Zegerid có chứa muối Natri nên trước khi dùng thuốc, bạn cần bói với bác sĩ nếu thể trạng không phù hợp với muối, hoặc đang kiêng ăn muối. Ngoài ra, trước khi tự điều trị bằng loại thuốc này, người bệnh cần nhờ đến sự trợ giúp y tế khi có những dấu hiệu nghiêm trọng như đau khi nuốt, nôn ra dịch nôn có màu như bã cà phê, phân có máu màu đen, ợ nóng (hơn 3 tháng), đau ngực thường xuyên, thở khò khè, đau dạ dày.
Thông thường thì các loại thuốc ức chế bơm proton như Zegerid có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là khi sử dụng lâu với liều cao, người lớn tuổi. Nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn về những cách ngăn chặn tình trạng xương dễ gãy như bổ sung Vitamin D.
Trẻ em có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của Zegerid, đặc biệt là các phản ứng về đường hô hấp như nhiễm trùng mũi, viêm họng v.v..
Phụ nữ đang mang thai chỉ nên sử dụng thuốc này khi thực sự cần thiết. Đồng thời phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng Zegerid vì thuốc có thể truyền qua sữa mẹ.
# Tác dụng phụ
Zegerid sẽ có khả năng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn trong thời gian sử dụng. Mặc dù phần lớn các phản ứng này không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng việc lơ là sẽ khiến cho chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
Liên hệ với bác sĩ ngay khi người bệnh có một trong những biểu hiện dưới đây:
- Đau dạ dày, tiêu chảy có lẫn máu tươi.
- Đau bất thường ở cổ tay, lưng, hông, đùi.
- Buồn nôn, nôn, sụt cân.
- Thường xuyên chóng mặt, đãng trí, co giật.
- Tê hoặc ngứa ran ở mặt, cánh tay/chân.
- Vấn đề về thận: Ít hoặc không đi tiểu, tiểu ra máu, ứ nước trong cơ thể.
- Nồng độ Magie trong cơ thể xuống thấp, hậu quả là: Chóng mặt, nhịp tim đập nhanh, bồn chồn, chuột rút, co thắt cơ ở tay và chân, nghẹt thở.
- Các triệu chứng mới hoặc xấu đi ở bệnh Lupus: Đau khớp, nổi mẩn ở da, má hoặc cánh tay.
Sử dụng thuốc Zegerid trong thời gian dài sẽ khiến người bệnh có nguy cơ bị polyp tuyến tiền liệt. Nếu thời gian uống thuốc là trên 3 năm thì có thể bị thiếu vitamin B-12.
# Tương tác thuốc
Gần như tất cả tân dược đều có sự tương tác thuốc. Trong đó, tương tác thuốc Zegerid xảy ra khi người bệnh dùng đồng thời thuốc với các tên thuốc có thành phần xảy ra phản ứng. Hiện tượng này sẽ khiến cho hoạt động của Zegerid bị ảnh hưởng, đồng thời tăng khả năng mắc phải các tác dụng phụ.
Việc làm đầu tiên giúp bệnh nhân tránh được các tương tác thuốc có thể xảy ra là giữ một danh sách tất cả những sản phẩm đã và đang sử dụng trong 1 tháng trở lại đây, bao gồm thuốc (kê toa và không kê toa), thảo dược, thực phẩm chức năng v.v…và chia sẻ với bác sĩ điều trị.
Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc Zegerid bao gồm:
- Cilostazol
- Clopidogrel
- Memantine
- Methotrexate (ở liều cao)
- Rifampin
Một số dược phẩm cần acid dạ dày để cơ thể có thể hấp thụ chúng, nhưng nhiệm vụ của thuốc Zegerid là làm giảm acid dạ dày và vì thế sẽ khiến chúng bị ảnh hưởng hoạt động, bao gồm:
- Atazanavir
- Erlotinib
- Nelfinavir
- Pazopanib
- Rilpivirine
- Thuốc chống nấm azole (Itraconazole, Ketoconazole, Posaconazole).
Bên cạnh đó, thành phần của Zegerid có chứa Omeprazole và vì vậy người bệnh không được sử dụng bất cứ loại thuốc nào có Esomeprazole trong khi điều trị bằng thuốc này. Zegerid còn có thể khiến cho một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm bị sai.
# Xử lí khi dùng thuốc quá/thiếu liều
Trong trường hợp bạn bất cẩn sử dụng thuốc Zegerid quá nhiều so với liều lượng quy định, hãy đảm bảo rằng bác sĩ của bạn cũng sẽ nhanh chóng biết được điều đó. Sẽ không quá nguy hiểm nếu số liều vượt chỉ là 1-2, nhưng bạn cũng cần được sơ cứu nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường.
Ngược lại, nếu bạn quên mất uống 1 liều thuốc Zegerid thì như thế nào? Đừng quá lo lắng, hãy dùng liều đó ngay sau khi bạn nhớ ra điều này. Nhưng nếu thời gian uống liều tiếp theo đã đến gần (dưới 4h đồng hồ), hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống theo liệu trình. Đừng quên báo với bác sĩ để được sắp xếp uống liều bổ sung.
Và nếu bác sĩ kê đơn thuốc Zegerid cho bạn, tuyệt đối đừng san sẻ nó với người khác (ngay cả khi họ có số cân nặng và triệu chứng y như bạn), nếu như bạn không muốn người đó bị quá liều hoặc lờn thuốc.
Trên đây là những thông tin chi tiết về thuốc giảm acid dạ dày Zegerid, bạn có thể tham khảo. Mọi thắc mắc xin vui lòng tìm gặp bác sĩ chuyên khoa dạ dày để được tư vấn chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Vilanta chữa viêm dạ dày
- Thuốc Omeplus có công dụng gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!