Cách điều trị viêm nang lông bằng Đông y hiệu quả
Điều trị viêm nang lông bằng đông y cần phải dựa vào triệu chứng và mức độ bệnh lý để đưa ra các bài thuốc phù hợp. Ngoài việc điều trị, để bệnh mau lành, bệnh nhân cần phải chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt cho hợp lý.
Bệnh viêm nang lông theo Đông y
Viêm nang lông là bệnh lý phổ biến có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Nó có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhiều ở các vùng nhiều lông. Triệu chứng thường gặp khi bị bệnh gồm: Trên da xuất hiện các mụn nhỏ, nhọn đỉnh và thường khu trú ở nang lông. Bệnh có thể do sự xâm nhập và gây hại của tụ cầu hoặc nấm trichophyton.
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông là do nhiệt độc, hỏa độc.Lúc này, cơ thể bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng như bì phù, tấu lý các khối sưng đỏ, đau, nóng. Với những trường hợp bệnh hay tái phát do cơ địa bị dị ứng nhiễm trùng, trong Đông y gọi là cơ địa huyết nhiệt.
Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng bệnh này. Tuy nhiên, viêm nang lông theo Đông y luôn xuất hiện các triệu chứng sưng đau, mưng mủ, ngứa trong quá trình mụn mọc. Cụ thể như sau:
Sưng: Triệu chứng sưng thường do khí huyết đọng trệ. Màu sắc của da tại những vị trí này thường khác nhau, mỗi màu biểu hiện cho một tính chất của bệnh.
- Sưng cao đột ngột hoặc sưng tản mạn: Bệnh thuộc hư
- Sưng và kèm theo da có màu xanh tối, cứng như gỗ: Bệnh thuộc hàn
- Sưng đỏ, nóng rực, cứng ngắc: Bệnh thuộc hỏa
- Tình trạng sưng kèm theo sắc hồng tía hoặc xanh bầm: Người bệnh bị viêm nang lông do ứ huyết
- Sưng tại chỗ kèm theo cảm giác da thịt nặng trĩu và bị cố định một nơi: Bệnh thuộc thấp
- Trên da sưng nhưng mềm nhũn, không nóng, không đỏ và màu da không đổi: Bị viêm nang lông thuộc thể đàm
- Ngứa, sưng nổi phồng, bệnh có xu hướng lan nhanh: Bệnh thuộc phong
Tạo mủ: Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do khí huyết suy yếu. Điều này khiến cho cơ thể không thể đẩy được độc tố ra bên ngoài hóa sinh mủ. Độc khí bên trong cơ thể theo mủ mà được tiết ra.
Đau: Khí huyết không thể lưu thông sẽ gây đau cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh mà các tính chất của những cơn đau cũng khác nhau. Cụ thể:
- Đau thuộc hàn: Cơn đau có tính chất là tụ lại, đau buốt.
- Đau thuộc hư chịu nắn
- Nếu đau thuộc hư chịu nắn thì đau thuộc thực sẽ có tính chất là chối nắn.
- Đau thuộc phong: Người bệnh có cảm giác cơn đau chạy khắp người một cách rất nhanh, đồng thời kèm theo ngứa nhiều.
- Đau thuộc nhiệt: Làn da bị mưng đỏ, đau nhức nhối và tạo mủ.
Xem thêm: Mẹo trị viêm lỗ chân lông bằng mật ong đơn giản
Chẩn đoán bệnh viêm nang lông theo Đông y
Viêm nang lông được chia thành nhiều giai đoạn. Theo Đông y, ở mỗi giai đoạn khác nhau, bệnh sẽ có những triệu chứng không giống nhau:
Giai đoạn viêm nhiễm:
- Tại vị trí sưng, da trở nên nóng, đỏ, đau, ngứa. Đồng thời, có một hoặc vài mụn mọc thành đám.
- Toàn thân bệnh nhân lúc này cũng xuất hiện các triệu chứng như mạch đập nhanh, sốt, rêu lưỡi trắng dày. Ngoài ra, có thể kèm theo các biểu hiện khác như táo bón, tiểu tiện ngắn đỏ.
Giai đoạn hóa mủ:
- Nếu ở giai đoạn viêm sưng mà không được điều trị, chúng sẽ trở thành các ổ mủ và khiến bệnh nhân sưng đau nhức nhối.
