Thuốc bổ sung testosterone Androderm: liều dùng và chống chỉ định

Androderm là thuốc bổ sung testosterone. Thuốc được sử dụng cho trẻ em chậm dậy thì hoặc những người suy giảm chức năng sinh lý do cơ thể không sản xuất đủ hormone.

thuốc Androderm
Androderm là thuốc bổ sung testosterone – hormone nam

  • Tên thuốc: Androderm
  • Tên hoạt chất: Testosterone
  • Phân nhóm: thuốc hormone, nội tiết

Những thông tin cần biết về thuốc Androderm

1. Chỉ định

Androderm được sử dụng để bổ sung testosterone trong trường hợp cơ thể không sản xuất đủ hormone. Testosterone có trong Androderm có chức năng tương tự như hormone được cơ thể sản sinh.

thuốc Androderm tăng testosterone
Androderm được sử dụng cho nam giới dậy thì chậm hoặc những người suy giảm chức năng sinh lý

Androderm dùng cho những người suy giảm chức năng sinh lý, thường gặp phải các vấn đề như rối loạn cương dương, nhu cầu tình dục thấp, xuất tinh sớm,… Hoặc được dùng cho trẻ thiếu hụt hormone và chậm dậy thì.

2. Chống chỉ định

Androderm chống chỉ định với các trường hợp sau:

  • Nữ giới và trẻ nhỏ
  • Không dùng cho người dưới 15 tuổi
  • Người dị ứng với những thành phần có trong thuốc
  • Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt

Androderm có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe, do đó bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và bệnh lý để được cân nhắc việc sử dụng thuốc.

3. Dạng bào chế và hàm lượng

Androderm được bào chế ở dạng miếng dán với 2 hàm lượng sau:

  • Miếng dán 12.2mg: bao gồm 12.2mg testosterone và cung cấp 2.5mg testosterone/giờ trong 24 giờ.
  • Miếng dán 24.3mg: bao gồm 24.3mg testosterone và cung cấp testosterone 5mg/giờ trong 24 giờ.

4. Cách dùng – liều lượng

Bạn có thể sử dụng thuốc ở vùng lưng, cánh tay, đùi, bụng,… Nên làm sạch và lau khô da trước khi dán thuốc. Không đặt miếng dán lên cơ quan sinh dục hoặc những cơ quan có thể sản xuất chất nhầy như mũi, miệng,…

tác dụng của thuốc Androderm
Sử dụng miếng dán Androderm lên vùng da sạch sẽ và khô thoáng

Nên thay đổi vị trí dùng thuốc, dùng thuốc cùng một vị trí có thể khiến vùng da bị kích ứng và ngứa rát. Bạn có thể dùng miếng dán vào buổi tối vì thời điểm này cơ thể ít hoạt động, da không đổ quá nhiều mồ hôi. Việc này sẽ giúp miếng dán không bị dịch chuyển.

Liều lượng sử dụng:

  • Sử dụng một miếng dán 24.3mg/lần/ngày
  • Hoặc dùng 2 miếng 12.2mg/lần/ngày.

Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng tùy thuộc vào mức độ hấp thu của cơ thể. Tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều nếu không có yêu cầu từ bác sĩ.

5. Bảo quản

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh nơi ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp. Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em.

Với miếng dán đã qua sử dụng, bạn nên xử lý theo hướng dẫn in trên bao bì. Không vứt thuốc vào môi trường hay nguồn nước, hóa chất từ thuốc có thể gây ô nhiễm môi trường tự nhiên. Thuốc có dấu hiệu hư hại, hết hạn không nên tiếp tục sử dụng. Mặc dù Androderm chỉ được dùng ở ngoài da nhưng nhà sản xuất đã cảnh báo việc dùng thuốc hết hạn, biến chất có thể gây kích ứng và gây ra tác dụng phụ.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Androderm

1. Thận trọng

Sử dụng testosterone trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề này trước khi sử dụng để hạn chế rủi ro có thể phát sinh. Nếu bạn gặp các vấn đề về thận, bạn nên thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng. Testosterone được thải trừ qua thận, do đó nếu sử dụng liều thông thường, thận có thể bị tổn thương và suy giảm khả năng vận động.

thuốc androderm
Rửa sạch tay sau khi dùng thuốc để hạn chế tình trạng thuốc truyền sang người khác qua đường tiếp xúc

Sau khi sử dụng thuốc, bạn nên rửa tay bằng xà phòng. Vì dư lượng testosterone có thể truyền qua người khác qua đường tiếp xúc.

