Thuốc Stadgentri: liều lượng, cách dùng và chống chỉ định
Thuốc Stadgentri thường được sử dụng trong điều trị viêm da có đáp ứng với Corticosteroid hay các bệnh da dị ứng. Bạn có thể gặp phải một số tác dụng ngoại ý khi lạm dụng hay dùng Stadgentri sai cách. Nắm được thông tin về thuốc sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro trong quá trình điều trị.
- Tên thuốc: Stadgentri
- Dạng bào chế: Gel bôi da
- Phân nhóm: Thuốc điều trị bệnh da liễu
Những thông tin cần biết về thuốc Stadgentri
1. Thành phần
Sau đây là những thành phần chính có trong thuốc Stadgentri:
- Clotrimazol: là 1 dẫn chất tổng hợp của imidazole, có tính kháng nấm phổ rộng.
- Betamethason dipropionat: là 1 corticosteroid thượng thận có tính kháng viêm, được hấp thu khá nhanh khi dùng tại chỗ.
- Gentamycin sulfat: có tính kháng khuẩn phổ rộng, tác dụng chủ yếu trên các vi khuẩn ưa khí gram âm.
2. Chỉ định
Thuốc Stadgentri được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Viêm da có đáp ứng Corticoid (xảy ra nhiễm trùng thứ phát)
- Bệnh chàm có rỉ dịch
- Nấm da
- Lang ben
- Vết trầy hay hăm da
Nếu muốn sử dụng Stadgentri cho các mục đích không được đề cập trên đây, bạn cần nhận được sự cho phép của bác sĩ. Việc dùng thuốc không đúng mục đích rất dễ phát sinh các vấn đề nguy hiểm.
HỮU ÍCH: 10+ Cách Chữa Lang Ben Tại Nhà Hiệu Quả Nhanh
3. Chống chỉ định
Stadgentri chống chỉ định với các trường hợp dưới đây:
- Những người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Đối tượng có tiền sử dị ứng với các imidazol, aminoglycosid hay corticosteroid khác
4. Cách dùng – Liều lượng
Bạn cần đọc kỹ tờ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc Stadgentri. Tuyệt đối không tự ý thay đổi cách dùng, liều lượng hay tần suất sử dụng thuốc khi chưa nhận được chỉ định từ bác sĩ.
Các dùng:
- Vệ sinh và lau khô vùng da cần điều trị
- Lấy một lượng thuốc tương ứng thoa lên vùng da bị tổn thương
- Xoa nhẹ bề mặt da trong một vài phút để thuốc thấm đều
- Rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với thuốc trừ khi tay là vùng cần điều trị
Tránh băng kín vùng da điều trị nếu bác sĩ không yêu cầu, bởi có thể làm tăng khả năng hấp thụ thuốc, phát sinh phản ứng toàn thân. Tránh để vùng da dùng thuốc tiếp xúc với các vùng da khác, Stadgentri có thể làm tổn thương các tế bào da khỏe mạnh.
Liều dùng:
Liều dùng được đề cập dưới đây chỉ đáp ứng cho những trường hợp phổ biến nhất. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết thông tin cụ thể về liều dùng ứng với tình trạng của mình.
- Dùng 1 lượng thuốc vừa đủ ứng với khu vực da tổn thương
- Chỉ thoa 1 lớp mỏng nhẹ
- Sử dụng 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối
Cần dùng thuốc đều đặn để đảm bảo hiệu quả điều trị. Không tự ý điều chỉnh liều bởi có thể gặp phải các rủi ro.
5. Hàm lượng – Dạng bào chế
- Dạng bào chế: Gel bôi ngoài da
- Hàm lượng: 10g/1 tuýp – 20g/1 tuýp
6. Hướng dẫn bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc Stadgentri ở nhiệt độ phòng, không quá 30 độ. Tránh những nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp hay độ ẩm cao. Không để thuốc gần tầm với của trẻ em và thú nuôi.
Khi thuốc hết hạn, biến chất hay hư hỏng nên ngưng sử dụng và xử lý đúng cách theo hướng dẫn trên bao bì.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Stadgentri
1. Thận trọng
Thuốc Stadgentri chỉ được sử dụng ngoài da. Không để thuốc tiếp xúc với mắt. miệng hay trong âm đạo.