- Lúc này, toàn thân sẽ cảm thấy mệt mỏi, ăn kém và đau nhức khiến người bệnh không thể ngủ ngon
Giai đoạn vỡ mủ:
Bệnh nhân sẽ thấy có mủ chảy ra từ các mụn. Chúng có màu vàng hoặc trắng đục, tanh hôi. Sau đó, chúng khô dần nhưng sẽ để lại vảy tiết đỏ, vài ngày sau đó sẽ bong đi và không để lại sẹo. Những mụn mủ này có thể đứng sát nhau nhưng vẫn riêng lẻ. Khi đóng vảy tạo thành các đám màu nâu.
Chính vì được phân chia thành nhiều giai đoạn nên bệnh viêm nang lông theo Y học cổ truyền còn được gọi là các chứng sang, ung, thư. Điều này có tác dụng phân loại tổn thương, từ đó các lang y sẽ dễ dàng xác định được các bài thuốc chữa viêm nang lông bằng đông y phù hợp.
Các bài thuốc điều trị viêm nang lông bằng Đông y
Như đã được đề cập, ở mỗi giai đoạn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau. Vì thế các bài thuốc chữa viêm nang lông bằng Đông y cũng khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Giai đoạn viêm nhiễm
Bài thuốc 1 – Thuốc đắp tại chỗ:
Dùng lá cúc hoa trắng đem rửa sạch, cho vào tô và thêm ít muối vào rồi giã nhuyễn. Đem hỗn hợp này đắp lên mụn nhọt để điều trị.
Bài thuốc 2 – Giải thử thang gia giảm:
Các vị thuốc thạch cao 8g, kim ngân 12g, đạm trúc diệp 12g, xích thược 12g, liên kiều 12g, lá sen 16g cho vào ấm và sắc lên để uống. Nếu táo bón, thêm 4g đại hoàng; nếu tiểu sẻn đỏ thêm 12g sa tiền tử. Trường hợp bệnh nhân bị sốt cao thì gia thêm 12g hoàng liên, 12g hoàng cầm, 12g chi tử.
Bài thuốc 3:
Chuẩn bị kim ngân 20g, kinh giới 8g, ké đầu ngựa 16g, cam thảo dây 8g, đỗ đen sao 40g, liên kiều 12g, cỏ xước 12g, thổ phục linh 12g. Các vị thuốc cho vào ấm, sắc lên với nước để uống. Mỗi ngày dùng 1 thang, kiên trì thực hiện để nó mang lại hiệu quả tốt.
Để mang lại hiệu quả tốt hơn, bệnh nhân có thể kêt hợp với châm cứu. Các thầy thuốc sẽ tác động vào huyệt hạ cự hư, ôn lưu, hợp cốc, các a thị huyệt ở xung quanh các mụn. Hoặc nếu không muốn châm cứu, có thể dùng tỏi thái lát để đặt lên các đỉnh mụn. Sau đó, cứu mồi ngải liên tục từ 5 – 10 mồi.
2. Giai đoạn hóa mủ
Phép trị: Thác động bài nùng (đưa độc ra ngoài, trừ mủ)
Bài thuốc 1 – Thuốc đắp để phá mủ: Có thể áp dụng các bài thuốc sau
- Cách 1: Chuẩn bị cây móng tay, đất lòng bếp, củ chuối hột. Các nguyên liệu đem sơ chế, cắt nhỏ rồi giã nhuyễn với muối. Tiếp theo, đưa hỗn hợp này để đắp lên vùng da bị mụn mủ.
- Cách 2: Lá sầu đâu, củ ráy ngứa, nghệ già đem rửa sạch, cắt nhỏ, thêm chút muối vào rồi giã nhuyễn. Hỗn hợp này đem đắp vào mụn, thực hiện thường xuyên để mang lại tác dụng tốt nhất.
- Cách 3: Lấy quả cà hoang chín mùi nghiền nát, vắt lấy nước cốt. Đem nước này trộn với khoảng 5 cái măng tre xanh nhỏ nấu thành cao. Đem hỗn hợp này trét vào giấy dán để dán vào ung nhọt sẽ tiêu ngay.
