Cây chè dây

Cây chè dây là một loại thực vật hai lá mầm thường sinh trưởng ở những triền núi. Cây thường được người dân sử dụng để làm trà thảo dược và dược liệu để chữa trị bệnh.

1/ Tên gọi, chủng loại

Tên gọi khác: bạch liễm, thau rả, khau rả, điền bồ trà, hồng huyết long, ngưu khiên tỵ, chè hoàng gia, song nho Quảng Đông,…

Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis.

Họ: thuộc họ Nho có họ khoa học là Vitidaceae.

Cây chè dây thuộc họ Nho có tên khoa học Ampelopsis cantoniensis
Cây chè dây thuộc họ Nho có tên khoa học Ampelopsis cantoniensis

2/ Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Cây chè dây thuộc dạng dây leo, có thân và cành cứng hình trụ mảnh, có tua cuốn mọc đối diện với lá chia thành 2 – 3 mảnh. Lá cây chè dây là lá kép, mọc so le với nhau, có từ 7 – 13 lá chét. Mép lá có răng cưa, nhẵn, mặt trên của lá lúc khô có những vết trắng loang lổ như bị nấm mốc.

Hoa chè dây có màu trắng, hình ngù thường mọc đối diện với lá. Quả mọng hình trái xoan, khi chín có màu đen, mỗi quả có từ 3 – 4 hạt. Mùa hoa thường bắt đầu từ tháng 6 – 7, mùa quả là tháng 9.

Phân bố

Cây chè dây thường mọc trên các triền núi. Trên thế giới cây chè dây có nhiều ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Indonesia… Ở Việt Nam, chè dây phân bồ chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Hà Giang, Hà Tĩnh…và một số tỉnh khác như Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai.

Mô tả chi tiết cây chè dây
Mô tả chi tiết cây chè dây

3/ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận sử dụng: toàn bộ phần thân cây.

Thu hái: cây chè dây được thu hái vào thời điểm cây chưa ra hoa bằng cách cắt cả phần thân cây và lá. Chè dây có thể thu hoạch quanh năm.

Chế biến: sau khi thu hái xong đem đi rửa thật sạch để loại bỏ bụi bẩn, sau đó thái nhỏ rồi phơi khô hoặc sấy.

Bảo quản: để chè dây không bị hư hỏng và nấm mốc nên cất ở nơi khô ráo, tránh để nơi ẩm mốc. Thỉnh thoảng đem ra phơi nắng lại.

4/ Thành phần hóa học

Cây chè dây chứa các thành phần hóa học gồm flavonoid, tanin, đường glucase và đường Rhamnese.

Trong đó hàm lượng flavonoid chiếm nhiều nhất tới 18,15%, tồn tại dưới hai dạng là aglycon và glycosid. Hỗn hợp Flavonoid chứa myricetin 5,32% và dihydromyricetin 53,83%.

5/ Tính vị

Cây chè dây có vị ngọt đắng, tính mát và rất lành tính.

6/ Quy kinh

Cây chè dây quy vào kinh tì, vị

7/ Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Thành phần flavonoid có trong cây chè dây có tác dụng giảm đau, làm liền các vết loét dạ dày và có tác dụng hiệu quả trong việc diệt xoắn khuẩn Helicobacter pylori – là loại xoắn gây ra tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng.

Ngoài ra, thành phần flavonoid còn có tác dụng  giải độc gan theo cơ hế chống oxy hóa khử gốc tự do và an thần. Vì vậy sử dụng chè dây để điều trị bệnh dạ dày sẽ không gây cảm giác khó chịu hay mệt mỏi.

Theo Y học cổ truyền

Tác dụng: chè dây là một dược liệu quý giúp tiêu hóa tốt, dễ ngủ, giúp giảm đau, chống viêm loét dạ dày, kháng khuẩn và chống oxy hóa.

Công dụng: chữa trị viêm loét dạ dày tá tràng, viêm két mạc cấp tính, viêm gan thể hoàng đản, cảm mạo phong nhiệt, viêm họng, mụn nhọt, chữa viêm kết mạc.

8/ Liều dùng và cách dùng

Mỗi ngày sử dụng 10 – 50g chè dây đem đi pha với nước sôi để uống như uống trà hoặc sắc cùng các vị thuốc khác để uống.

Cây chè dây sau khi phơi khô sẽ có nhiều đốm trắng
Cây chè dây sau khi phơi khô sẽ có nhiều đốm trắng

9/ Một số bài thuốc từ cây chè dây

Chữa đau dạ dày

Mỗi ngày sử dụng 30 – 50g chè dây đem đi pha trà hoặc sắc nước uống để chữa trị bệnh. Một đợt điều trị bệnh từ 15 – 30 ngày.

Phòng bệnh sốt rét

Dùng các dược liệu gồm chè dây 60g, lá hồng bì 60g, rễ cỏ xước 12g, lá đại bì 12g, lá tía tô 12g, lá hoặc vỏ cây với 12g, rễ xoan rừng 12g đem đi thái nhỏ và phơi khô. Sau đó cho các nguyên liệu vào sắc chung với 400ml nước, đến khi nước cạn còn 100ml thì đem ra uống. Bài thuốc nên sử dụng 3 ngày 1 lần.

Chữa tê thấp, đau nhức

Dùng một nắm lá chè dây tươi đem đi giã nát, sau đó hơ nóng qua lửa rồi gói vào một mảnh vải sạch để đắp trực tiếp lên vị trí bị đau, nhức.

Chữa cảm mạo, phát sốt, hầu họng sưng đau

Dùng 15 – 60g cây chè dây đem đi sắc nước uống mỗi ngày.

Chữa đau thắt bung trên, tiêu chảy

Dùng cây chè dây tươi 50g, gừng tươi 15g đem đi sắc chung với 2 chén nước để uống. Đối với trẻ em, người già hoặc bệnh nhẹ có thể giảm bớt liều lượng.

Chữa ổ mủ do nhiễm trùng

Chè dây 15g đem sắc với rượu và nước với tỉ lệ 1 rượu: 1 nước để uống hoặc hầm chung với thịt heo nạc để ăn.

10/ Lưu ý khi sử dụng chè dây

Chè dây sau khi phơi khô sẽ có màu trắng lốm đốm đây chính là phấn của chè dây vì vậy đừng nhầm tưởng là mốc mà bỏ đi. Chè dây có nhiều phấn là loại chè dây chất lượng và tốt.

Thời gian sử dụng chè dây để chữa trị bệnh dạ dày tốt nhất là vào buổi sáng khi bụng đói.

Chè dây là một loại dược liệu lành tính vì vậy không gây ra tác dụng phụ khi sử dụng.

Trên đây là một số thông tin tham khảo về cây chè dây, nếu bạn muốn sử dụng chè dây để làm thuốc chữa bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn.

Dược liệu nên kết hợp

  • Cây cỏ tranh: Mô tả, Đặc điểm sinh thái và Tác dụng dược lý
  • Cây ký ninh: Công dụng, liều dùng & cách sử dụng