Tác Dụng Của Cây Lõi Tiền Và Những Bài Thuốc Liên Quan

Cây lõi tiền là một loại dây leo, thường quấn trên thân của những cây thân gỗ. Loại cây này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như dây mối, phấn cơ đốc, đại cung đằng,… với danh pháp khoa học là Stephania longa Lour. Trong một số tài liệu của Y học cổ điển cho biết, cây lõi tiền có vị đắng, tính mát, có tác dụng chữa chứng tiểu khó, tiểu nhắt, đau nhức xương khớp, tay chân sưng đau, chữa mụn nhọt vừa mới phát,…

cây lõi tiền
Cây lõi tiền là loại cây thuộc họ Tiết dê với danh pháp khoa học là Stephania longa Lour

Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Dây mối, Đại cung đằng, Phấn cơ đốc, Xạ chen (dân tộc Tày),…
  • Danh pháp khoa học: Stephania longa Lour
  • Tên tiếng Trung: 糞箕篤 (粪箕笃)
  • Họ: Tiết dê (Menispermaceae)

Đặc điểm sinh thái của cây lõi tiền

+ Mô tả cây lõi tiền:

Cây lõi tiền là loại dây leo, thường cuốn vào những cây to hoặc bò ngang sát mặt đất. Cây có thân mềm, nhẵn với những đường vạch dọc. Chiều dài trung bình của cây khoảng 2 – 4m.

Lá mọc so le, hình ba cạnh. gốc lá to tròn và thun nhọn dần về phần đầu. Lá dài khoảng 3 – 9 cm và rộng khoảng 2 – 6cm. Mặt trên của lá nhẵn, có màu xanh lục sẫm, mặt dưới thường nhạt hơn. Gân lá có hình chân vịt, nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài và dính vào phiến lá.

Hoa nhỏ, màu lục vàng, mọc thành cụm ở kẽ lá. Cuống hoa thường rất ngắn.

Quả hạch, hình quả trứng, hơi dẹt, dài khoảng 6mm và rộng khoảng 4 – 5mm. Khi chín, quả chuyển dần sang màu đỏ. Hạt có hình móng ngựa, u lồi và có gốc cạnh.

Cây có rễ rất dài, ăn dâu vào trong lòng đất, kể cả những loại đất khô cằn.

Cây lõi tiền thường ra hoa vào tháng 4 – 6 và ra quả vào tháng 7 – 9 hàng năm.. Cây tái sinh chủ yếu từ hạt, phần gốc và rễ vẫn có khả năng tái sinh cây chồi.

+ Phân bố:

Trên thế giới, cây lõi tiền được tìm thấy nhiều ở một số tỉnh thành thuộc nước Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Lào,…

Ở nước ta, cây lõi tiền thường phân bố rộng rãi trên mọi địa hình từ đồi núi thấp, trung du và cả vùng đồng bằng, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc. Cây thường phát triển nhanh ở vùng ẩm ướt, nhiều ánh sáng nhưng không chịu được ngập úng như bờ mương, đồng ruộng, ven bìa rừng, bờ rào quanh nhà,…

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

+ Bộ phận dùng: Sử dụng cành, lá và cả rễ của cây lõi tiền để làm thuốc chữa bệnh.

+ Thu hái: Thu hái quanh năm.

+ Chế biến: Rửa sạch toàn bộ nguyên liệu đã được thu hoạch bằng nước mát để loại bỏ bụi bẩn, đất cát và tạp chất. Sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ để sử dụng. Nếu sử dụng ở dạng khô, nên đem phơi nắng hoặc sấy khô.

+ Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu khô trong bọc kín và cất trữ ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng. Cần đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng để tránh tình trạng nổi mốc meo. Còn dược liệu ở dạng tươi, cần sử dụng hết sau khi thu hái.

Thành phần hóa học của cây lõi tiền

Thân và rễ cây lõi tiền có chứa một số dẫn xuất của hoạt chất alkaloid thuộc nhóm hasubanan.

Tác dụng dược lý của dược liệu cây lõi tiền

+ Theo Y học hiện đại: Chưa có tài liệu nào công bố về công dụng của cây lõi tiền.

+ Theo Đông y cổ truyền:

  • Công dụng: Lõi tiền có công dụng thanh nhiệt, giải độc, thông tiện, tiêu sưng phù, tiêu thũng và lợi thấp.
  • Chủ trì: Cây lõi tiền mang bản chất dược phẩm có tác dụng điều trị chứng tiểu tiện khó khăn, tiểu nhắt, tiểu rát, phù nề, đau nhức xương khớp, viêm thận,…
cây lõi tiền
Cây lõi tiền có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông tiểu, tiêu sưng phù, giảm đau nhức,…

ĐỌC NGAY: 10+ thực phẩm mát gan bổ thận tốt, nên ăn hàng ngày

Tính vị và quy kinh của dược liệu cây lõi tiền

Trong Đông y, cây lõi tiền có tính vị và quy kinh sau:

  • Tính vị: Vị đắng, tính mát.
  • Quy kinh: Chưa có bài báo cáo nào về mục này.

