Thuốc chống nhiễm khuẩn Tenadinir

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Y học cổ truyềnPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Thuốc Tenadinir có dạng viên nang, được sử dụng đối với tình trạng nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp. Hiểu về loại thuốc này sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức cần thiết trong ngừa và trị bệnh.

Tenadinir và những điều cần biết
Thuốc Tenadinir được dùng để điều trị các bệnh về đường hô hấp, nhiễm khuẩn v.v…
  • Tên biệt dược: Tenadinir
  • Tên hoạt chất: Cefdinir
  • Nhóm thuốc: Thuốc kí sinh trùng, thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng nấm và virus.

I- Thông tin cần thiết về thuốc Tenadinir

Những thông tin về tác dụng, liều dùng, cách dùng, tác dụng phụ…dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn chi tiết hơn về Tenadinir.

1- Tác dụng của thuốc

Thành phần chủ yếu của Tenadinir là Cefdinir, đây là một loại kháng sinh có nhân Cephem, không bị ảnh hưởng bởi các loại men Lactamase và đồng thời có hoạt tính kháng khuẩn rộng. Cefdinir có khả năng chống lại các vi khuẩn gram âm và gram dương, đặc biệt là Staphylococcus sp., Streptococcus sp. Các tác dụng của thuốc Tenadinir bao gồm:

  • Nhiễm trùng hô hấp trên và dưới.
  • Viêm nang lông.
  • Viêm Tai – mũi – họng.
  • Mụn nhọt.
  • Chốc lở.
  • Viêm quầng, viêm tấy.
  • Viêm mạch, viêm hạch bạch huyết.
  • Viêm quanh móng.
  • Áp xe dưới da.
  • Viêm tuyến mồ hôi.
  • Xơ vữa động mạch nhiễm trùng.
  • Viêm da mủ mạn tính.
  • Viêm bể thận, viêm thận.
  • Viêm tử cung.
  • Viêm tuyến Bartholin.

Ngoài ra, thuốc còn có một số tác dụng khác không được liệt kê trên nhãn thuốc nhưng đã được phê duyệt. Bác sĩ hoàn toàn có thể dùng Tenadinir để điều trị một số bệnh lý khác.

2- Chống chỉ định

Tenadinir chống chỉ định với bệnh nhân quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, hoặc với trường hợp dị ứng với kháng sinh có nhân Cephem.

3- Liều dùng

Đối với thể trạng và mục đích chữa trị mà người bệnh sẽ dùng thuốc với liều lượng không giống nhau.

liều lượng và cách dùng thuốc Tenadinir
Người lớn, trẻ em từ 13 tuổi trở lên và trẻ nhỏ sẽ có liều lượng điều trị bằng Tenadinir rất khác nhau.

Liều dùng cho người trưởng thành:

+ Viêm phổi: Dùng 300mg/lần, mỗi ngày dùng 2 lần và điều trị liên tục trong 10 ngày.

+ Viêm phế quản mãn tính: Mỗi ngày uống 600mg thuốc, có thể chia ra thành 2 lần hoặc uống 1 lần đều được. Kéo dài liều điều trị trong 10 ngày.

+ Viêm xoang cấp: 600mg/ngày, uống liên tục 10 ngày.

+ Viêm họng và viêm amidan: Uống thành 2 lần, mỗi lần 300mg từ 5 – 10 ngày là đủ.

+ Viêm da và rối loạn cấu trúc da: Mỗi ngày dùng 600mg, uống đủ 10 ngày điều trị.

Liều dùng cho trẻ nhỏ (từ 13 đến dưới 16 tuổi):

+ Viêm phổi: 300mg/lần, ngày uống 2 lần, uống trong 10 ngày.

+ Viêm phế quản mãn tính: Có thể cho trẻ dùng 1 hoặc 2 lần, miễn sao đủ 600mg thuốc Tenadinir/ ngày. Thời gian điều trị tương tự như khi bị viêm phổi.

+ Viêm xoang cấp: Uống 600mg/ngày, kéo dài trong 10 ngày.

+ Viêm họng và viêm amidan: Trong 5-10 ngày liên tục, cho trẻ dùng đủ 600mg mỗi ngày.

+ Viêm da và cấu trúc da: 300mg/lần, ngày uống 600mg và duy trì trong 10 ngày.

Liều dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi:

+ Viêm tai giữa: Cho trẻ dùng 7mg/kg/lần, dùng thành 2 lần mỗi ngày và duy trì từ 5-10 ngày liên tục.

