Long cốt: Tác dụng dược lý, công dụng & bài thuốc phổ biến
Long cốt có vị ngọt, chát, tính bình, đi vào các kinh Tâm, Can, Thận. Theo nhiều nghiên cứu, trong thành phần của vị thuốc chứa các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt, các bon, nhôm, ma giê… Vị thuốc có tác dụng trấn kinh, an thần, cố tinh, sáp trường, được dùng trong các bài thuốc chữa mất ngủ, hồi hộp, thần trí không yên, ra mồ hôi trộm, làm lành vết thương ngoài da…
Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: phấn long cốt, thổ long cốt, hoa long cốt.
Tên khoa học: Os Dracois, (Fossilia Ossis Mastodi).
Đặc điểm dược liệu
Mô tả:
Long cốt là vị thuốc hóa thạch từ xương của một số động vật thời cổ đại thuộc loài khủng long như:
- Rhinoceros indet;
- Tê giác ngựa 3 ngón chân Rhinoceros sinensis Owen
- Loài hươu Cervidae indet
- Loài trâu Bovidae indet
Cùng loại long cốt này có loại Long xỉ (Dens Draconis) với cùng nguồn gốc, thành phần hóa học và công dụng.
Phân bố:
Hiện nay, vị thuốc chỉ được tìm thấy và nhập ở Trung Quốc.
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Xương của động vật đã hóa thạch.
Thu hoạch: Quanh năm. Khi đào được, cần bọc kĩ long cốt ngay để tránh chúng bị rã ra khi tiếp xúc với khí trời.
Chế biến: Để sống hoặc nung nóng lên rồi tán thành bột mịn.
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học
Long cốt có chứa các thành phần hóa học sau đây:
- CO23, Ca2+, PO53-
- Fe2+, Fe3+, Al3+, Mg2+ và SO42-, clo (một lượng nhỏ).
Tác dụng dược lý
Theo nhiều nghiên cứu, long cốt có tác dụng dược lý sau:
- trấn kinh
- sáp tinh
- làm hết mồ hôi
- an thần.
Vị thuốc được dùng trong điều trị các vấn đề bệnh lý sau:
- hồi hộp, mất ngủ, thần trí không yên
- ra mồ hôi trộm
- tả lỵ
- xích bạch đới lâu ngày
- làm kín miệng vết loét ngoài da.
Tính vị
Vị thuốc có vị ngọt, sáp, tính bình, hơi hàn (lạnh), không độc. Một số tài liệu cho biết nguyên liệu trên có ít độc.
Qui kinh
Long cốt quy vào kinh sau:
- Vào kinh Can, thận, tâm (theo Trung dược học).
- Vào kinh Quyết âm, Thủ túc thiếu âm (theo Cương mục).
- Vào kinh Thiếu dương, Quyết âm, Thiếu âm, Dương minh, Thủ thiếu âm (theo Bản thảo kinh).
Liều dùng và cách dùng
- Liều dùng: Bạn có thể dùng 20 – 40 gam/ ngày.
- Cách dùng: Dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Bài thuốc
Vị thuốc được ứng dụng trong một số bài thuốc sau đây:
Trị chứng tự ra mồi hôi, ra mồ hôi trộm
Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: 12g long cốt, mẫu lệ, sơn thù.
- Thực hiện: Sắc thuốc uống, dùng trước khi đi ngủ.
Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: 12 gam long cốt, mẫu lệ, sinh hoàng kỳ; 40 gam bột gạo tẻ.
- Thực hiện: Đem nung mẫu lệ và long cốt. Cho tất cả các nguyên liệu trên tán thành bột, bọc trong túi vải thưa, gói lại, bôi lên da.
Trấn tâm, an thần
Bài thuốc 1 (thang thuốc Sài hồ gia long cốt mẫu lệ):
- Chuẩn bị: 12 gam sài hồ, 16 gam mẫu lệ, 12 gam sinh khương, 3 quả đại táo, 8 gam quế chi, 8 gam đại hoàng, 8 gam phục linh, 12 gam đẳng sâm, 16 gam long cốt.