Bài thuốc 2 – Thuốc uống:
Chuẩn bị hoàng cầm 12g, kim ngân hoa 20g, gai bồ kết 12g, liên kiều 12g, trần bì 6g, cam thảo 4g, bồ công anh 16g bối mẫu 8g, cam thảo 4g. Đem các vị thuốc sắc lên với nước, uống mỗi ngày 1 thang trong một thời gian để mang lại hiệu quả tốt.
Bài thuốc 3 – Thuốc ngâm rửa:
Đem lá kinh giới, lá trầu không hoặc lá sầu đâu rửa sạch, nấu với nước. Khi thấy nước thuốc đã sôi, tắt bếp rồi chờ nguội bớt. Lấy nước này rửa chỗ bị mụn sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và tạo điều kiện cho việc áp dụng các bài thuốc khác mang lại hiệu quả.
Không châm cứu
3. Giai đoạn vỡ mủ
Phép trị: Khử mủ sinh cơ (loại bỏ các tổ chức hoại tử, giúp các tổ chức hạt mau mọc trở lại)
Bài thuốc 1 – Thuốc đắp:
Lá lốt, lá canh trâu, lá đuôi chồn, lá mã đề, cải hôi, lá nghệ hoặc củ nghệ đem rửa, cắt nhỏ và giã nát. Lấy hỗn hợp này để đắp lên vùng da bị mụn.
Bài thuốc 2 – Thuốc uống:
Bài thuốc được sử dụng là Bát trân thang gia giảm: Chuẩn bị thục điạ 12g, bạch truật 12g, đảng sâm 12g, bạch thược 8g, đương quy 12g, , đại táo 12g, cam thảo 6g, bạch linh 8g, hoàng kỳ 12g. Các vị thuốc cho vào ấm để sắc lên với nước rồi uống. Mỗi ngày dùng một thang, chúng sẽ mang lại hiệu quả tốt.
4. Phòng ngừa tái phát
Phép trị: Để ngăn bệnh tái phát do cơ địa huyết nhiệt, các bài thuốc tập trung vào thanh nhiệt lương huyết kết hợp với thanh nhiệt giải độc.
Bài thuốc:
Chuẩn bị: Huyền sâm 12g, sinh địa 12g, sài đất 16g, địa cốt bì 12g, kim ngân 12g, cam thảo dây 8g, bồ công anh 12g, thổ phục linh 12g. Đem các vị thuốc sắc lên với nước để uống thường xuyên, mỗi ngày một thang.
Vài lưu ý khi chữa viêm nang lông bằng Đông y
Điều trị viêm nang lông bằng Đông y được xem là phương pháp an toàn, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, để đảm bảo những bài thuốc này mang lại tác dụng như mong muốn, cần chú ý một số điều sau đây:
- Cần áp dụng các bài thuốc chữa viêm nang lông bằng Đông y trong thời gian dài. Vì cách chữa bệnh từ Y học cổ truyền thường không mang lại tác dụng mau chóng, chúng cần có thời gian để các hoạt chất thẩm thấu và phát huy tác dụng từ từ.
- Nếu muốn điều trị bệnh bằng Đông y, bệnh nhân nên đến các cơ sở thuốc y học cổ truyền uy tín để thăm khám và bốc thuốc. Điều này giúp người bệnh tránh được tình trạng mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
- Giữ vệ sinh da sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày để loại bớt vi khuẩn.
- Thoa kem dưỡng ẩm để tránh khô da.
- Không nên mặc các bộ quần áo quá chật để tránh tình trạng cọ xát da.
- Tránh sử dụng mỹ phẩm hoặc các sản phẩm chứa nhiều chất tẩy rửa khi bị viêm nang lông. Nếu có sử dụng, hãy mua các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc thiên nhiên để tránh kích ứng da.
- Nên đi khám khi áp dụng các bài thuốc không thấy đem lại hiệu quả hoặc các triệu chứng trở nên nặng nề hơn.
Bệnh viêm nang lông có thể gây ra nhiều biến chứng nếu như không được điều trị kịp thời. Vì vậy, bệnh nhân có thể tham khảo các bài thuốc Đông y chữa viêm nang lông trên đây để áp dụng cho bản thân.
Có thể bạn quan tâm
- Bị viêm nang lông kiêng ăn gì và cần bổ sung gì?
- 13+ Cách Chữa Bệnh Viêm Nang Lông Tại Nhà Đơn Giản [Dễ Thực Hiện]
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!