Etifoxine là thuốc gì? Cách sử dụng và Liều dùng
Thuốc Etifoxine được sử dụng để điều trị các biểu hiện tâm thần – thực thể của chứng lo âu như loạn trương lực thần kinh thực vật, tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp, đánh trống ngực,…Có đi kèm với các triệu chứng ở cơ quan tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng và hội chứng đại tràng kích thích.
- Tên thuốc: Etifoxine
- Tên biệt dược: Stresam
- Phân nhóm: Thuốc hướng tâm thần
Những thông tin cần biết về thuốc Etifoxine
1. Tác dụng
Etifoxine được sử dụng dưới dạng Etifoxine chlorhydrate và Etifoxine hydrochloride.
Etifoxine chlorhydrate
Etifoxine chlorhydrate là dẫn xuất thuộc nhóm benzoxazine. Thuốc tác động chọn lọc lên kênh chlor của thụ thể GABA nhằm giải lo âu. Vì tác dụng chọn lọc nên Etifoxine không ảnh hưởng đến các chức năng quan trong khác của cơ thể.
Etifoxine chlorhydrate làm giảm các phản ứng do stress gây ra như tăng huyết áp, tăng bài tiết cortisol, tính khí dễ xúc cảm, tăng acid béo tự do trong huyết tương,…
Sử dụng Etifoxine chlorhydrate trong điều trị dài hạn (khoảng 6 – 12 tháng) không gây ra tình trạng phụ thuộc hay hội chứng cai nghiện sau khi ngưng sử dụng.
Etifoxine hydrochloride
Etifoxine hydrochloride có tác dụng giải lo âu và điều hòa hệ thần kinh thực vật. Thuốc tác động kép lên thụ thể GABA nhằm tăng khả năng dẫn truyền GABAergic.
Etifoxine được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh trong máu xuất hiện sau 2 giờ 30 phút sử dụng thuốc. Thời gian bán hủy thuốc ngắn (khoảng 6 giờ), vì vậy thuốc thường được sử dụng khoảng 3 lần/ ngày.
Tham khảo thêm: Thuốc Phezam là thuốc gì?
2. Chỉ định
Thuốc Etifoxine được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Điều trị các biểu hiện tâm thần – thực thể của chứng lo âu như loạn trương lực thần kinh thực vật, tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp, đánh trống ngực,…
- Đi kèm với các biểu hiện ở cơ quan tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng và hội chứng đại tràng kích thích
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Etifoxine với những đối tượng sau:
- Tình trạng choáng
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Nhược cơ
- Suy gan/ suy thận nặng
- Suy hô hấp nghiêm trọng
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Etifoxine được bào chế ở dạng viên uống với hàm lượng 50mg (dưới dạng Etifoxine chlorhydrate và Etifoxine hydrochloride).
5. Cách sử dụng – liều dùng
Sử dụng thuốc bằng đường uống, uống cùng với một ly nước đầy.
Liều dùng thông thường:
- Người trưởng thành: Mỗi lần dùng 50mg/ 2 – 3 lần/ ngày
- Thời gian điều trị: 7 – 30 ngày
Không có tài liệu chứng minh độ an toàn và tính hiệu quả của thuốc đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Do đó nếu có ý định sử dụng thuốc cho trẻ, cần trao đổi trước với bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, nên hiệu chỉnh liều hoặc giãn khoảng cách giữa 2 liều thuốc ở bệnh nhân suy gan hoặc suy thận.
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc trong bao bì, chỉ lấy viên thuốc ra khi có nhu cầu sử dụng. Đặt thuốc ở nơi thoáng mát, tránh ẩm và ánh nắng trực tiếp, đồng thời tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.
Có thể bạn muốn biết: Thuốc Aleucin 500mg điều trị tình trạng chóng mặt
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Etifoxine
1. Thận trọng
Hầu hết các chế phẩm chứa Etifoxine đều có lactose, vì vậy không sử dụng cho bệnh nhân không dung nạp lactose.
Cần cân nhắc và theo dõi chặt chẽ ở bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ức chế thần kinh trung ương. Ngưng thuốc khi nhận thấy phản ứng dị ứng, phản ứng trên da hoặc rối loạn chức năng gan nghiêm trọng.
Đồ uống chứa cồn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc. Vì vậy tránh sử dụng trong thời gian điều trị.
Etifoxine có thể gây buồn ngủ và chóng mặt. Vì vậy nên hạn chế làm việc trên cao, tính toán hoặc lái xe trong thời gian này.
Trên thực nghiệm đối với động vật, không nhận thấy tác hại của thuốc đối với phụ nữ mang thai và thai nhi. Tuy nhiên chưa có các dữ liệu lâm sàng cụ thể nên không khuyến cáo sử dụng Etifoxine cho nhóm đối tượng này.
Nên ngưng cho trẻ bú nếu có ý định sử dụng thuốc Etifoxine khi đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Etifoxine có thể làm nghiêm trọng hóa triệu chứng của bệnh nhược cơ. Với bệnh nhân bị suy hô hấp nhẹ, có thể sử dụng thuốc Etifoxine nhưng cần phải giảm liều.
Có thể bạn muốn biết: Thuốc Ritalin có tác dụng gì?
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp:
- Buồn ngủ
- Chóng mặt nhẹ
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Phù mặt
- Mụn nhỏ do phát ban da
- Nổi mề đay
- Ban đỏ đa hình
- Phù Quincke
Thông báo ngay với bác sĩ các tác dụng không mong muốn của thuốc để được khắc phục kịp thời. Không nên tự ý dùng thuốc điều trị các tác dụng ngoại ý của Etifoxine.
Trong trường hợp dị ứng nặng, bác sĩ có thể sử dụng Epinephrin để đảm bảo thoáng khí và dùng corticoid/ histamine để giảm triệu chứng do phản ứng dị ứng gây ra.
3. Tương tác thuốc
Cân nhắc trước khi sử dụng đồng thời Etifoxine với những loại thuốc sau:
- Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (Benzodiazepine, thuốc ngủ, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc kháng histamine H1, thuốc chống trầm cảm, Thalidomide, Baclofene, thuốc trị cao huyết áp,…): Dùng cùng lúc với Etifoxine làm tăng ức chế thần kinh trung ương.
4. Xử lý khi dùng thuốc quá liều
Sử dụng quá liều Etifoxine có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan và hô hấp. Ngay sau khi nhận thấy những triệu chứng này, cần đến bệnh viện để được xử lý.
Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho trường hợp quá liều Etifoxine. Vì vậy bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng và hỗ trợ cho đến khi người bệnh bình phục hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Sifrol: Tác dụng, liều dùng và những thông tin cần lưu ý
- Risperidon là thuốc gì? Sử dụng cho các đối tượng nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!