Sử dụng thuốc trên diện rộng hay dùng kéo dài có thể làm tăng sự hấp thụ toàn thân và dễ gây tác dụng phụ. Bạn nên kiểm tra trục HPA định kỳ trong các trường hợp này.
Tính an toàn của Stadgentri đối với phụ nữ mang thai và cho con bú vẫn chưa được xác định. Những đối tượng này chỉ nên sử dụng khi bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro.
Tuyệt đối không chia sẻ thuốc Stadgentri cho bất cứ ai, ngay cả khi họ có những triệu chứng tương tự bạn. Việc dùng thuốc trong bất cứ trường hợp nào đều phải được bác sĩ cho phép.
2. Tác dụng phụ
Stadgentri có thể khiến bạn gặp phải các tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị. Thông thường các tác dụng phụ sẽ có xu hướng giảm sau vài tuần khi bác sĩ điều chỉnh liều lượng. Tuy nhiên, nếu các tác dụng ngoại ý kéo dài với mức độ nghiêm trọng, bạn sẽ phải cần đến sự can thiệp đặc biệt hơn.
Tác dụng phụ của thuốc Stadgentri:
- Nóng, ngứa hay kích ứng da
- Viêm nang lông
- Rạn da
- Teo da
- Khô da
- Nổi mề đay dạng mụn
- Viêm da tiếp xúc
- Nhiễm trùng da thứ phát
- Lột da
- Rôm sảy
- Giảm sắc tố da
Thông tin trên đây chưa bao quát hết tất cả các tác dụng ngoại ý mà Stadgentri có thể gây ra. Khi cơ thể xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào, bạn nên chủ động báo với bác sĩ để nhận được sự chăm sóc đúng lúc.
3. Tương tác thuốc
Khi đồng sử dụng Stadgentri với các loại thuốc khác, vấn đề tương tác thuốc có thể xảy ra. Điều này khiến hoạt động của thuốc sẽ có sự thay đổi ảnh hưởng đến tác dụng điều trị. Trường hợp tương tác nặng sẽ làm phát sinh nhiều phản ứng nguy hiểm.
Các thuốc dễ gây tương tác với Stadgentri:
- Sulfafurazol
- Scetylcystein
- Cloramphenicol
- Actinomycin
- Heparin
- Sulfacetamid
- Clindamycin
- Doxorubicin
Ngoài ra, Stadgentri còn có thể xảy ra tương tác với các thuốc không được đề cập trên đây. Để ngăn ngừa tương tác thuốc, hãy chủ động cung cấp thông tin về tất cả các thuốc bạn đang sử dụng cho bác sĩ. Bao gồm cả thuốc Đông y, thực phẩm chức năng hay vitamin.
4. Xử lý khi thiếu hoặc quá liều
- Trường hợp quên dùng 1 liều
Thường sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại làm giảm hiệu quả điều trị. Bạn hãy bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu nhận thấy đã quá gần với thời điểm dùng liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên. Tuyệt đối không bù liều bằng cách gấp đôi lượng thuốc trong 1 lần dùng.
Bạn có thể cài báo thức để nhắc nhở thời gian dùng thuốc. Điều này sẽ giúp hạn chế việc quên liều và không làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
- Trường hợp dùng thuốc quá liều
Khác với thiếu liều, dùng quá kiều thuốc Stadgentri có thể khiến bạn gặp các vấn đề nguy hiểm. Bởi nó làm tăng nguy cơ phát sinh các phản ứng phụ. Hãy báo ngay cho bác sĩ để nhận được sự chăm sóc kịp thời nếu không may bạn dùng thuốc quá liều.
5. Khi nào nên ngưng thuốc
Trong một số trường hợp, nếu bạn tiếp tục sử dụng thuốc sẽ khiến bản thân gặp phải nhiều rủi ro. Đối với thuốc Stadgentri, nhà sản xuất khuyến cáo nên ngưng sử dụng khi:
- Bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện điều này
- Xuất hiện các phản ứng phụ nghiêm trọng
- Xảy ra tương tác thuốc mạnh
- Các triệu chứng nặng nề thêm dù bạn tuân thủ kế hoạch dùng thuốc
THAM KHẢO THÊM
- Những Cách Chữa Viêm Da Dị Ứng Phổ Biến Hiện Nay
- TOP 7 Dầu Gội Trị Nấm Da Đầu Tốt Nhất, Được Tin Dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!