Thuốc Rodogyl: Cách sử dụng và Lưu ý khi dùng
Thuốc Rodogyl được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn răng miệng cấp và mãn tính bao gồm viêm tấy, viêm nướu, áp xe răng, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm nha chu,… Đồng thời được dùng để dự phòng nhiễm khuẩn tại chỗ sau khi thực hiện thủ thuật ngoại khoa răng miệng.
- Tên thuốc: Rodogyl
- Phân nhóm: Thuốc chống nhiễm khuẩn, kháng nấm, virus và ký sinh trùng
- Dạng bào chế: Viên nén bao phim
Những thông tin cần biết về thuốc Rodogyl
1. Thành phần
Thuốc Rodogyl có chứa các thành phần sau:
- Spiramycin: Là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng hơn Erythromycin. Hoạt chất này nhạy cảm với vi khuẩn nhóm Streptococcus, Helicobacter pylori, Propionibacterium,…
- Metronidazole: Tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn kỵ khí gram âm, trùng roi Trichomonas vaginalis. Không nhạy cảm với vi khuẩn ưa khí.
Thuốc còn chứa các thành phần không hoạt động. Tham khảo thông tin in trên tờ hướng dẫn đi kèm để biết bảng thành phần cụ thể.
2. Chỉ định
Thuốc Rodogyl được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn răng miệng cấp và mãn tính bao gồm viêm tấy, viêm nướu, áp xe răng, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm nha chu, viêm dưới hàm, viêm miệng, viêm quanh thân răng,…
- Dự phòng nhiễm khuẩn tại chỗ sau thủ thuật ngoại khoa răng miệng.
Rodogyl cũng có thể được sử dụng với mục đích khác. Trao đổi với bác sĩ để biết tác dụng đầy đủ của thuốc.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định Rodogyl cho các đối tượng sau:
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc.
- Từng có tiền sử dị ứng với dẫn xuất của Acetyl Spiramycin và Imidazol.
- Phụ nữ đang cho con bú.
Hoạt động của thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả và mức độ tiến triển của một số bệnh lý khác. Vui lòng khai báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được cân nhắc về việc sử dụng Rodogyl trong quá trình điều trị.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
- Dạng bào chế: Viên nén bao phim
- Hàm lượng: Metronidazole 125mg; Spiramycin 750.000IU
- Quy cách: Hộp 2 vỉ x 10 viên
5. Cách dùng – liều lượng
Sử dụng thuốc bằng đường uống. Nên nuốt trọn viên thuốc, không bẻ, cắn hay hòa tan viên thuốc. Sử dụng thuốc với nước lọc, không nên dùng chung với sữa, cà phê hay nước ép trái cây.
Liều lượng thuốc tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và khả năng đáp ứng của cơ thể với thuốc. Vì vậy bạn nên liên hệ với bác sĩ để được cung cấp thông tin cụ thể về liều lượng, tần suất và thời gian dùng thuốc. Liều lượng được cung cấp trong bài viết chỉ đáp ứng với các trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình.
Liều dùng thông thường khi sử dụng cho người trưởng thành
- Dùng 4 – 6 viên/ ngày
- Chia thành 2 – 3 lần sử dụng
Liều dùng thông thường khi sử dụng cho trẻ từ 10 – 15 tuổi
- Dùng 3 viên/ ngày
- Chia thành 3 lần uống
Liều dùng thông thường khi sử dụng cho trẻ từ 5 – 10 tuổi
- Dùng 2 viên/ ngày
- Chia thành 2 lần uống
Cần cân chỉnh liều lượng nếu không nhận thấy cải thiện lâm sàng. Tuy nhiên việc tăng giảm liều chỉ được thực hiện khi có sự cho phép từ bác sĩ chuyên khoa. Tự ý điều chỉnh có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị, hoặc thậm chí gây ra những triệu chứng nguy hiểm.
Báo cho bác sĩ nếu triệu chứng có xu hướng trầm trọng hơn khi sử dụng thuốc.
Tìm hiểu thêm: Otifar là thuốc gì?