Nếu da xuất hiện tình trạng kích ứng khi tiếp xúc với miếng dán, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để sử dụng kem bôi da có chứa corticosteroid. Thuốc mỡ không được khuyến khích trong trường hợp này vì loại thuốc này có thể làm giảm khả năng hấp thu Androderm của cơ thể.

Việc sử dụng Androderm cho trẻ em có thể khiến trẻ tăng trưởng sớm. Thuốc chỉ được sử dụng cho nam giới dậy thì muộn do cơ thể sản xuất hormone thấp. Tuyệt đối không dùng thuốc cho trẻ dưới 15 tuổi nếu không có yêu cầu từ bác sĩ.

2. Tác dụng phụ

Tác dụng phụ có thể xuất hiện trong thời gian sử dụng Androderm. Khi các triệu chứng phát sinh, bạn cần xác định mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và chủ động liên hệ với bác sĩ.

Tác dụng phụ thông thường:

  • Mụn trứng cá
  • Tăng ham muốn tình dục
  • Khó ngủ
  • Chóng mặt
  • Rụng tóc, tóc mỏng
  • Đau đầu
  • Thay đổi tâm trạng
  • Tăng cân
  • Kích ứng da

Hầu hết các triệu chứng này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng, bạn nên thông báo với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn.

Tác dụng phụ nghiêm trọng:

  • Đau ở ngực
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn nhịp tim
  • Xuất hiện các vấn đề về tiểu tiện (hàm lượng, màu sắc nước tiểu thay đổi bất thường)
  • Dương vật cương cứng kéo dài (trên 4 giờ)
  • Có dấu hiệu trầm cảm (tập trung kém, giảm hứng thú, suy nghĩ tiêu cực,…)
  • Dấu hiệu suy tim (khó thở, mệt mỏi, sưng ở chân, sưng mắt cá chân,…)
  • Tổn thương gan (đau bụng, vàng da, phân có màu nhạt, buồn nôn, nôn mửa,…)

Các tác dụng phụ nghiêm trọng này có thể phát triển và gây ra những biến chứng nặng nề. Bạn nên ngưng dùng thuốc và đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

3. Tương tác thuốc

Androderm có thể tương tác với những loại thuốc sau:

thuốc Androderm
Androderm có thể tương tác với corticosteroid ở đường uống và tiêm
  • Corticosteroid (thuốc uống, tiêm tĩnh mạch,…)
  • Cyclosporine
  • Dehydroepiandrosterone
  • Thuốc điều trị tiểu đường
  • Thuốc chống đông máu warfarin

Danh sách này chưa bao gồm toàn bộ những loại thuốc có thể tương tác với Androderm. Bạn nên chủ động phòng ngừa tương tác bằng cách trình bày với bác sĩ những loại thuốc mình đang sử dụng, bao gồm thuốc uống, thuốc điều trị tại chỗ, viên uống bổ sung, thảo dược, vitamin, thuốc phiện,… Nếu có tương tác xuất hiện, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngưng một trong hai loại thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng và tần suất để kiểm soát tình trạng này.

4. Nên ngưng thuốc khi nào?

Việc ngưng dùng thuốc phải có yêu cầu từ bác sĩ, tuy nhiên trong một số trường hợp bạn cần chủ động ngưng thuốc khi các dấu hiệu bất thường xuất hiện:

  • Xuất hiện cục máu đông ở tay, chân (đau, sưng viêm, nóng ở cánh tay và chân)
  • Có dấu hiệu đau tim (đau ngực, cơn đau lan qua vai và cánh tay, buồn nôn, đổ mồ hôi,…)
  • Có dấu hiệu đột quỵ (nhức đầu đột ngột, thay đổi thị lực, nói chậm, tê và đau ở cánh tay, chân,…)
  • Phản ứng dị ứng (khó thở, phát ban, sưng cổ họng,…)

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!

Tin bài nên đọc:

Nam khoa - Thuốc dân tộc

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.