- Thực hiện: Sắc uống tất cả các nguyên liệu trên. Bài thuốc có công dụng trị mất ngủ, mộng mị, đau người, kinh sợ…
Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: 15 gam long xỉ, 15 gam đẳng sâm, 15 gam viễn chí, 15 gam quy thân, 10 gam mạch môn, 10 gam quế tâm, 10 gam chích thảo, 30 gam diên hồ sách.
- Thực hiện: Đem nghiền tất cả các nguyên liệu trên thành bột. Mỗi lần dùng từ 12 – 15 gam. Bài thuốc có công dụng hoạt huyết ứ khí, bổ tâm, an thần, trị tâm hư ứ huyết, cười khóc không tự chủ, run rẩy không yên…
Cố thận sáp tinh
Bài thuốc 1 (Thang long cốt)
- Chuẩn bị: 12 gam long cốt, 12 gam mẫu lệ, 12 gam phục linh, 12 gam đẳng sâm, 16 gam thục địa, 4 gam quan quế. 4 gam cam thảo.
- Thực hiện: Sắc uống. Bài thuốc có công dụng trị di hoạt tinh do suy nhược, cố thận sáp tinh.
Bài thuốc 2 (Kim tỏa cố tinh)
- Chuẩn bị: 40 gam khiếm thực, 40 gam long cốt, sa uyển tật lê 40 gam, 40 gam liên tử, 40 gam liên tu, 40 gam mẫu lệ.
- Thực hiện: Tán tất cả các nguyên liệu trên thành bột, làm hoàn (viên). Dùng 2 lần/ ngày, mỗi lần 15 gam. Bài thuốc giúp chữa di tinh, khí kém, tảo tiết…
Bài thuốc 3: (Tang phiêu tiêu tán)
- Chuẩn bị: 30 gam tang phiêu tiêu, 30 gam long cốt, 30 gam quy bản, 30 gam phục thần, 30 gam viễn chí, 30 gam nhân sâm, 30 gam đương quy.
- Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu trên tán thành bột mịn, làm hoàn, Dùng thuốc 2 lần / ngày, mỗi lần dùng 15 gam. Bài thuốc có tác dụng cố tinh, bổ thận, trị són tinh, di tinh, tiểu vặt, tinh thần hoảng hốt, mộng mịn, hay quên.
Cầm tiêu chảy, săn ruột
- Chuẩn bị: 12 gam long cốt, kha tử, thực tử, xích thạch chi; 6 gam anh túc xác.
- Thực hiện: Nghiền tất cả các nguyên liệu trên thành bột mịn, trộn đều với cơm và nước sắc. Bài thuốc giúp trị chứng đại tiện lỏng kéo dài, bệnh trĩ.
Trị mụn nhọt, giúp lên da non ở vết thương
Bài thuốc 1 (Thuốc bột Long cốt):
- Chuẩn bị: Khô phàn, long cốt – 1 lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Đem tán các nguyên liệu trên thành bột mịn, rắc lên vết thương không kín miệng.
Bài thuốc 2 (Thuốc bột cầm máu):
- Chuẩn bị: 30 gam ô tặc cốt, 30 gam long cốt.
- Thực hiện: Tán tất cả nguyên liệu trên thành bột mịn, rắc lên vết thương, loét ngoài da bị chảy máu.
Kiêng kỵ
Không dùng vị thuốc cho những đối tượng sau đây:
- Người thấp nhiệt tích trệ, thấp nhiệt thực tà (theo Trung dược học).
- Kỵ cá (theo Dược tính luận).
Trên đây là một số thông tin về vị thuốc long cốt & ứng dụng đối với một số bệnh lý cụ thể. Để dùng thuốc đúng liêu lượng và đúng cách, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi dùng.
Dược liệu nên kết hợp
- Tác dụng dược lý của ma hoàng và các bài thuốc chữa bệnh từ dân gian
- Cây Bụp Giấm (Atiso Đỏ) Và Những Lợi Ích Đối Với Sức Khỏe
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!