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Rodogyl ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, môi trường ẩm thấp. Đồng thời để xa tầm với của thú nuôi và trẻ nhỏ.
7. Giá thành
Thuốc Rodogyl có giá khoảng 110 – 120.000 đồng/ Hộp 2 vỉ x 10 viên.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Rodogyl
1. Thận trọng
Nên đứng khi uống và sau khi uống thuốc khoảng 30 phút. Không nên uống thuốc khi nằm. Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hồi, viêm ruột kết hoặc nghi ngờ loét dạ dày.
Rodogyl có thể gây độc cho người cao tuổi. Cần cân nhắc và điều chỉnh liều nếu sử dụng cho bệnh nhân trên 65 tuổi. Thuốc không bài tiết qua thận, vì vậy có thể sử dụng thuốc cho bệnh nhân suy thận mà không cần giảm liều lượng.
Thực nghiệm trên động vật cho thấy Rodogyl không gây quái thai hay dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên các nghiên cứu còn ở mức sơ bộ, vì vậy phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng thuốc khi có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Thành phần trong thuốc có khả năng thải trừ qua sữa mẹ, vì vậy thuốc không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Trong trường hợp bắt buộc, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng cho trẻ bú để sử dụng thuốc.
Cần theo dõi nồng độ bạch cầu khi sử dụng Rodogyl cho bệnh nhân có tiền sử rối loạn thể tạng máu hoặc điều trị kéo dài.
2. Tác dụng phụ
Rodogyl có thể làm phát sinh những tác dụng phụ không mong muốn trong thời gian sử dụng.
Tác dụng phụ thông thường:
- Nổi mề đay
- Rối loạn tiêu hóa
- Viêm lưỡi
- Có vị kim loại trong miệng
- Giảm bạch cầu vừa phải
Tác dụng phụ nghiêm trọng:
- Dị cảm
- Chóng mặt
- Mất điều hòa vận động
Để hạn chế tình trạng tác dụng phụ phát triển và gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bạn cần trình bày với bác sĩ những tác dụng phụ gặp phải trong thời gian dùng thuốc.
3. Tương tác thuốc
Rodogyl có thể phản ứng với nhiều loại thuốc khác nhau. Phản ứng tương tác khiến kết quả điều trị bị ảnh hưởng, thậm chí gây ra những tình huống rủi ro.
Do đó, cần cẩn trọng khi sử dụng Rodogyl với những loại thuốc sau:
- Thuốc ngừa thai: Rodogyl làm giảm tác dụng ngừa thai của loại thuốc này.
- Disulfiram: Dùng đồng thời với Rodogyl gây độc với hệ thống thần kinh, làm phát sinh những triệu chứng như lú lẫn, loạn thần,…
- Thuốc chống đông đường uống: Rodogyl làm tăng độc tính của nhóm thuốc chống đông. Đồng thời làm tăng nguy cơ xuất huyết. Nếu có ý định sử dụng phối hợp, cần điều chỉnh liều dùng của thuốc chống đông máu.
- Thuốc giãn cơ: Rodogyl làm tăng tác dụng giãn cơ của loại thuốc này.
- Lithi: Rodogyl làm tăng nồng độ của Lithi trong máu và gây độc cho cơ thể.
- Fluorouracil: Rodogyl làm giảm khả năng thanh thải, do đó làm tăng độc tính của Fluorouracil.
- Rượu: Dùng rượu trong thời gian uống Rodogyl gây ra hiệu ứng Antabuse (triệu chứng lâm sàng: tim đập nhanh, nóng, đỏ bừng, nôn mửa,…).
4. Quá liều và cách xử trí
Sử dụng Rodogyl quá liều làm phát sinh các triệu chứng như mất điều hòa, buồn nôn, nôn mửa, viêm dây thần kinh ngoại biên, co giật,…
Trường hợp quá liều Rodogyl không có thuốc giải độc đặc hiệu, do đó bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệu chứng để cải thiện.
Có thể bạn quan tâm
- Tixocortol là thuốc gì?
- Muối rửa mũi xoang Cát Linh: giá tiền, hướng dẫn sử dụng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!