Cây ích mẫu: Tính vị, Qui kinh và Tác dụng dược lý
Cây ích mẫu (Ích mẫu thảo) là vị thuốc nam quý. Ích mẫu có tác dụng hành huyết, điều kinh, tiêu thủy, trục huyết cũ, sinh huyết mới, giải độc nên được dùng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, huyết áp cao, đinh râu, mụn nhọt,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Ích mẫu thảo
Tên dân gian: Thấu cốt thảo, Ích minh, Trinh úy, Hạt khô thảo,…
Tên khoa học: Leonurus japonicus
Họ: Hoa môi (danh pháp khoa học Lamiaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Ích mẫu là dạng thân thảo, tuổi thọ trung bình từ 1 – 2 năm. Thân hình vuông, ít phân nhánh, có chiều cao trung bình từ 0.6 – 1m. Toàn thân cây được phủ lông nhỏ và ngắn.
Lá mọc đối xứng, hình dạng lá khác nhau tùy thuộc vào vị trí mọc. Lá ở gốc có cuống dài, phiến lá có hình tim, có mép răng cưa sâu và thô. Lá giữa thân có cuống ngắn hơn, phiến lá được cắt sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy có răng cưa thưa. Lá ở ngọn không có cuống và cũng không chia thùy.
Hoa ích mẫu nở vào tháng 3 – 5, mọc vòng quanh kẽ lá tạo thành tràng hoa. Hoa thường có màu tím hồng hoặc màu hồng. Mùa quả ích mẫu xuất hiện vào tháng 6 – 7 hằng năm. Quả có kích thước nhỏ, 3 cạnh, vỏ thường có màu xám nâu.
Phân bố:
Cây ích mẫu phân bố ở nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Châu Phi, Châu Mỹ, Việt Nam,… Cây chủ yếu mọc hoang ở các bãi cát và vùng đồng ruộng.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Toàn bộ cây ích mẫu đều được sử dụng để làm dược liệu.
Thu hái: Thời điểm thu hái thích hợp là khi cây chớm ra hoa. Cắt lấy cả thân cây, nên để lại một đoạn thân cây cách mặt đất khoảng 5 – 10cm để cây tiếp tục phát triển.
Sơ chế: Phơi nắng hoặc sấy khô nhẹ. Sau khi sơ chế, dược liệu thu được phải có màu xanh úa hoặc xanh lục. Thân cây hình trụ vuông, có rãnh dọc chạy ở bốn mặt thân, chiều dài cây khoảng 0.8 – 0.2m. Lá mọc đối, lát lá có màu xanh, hơi nhăn và xoắn. Hoa có hình môi, đài hoa có hình ống và thơm mùi cỏ.
Bào chế: Rửa sạch và bằm nát ích mẫu. Sau đó đem tẩm rượu hoặc giấm và sao vàng. Có thể nấu thành cao đặc để dùng dần.
Bảo quản: Để nơi thoáng mát, tránh ẩm.
4. Thành phần hóa học
Cây ích mẫu có chứa nhiều thành phần hóa học: Vitamin A, Stachydrine, Lauric acid, Leonurine, 4-Guanidino-1-Butanol, Sterol, Linolenic acid, 4-Guanidino-Butyric acid,…
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng lên tim mạch: Chiết xuất từ cây ích mẫu có tác dụng làm chậm nhịp tim, tăng lưu lượng động mạch vành, cải thiện vi tuần hoàn bị rối loạn, nâng cao hoạt tính Fibrinogen, ức chế tiểu cầu ngưng tập, tác dụng tan cục máu đông,… Do đó dược liệu này được sử dụng để hạ huyết áp ở trong thời gian đầu của bệnh (theo ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng lên tử cung: Thành phần trong ích mẫu tác động trực tiếp khiến tử cung co thắt mạnh và nhiều hơn. Một số thí nghiệm khác cho thấy thành phần Ancaloid trong ích mẫu có tác dụng gây tê tương tự như thuốc Ergotamine nhưng chậm phát huy tác dụng và an toàn hơn (theo ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Thành phần Ancaloid và Leonurine khiến thần kinh trung ương ở ếch bị ức chế. Sử dụng nước sắc ích mẫu cho 80 bệnh nhân tiểu cầu viêm và cầu thận ở nhiều độ tuổi khác nhau cho thấy bệnh tiến triển tốt. Thời gian điều trị nhanh nhất là 5 ngày, chậm nhất là 36 ngày và không có tái phát sau 5 năm (theo ghi chép của Trung Dược Học).
- Tác dụng đối với hô hấp: Dùng dung dịch Leonurin 1% từ ích mẫu tiêm tĩnh mạch vào mèo nhận thấy biên độ và tần suất hô hấp tăng lên đáng kể. Tác động này là do ích mẫu tác động trực tiếp đến trung khu thần kinh phế vị (theo ghi ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng lợi tiểu: Tiêm tĩnh mạch Leonurin với liều 1mg/ kg đối với thỏ nhận thấy lượng nước tiểu được bài tiết tăng lên 2 – 3 lần (theo ghi ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng kháng khuẩn: Dịch chiết từ cây ích mẫu có thể ức chế một số vi khuẩn gây bệnh da liễu thường gặp (theo ghi ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+Theo y học cổ truyền:
- Điều kinh, lợi tiểu, tiêu viêm khứ ứ, hoạt huyết (theo ghi chép của Trung Dược Học).