Cách dùng và liều lượng sử dụng cây lõi tiền

+ Liều lượng sử dụng: Dùng 6 – 12 gram ở dạng khô hoặc 20 – 30 gram ở dạng tươi. Tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi tùy vào cơ địa và độ tuổi.

+ Cách dùng: Có thể sử dụng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác ở dạng thuốc uống.

Cây lõi tiền và những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây lõi tiền được giới Đông y ghi nhận trong một số tài liệu, sổ sách. Bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng khi cần thiết:

bài thuốc từ cây lõi tiền
Tổng hợp 6 bài thuốc chữa bệnh hay từ cây lõi tiền

1. Bài thuốc từ cây lõi tiền chữa bệnh trĩ ngoại, sa tử cung ở nữ giới

  • Nguyên liệu: Một nắm rễ dây lõi tiền.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch một nắm rễ dây lõi tiền để loại bỏ bụi bẩn rồi đem nấu cùng với 3 lít nước để xông hơi. Thực hiện mỗi ngày 1 lần vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Đối với các trường hợp bệnh tình vừa mới khởi phát, áp dụng 3 – 4 lần là khỏi.

2. Bài thuốc từ cây lõi tiền chữa mụn nhọt vừa mới bị hoặc tái phát

  • Nguyên liệu: 12gr dây lõi tiền cùng với đương quy và cây ngải cứu (càng và lá) mỗi vị 8gr.
  • Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị rồi cho vào nồi cùng với 700ml nước. Tiến hành sắc trên ngọn lửa nhỏ khoảng 10 – 15 phút là có thể tắt bếp. Chắt lọc lấy phần nước và sử dụng thay cho nước trà hằng ngày.

3. Bài thuốc từ cây lõi tiền chữa chứng đái buốt, đái dắt

  • Nguyên liệu: 15gr dây lõi tiền khô hoặc 30gr ở dạng tươi. Hoặc có thể sử dụng 10gr  rễ cây lõi tiền khô hay 20gr ở dạng tươi.
  • Cách thực hiện: Đem dược liệu rửa sạch qua nhiều lần nước để loại bỏ bụi bẩn rồi cho vào nồi nước tiến hành sắc để lấy nước dùng. Dùng nước sắc mỗi ngày thay cho nước trà.

4. Bài thuốc từ cây lõi tiền giúp thông tiểu, trừ thấp (biểu hiện: tiểu tiện khó khăn, phù, chân tay sưng nhức, đau nhức xương khớp,…)

  • Nguyên liệu: 10gr dây lõi tiền khô (hoặc 20gr ở dạng tươi) cùng với 6 – 10gr mã đề, 10gr đậu đen và 6gr mộc thông.
  • Cách thực hiện: Mang toàn bộ nguyên liệu đã chuẩn bị sắc cùng với 700 – 750ml nước. Tiến hành sắc cô đặc còn lại khoảng 200ml. Chắt lọc lấy phần nước rồi chia thành 2 – 3 phần nhỏ để uống hết trong ngày. Nên dùng khi thuốc còn nóng.

5. Bài thuốc từ cây lõi tiền chữa đau nhức xương khớp do phong tê thấp

  • Nguyên liệu: 10gr dây lõi tiền khô hoặc 20gr ở dạng tươi cùng với hạt ý dĩ và cốt khí củ mỗi vị 10gr.
  • Cách thực hiện: Mang một thang thuốc trên sắc để lấy nước dùng. Có thể chia thành nhiều lần uống trong ngày.

XEM THÊM: Bị bệnh phong thấp nên ăn gì để hỗ trợ điều trị bệnh?

6. Bài thuốc từ cây lõi tiền chữa vết thương do rắn cắn

  • Nguyên liệu: Lá cây lõi tiền và lá tiết dê mỗi vị 50gr.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch hai loại lá cây trên rồi giã nát. Thêm một ít nước ấm, khuấy đều để các tinh chất ra hoàn toàn. Lọc lấy phần nước để uống, phần bã dùng để đắp trực tiếp lên vị trí bị rắn cắn.

Trên đây là những thông tin liên quan đến cây lõi tiền và một số bài thuốc chữa bệnh hay. Loại dược liệu này chưa được giới y học hiện đại chứng minh về công dụng chữa bệnh. Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc lương y.

Những thông tin bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đối tác

Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 kg Cỏ Ngọt cách đây 1 phút