Rạn da khi mang thai và cách phòng ngừa hiệu quả
Rạn da khi mang thai là tình trạng thường gặp. Mặc dù không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các vết rạn xuất hiện khiến da mất thẩm mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình của phái nữ. Thay vì bị động điều trị khi các vết rạn đã hình thành, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ những tháng đầu thai kỳ.
Đôi nét về tình trạng rạn da khi mang thai
1. Vì sao vết rạn hình thành khi mang thai?
Rạn da là kết quả do cơ thể tăng kích thước nhanh chóng khiến da phải giãn ra vượt quá mức cho phép. Vết rạn có hình dạng như vết sẹo dài, bề mặt phẳng, ban đầu có màu tím đỏ sau đó chuyển dần sang màu trắng.
Rạn da không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ngoại hình của phụ nữ. Các vết rạn có thể tự biến mất sau vài tháng hoặc cũng có thể hiện diện trong suốt một thời gian dài.
2. Những khu vực dễ xuất hiện vết rạn khi mang thai
Rạn da có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, tuy nhiên trong thời gian mang thai, các vết rạn thường tập trung vào một số khu vực cụ thể.
Rạn da thường xuất hiện ở bụng vì đây là vùng da phải giãn ra nhiều trong thời gian mang thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ khi thai nhi phát triển nhanh. Ngoài ra, bạn có thể bị rạn ở ngực, bắp tay và đùi do trọng lượng cơ thể tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, vị trí vết rạn xuất hiện còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người.
3. Dấu hiệu nhận biết bạn có thể bị rạn da
Bạn có thể dựa vào những dấu hiệu này để xác định nguy cơ bị rạn da và thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
- Mẹ bạn đã từng bị rạn da: Hầu hết, người con sẽ có cấu trúc da tương tự da mẹ, điều này có nghĩa là bạn có khả năng bị rạn da cao khi mẹ bạn đã từng gặp phải tình trạng này.
- Bạn còn trẻ: nếu bạn còn trẻ, làn da sẽ căng và săn chắc. Khi có áp lực kéo giãn, da sẽ bị giãn ra một cách đột ngột, do đó các vết rạn ở người trẻ thường rõ rệt hơn người cao tuổi. Người cao tuổi có làn da thiếu đàn hồi và săn chắc, điều này sẽ khiến da không bị kéo căng quá mức.
- Bạn tăng cân quá nhanh: mang thai là thời điểm bạn tăng cân rất nhanh. Nếu bạn nhận thấy cân nặng tăng quá nhanh, khả năng bạn bị rạn da sẽ cao hơn những người lên cân từ từ.
- Bạn bị rạn da khi dậy thì: nếu bạn từng trải qua tình trạng rạn da khi dậy thì, bạn sẽ có nguy cơ gặp lại tình trạng này lần thứ hai khi mang thai.
Một số người không gặp phải những dấu hiệu nào được nhắc đến trong bài viết nhưng vẫn bị rạn da. Như vậy có thể thấy vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào cơ địa của từng người. Do đó, bạn nên ngăn ngừa thay vì bị động điều trị khi vết rạn đã xuất hiện.
Xem thêm: 7 kem chống rạn da cho bà bầu tốt nhất và lưu ý
Phòng ngừa rạn da khi mang thai
1. Bổ sung nước
Bổ sung nước là cách đơn giản để ngăn ngừa tình trạng rạn da khi mang thai. Trung bình mỗi người cần bổ sung 2 lít/ngày nhưng với phụ nữ mang thai nên bổ sung từ 2,5 – 3 lít mỗi ngày. Bổ sung nước đầy đủ sẽ giúp da có đủ độ ẩm và đàn hồi hơn.
Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp bạn phòng ngừa những vấn đề sức khỏe thường gặp trong thời gian mang thai như nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón, mệt mỏi, giảm đau đầu,… Bạn chỉ nên bổ sung nước lọc, nước ép trái cây, sữa tươi, hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê và các đồ uống có cồn,…
2. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Tương tự như việc bổ sung nước, chế độ dinh dưỡng lành mạnh là yếu tố giúp cải thiện làn da từ sâu bên trong. Nên tập trung vào nhóm thực phẩm chứa nhiều omega 3, thành phần này không chỉ có lợi cho sự phát triển của thai nhi mà còn giúp cải thiện tế bào da, hạn chế quá trình hình thành vết rạn.
Ngoài ra, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu oxy hóa, vitamin và kẽm để tăng cường hệ miễn dịch cho da, cải thiện độ săn chắc và giúp da nhanh chóng phục hồi. Bên cạnh đó bạn nên kiêng cử những thực phẩm ảnh hưởng xấu đến da như thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp,…
3. Kiểm soát cân nặng
Tăng cân khi mang thai là điều không thể tránh khỏi. Phụ nữ sẽ tăng từ 0,5 – 2,5 kg trong 3 tháng đầu thai kì, sau đó sẽ tăng khoảng 0,5 kg mỗi tuần. Trọng lượng tăng nhanh chóng chính là nguyên nhân trực tiếp khiến vết rạn hình thành trên da.
Mặc dù tăng cân khi mang thai không phải là dấu hiệu nguy hiểm nhưng bạn cần kiểm soát cân nặng để tránh các vấn đề về sức khỏe như rạn da, đau xương khớp, loãng xương,… Cần trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập chế độ ăn cân bằng, điều này vừa giúp bạn phòng ngừa được các vấn đề sức khỏe vừa giúp thai nhi phát triển tốt.
4. Giữ ẩm và bổ sung dưỡng chất cho da
Trong thời gian thai kỳ da cần nhiều độ ẩm và dưỡng chất để giúp các tế bào khỏe mạnh và giảm thiểu tình trạng rạn da xuất hiện. Bạn có thể nhờ sự trợ giúp của chuyên gia da liễu để tìm sản phẩm chống rạn thích hợp với phụ nữ mang thai. Hoặc có thể tận dụng thành phần trong các nguyên liệu thiên nhiên để cung cấp độ ẩm và dưỡng chất cho da.
- Dầu dừa: là tinh dầu tự nhiên có nhiều thành phần tốt cho da, bao gồm vitamin E, axit béo, các chất chống oxy hóa,… Các thành phần này sẽ giúp da có đủ độ ẩm và phục hồi các tổn thương tốt hơn. Bạn nên massage dầu lên những khu vực dễ bị rạn khoảng 2 lần/ngày. Ngoài dầu dừa bạn có thể sử dụng các tinh dầu trị rạn da khác để ngăn ngừa tình trạng này.
- Nha đam: có đặc tính làm dịu và làm mát da. Nha đam còn chứa khoáng chất, vitamin và các axit amin,… Nghiên cứu cho thấy nha đam có khả năng phục hồi và hạn chế sự hình thành các vết rạn. Tuy nhiên loại cây này có khả năng gây kích ứng với một số người có da nhạy cảm, bạn nên thử nha đam lên một vùng da nhỏ trước khi dùng trên diện rộng.
- Nghệ: nghệ có chứa vitamin C và hoạt chất chống oxy hóa mạnh Curcumin. Vitamin C sẽ làm sáng và đều màu những vùng da bị giãn ra, trong khi đó Curcumin sẽ kích thích elastin sản sinh giúp da phục hồi nhanh chóng.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết, bạn đã có những hình dung cụ thể về tình trạng rạn da khi mang thai. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ những tháng đầu thai kỳ sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp phải tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm
- 5 loại kem trị rạn da sau sinh an toàn, hiệu quả
- 7 Cách trị vết rạn da khi mang thai và sau khi sinh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!