- Sinh huyết mới, điều kinh, hoạt huyết, trừ huyết ứ (theo ghi chép của Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Hành huyết, điều kinh, tiêu thủy, trục huyết cũ, sinh huyết mới, giải độc (theo ghi chép của Trung Quốc Dược Học Đại Từ).
6. Tính vị
Vị hơi đắng, hơi hàn, hơi cay, tính hoạt (theo ghi chép của Cảnh Nhạc Toàn Thư).
Vị đắng, cay, hơi hàn và không độc (theo ghi chép củ Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Vị hơi đắng, cay, không độc (theo ghi chép của Bản Thảo Cương Mục).
Vị cay, hơi đắng, tính hàn (theo ghi chép của Đông Dược Học Thiết Yếu).
7. Qui kinh
Vào kinh Can, Bàng quang, Tâm (theo ghi chép của Trung Dược Học).
Vào kinh Tâm, Thận, Tỳ (theo ghi chép của Bản Thảo Tái Tân).
Vào kinh Can, Tỳ, Tâm bào (theo Dược Phẩn Hóa Nghĩa).
8. Cách dùng, liều dùng
Dùng ích mẫu tươi, khô, dạng bột hoặc dạng cao lỏng. Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 10 – 30g.
9. Bài thuốc
Cây ích mẫu được ứng dụng lâm sàng vào các bài thuốc sau:
- Bài thuốc trị mụn nhọt, lở loét ở đầu trẻ nhỏ: Dùng ích mẫu thảo 20g rửa sạch và cho vào nồi sành, đổ nước ngập. Sau đó nấu cạn còn một nửa, chia thành 3 – 4 lần dùng để rửa ở vùng da bị lở loét.
- Bài thuốc trị sữa tắc gây nhũ ung: Dùng ích mẫu tán bột mịn đem hòa tan với nước và thoa lên đầu vú. Bôi một đêm là khỏi.
- Bài thuốc trị tai thối, chảy mủ vàng: Dùng ngọn và lá non của cây ích mẫu giã nát, vắt lấy nước và nhỏ vào tai.
- Bài thuốc trị xích bạch đới hạ: Dùng hoa ích mẫu lúc mới nở, đem thái nhỏ và phơi khô. Sau đó đem đi tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g với nước sôi, uống trước khi ăn.
- Bài thuốc trị lở ngứa, đinh nhọt: Dùng ích mẫu giã nát và đắp lên vùng đau nhức. Kết hợp với việc vắt lấy nước cốt và uống để tránh độc chạy ngược vào trong.
- Bài thuốc trị thai chết trong bụng: Dùng ích mẫu giã nát, sau đó cho một ít nước ấm vào. Sau đó vắt lấy nước cốt và uống.
- Bài thuốc trị cam tính rồi đi lỵ nặng ở trẻ nhỏ: Dùng lá non và búp của cây ích mẫu nấu cháo ăn.
- Bài thuốc trị trĩ: Dùng ích mẫu giã nát và vắt lấy nước cốt để uống.
- Bài thuốc trị sản hậu bị huyết vận: Dùng ích mẫu giá nát, vắt lấy nước uống (khoảng 1 chén).
- Bài thuốc trị mụn nhọt rôm sẩy: Dùng cây ích mẫu giã nát và đắp lên vùng da bị rôm.
- Bài thuốc đề phòng ghẻ lở cho trẻ mới sinh: Dùng ích mẫu nấu nước tắm.
- Bài thuốc trị khó thở, cổ họng nghẹn, sưng đau: Dùng ích mẫu giã nát, hòa với một chén nước mới múc dưới song. Sau đó vắt lấy nước cốt, uống và nôn ra hết là khỏi.
- Bài thuốc trị kinh nguyệt không đều: Dùng ích mẫu 10g, xích thược 10g, đương quy 10g, mộc hương 5g đem phơi khô, tán bột và uống.
- Bài thuốc bổ huyết điều kinh: Dùng ích mẫu 80g, củ gấu 40g, ngải cứu 40g, nga truật 60g, hương nhu 30g đem sao, tán bột và luyện với đường làm hoàn to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 20 viên, ngày dùng 3 lần.
- Bài thuốc trị thống kinh: Dùng ích mẫu tươi 60g và kê huyết đằng 30g sắc nước. Sau đó cho thêm đường vào uống.
- Bài thuốc trị phù do viêm thận mạn và huyết áp cao: Dùng ích mẫu 20g, phục linh 15g, bạch mao căn 15g, xa tiền tử 15g, tang bì và bạch truật mỗi thứ 10g đem sắc uống.
- Bài thuốc trị huyết áp cao: Dùng hy thiêm thảo, hạ khô thảo, ích mẫu và ngô đồng chế thành bài thuốc trị huyết áp cao.
10. Lưu ý
Cần kiêng kỵ cây ích mẫu với các đối tượng sau:
- Âm huyết hư, kỵ thai: Không dùng (theo ghi chép của Trung Dược Học).
- Người có huyết hư nhưng không có ứng huyết: Không dùng (theo ghi chép của Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể dùng ích mẫu. Tuy nhiên nên hỏi ý kiến bác sĩ để dự phòng các rủi ro có thể xảy ra.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Vui lòng liên hệ với bác sĩ nếu có ý định sử dụng dược liệu ích mẫu thảo.
Dược liệu nên kết hợp
- Cây chè dây: mô tả, tính vị, công dụng và các bài thuốc chữa bệnh
- Cây hoắc hương: Công dụng, liều dùng, bài thuốc trị bệnh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!