+ Viêm xoang cấp: Liều dùng tương tự như khi trẻ bị viêm tai giữa, nhưng thời gian điều trị kéo dài thành 10 ngày.

+ Viêm họng và viêm amidan: Uống 14mg/kg/lần/ngày và uống trong 5-10 ngày.

+ Viêm da và cấu trúc da: Liều dùng được quy định là 14mg/kg/lần/ngày và kéo dài trong 10 ngày liên tục.

4- Cách dùng thuốc

Người bệnh cần dùng Tenadinir theo đúng như hướng dẫn trên nhãn thuốc, hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý uống thuốc với liều lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với quy định.

Có thể uống thuốc trước hoặc sau bữa ăn đều được, vì Cefdinir không có hại cho dạ dày. Liều lượng cao nhất cho tất cả bệnh là 600mg/ngày, người bệnh có thể chia thành 2 lần uống hoặc uống trong 1 lần. Trong trường hợp bị phổi hoặc nhiễm trùng da thì nên chia thành 2 lần mỗi ngày, kết quả điều trị sẽ tốt hơn nếu uống cùng lúc.

II- Những lưu ý khi dùng Tenadinir để điều trị bệnh

Bên cạnh các thông tin về thuốc, bệnh nhân cần biết thêm về những thận trọng để có thể tránh được kết quả không mong muốn.

1- Thận trọng

Trước khi dùng Tenadinir để điều trị, bạn cần báo với bác sĩ nếu rơi vào những trường hợp dưới đây:

  • Dị ứng với các thành phần của thuốc.
  • Trong vòng 1 tháng trở lại có sử dụng một số loại thuốc khác, bao gồm cả thuốc không kê toa, thuốc kê toa, thực phẩm chức năng, thảo dược.
  • Đã từng hoặc đang mắc các bệnh lý về đại tràng, rối loạn chức năng thận.
  • Tiền sử gia đình hoặc bản thân có mắc các bệnh dị ứng như: mề đay, hen suyễn.
  • Phụ nữ đang mang thai chỉ sử dụng thuốc Tenadinir khi thực sự cần thiết.
  • Trong giai đoạn đang cho con bú, tốt nhất không nên dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến trẻ (mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh Tenadinir có thể truyền qua sữa hay không).
những lưu ý khi dùng Tenadinir
Phụ nữ đang cho con bú hết sức thận trọng khi uống thuốc Tenadinir.

Bên cạnh đó, nếu dùng Tenadinir trong thời gian dài có thể sẽ phát sinh một số vi khuẩn kháng thuốc hoặc tình trạng viêm ruột kết giả mạc.

2- Phải làm thế nào khi dùng Tenadinir quá liều?

Như đã nói ban đầu, sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nếu bạn bỏ lỡ 1 liều thuốc Tenadini. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc quá liều, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.

3- Tương tác thuốc

Tenadinir sẽ làm thay đổi công dụng của một vài loại thuốc mà bạn đang dùng, hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ (nếu có). Để tránh tình trạng này xảy ra, hãy tập cho bản thân thói quen ghi chú lại danh sách những tên thuốc đang dùng.

Thuốc có thể tương tác với một số thành phần của các thuốc trung hòa acid dịch vị có chứa Magie, Nhôm hoặc các chế phẩm có chứa Sắt, Probenecid.

Bên cạnh đó, rượu và thuốc lá có thể sẽ tương tác với Tenadinir. Vì vậy hãy thận trọng trong việc dùng chúng trong thời gian sử dụng thuốc.

4- Tác dụng phụ

Trong một vài trường hợp, việc dùng Tenadinir sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Thường gặp nhất là:

  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn.
  • Nhức đầu.
  • Đau bụng.
  • Nổi mẩn đỏ trên da.
  • Viêm âm đạo.

Ngoài ra cũng có một số tác dụng phụ ít gặp hơn có thể xảy ra như:

  • Khó tiêu, đầy hơi.
  • Biếng ăn.
  • Táo bón, chất lượng phân không ổn định.
  • Chóng mặt, suy nhược cơ thể.
  • Thiếu vitamin nhóm B.
  • Giảm bạch cầu, tăng men gan.
  • Mất ngủ.
  • Ngứa râm ran khắp người.
  • Viêm kết mạc giả.

Thông báo ngay với bác sĩ khi bạn hoặc người thân gặp phải những dấu hiệu như trên. Lưu ý rằng đây chưa phải là tất cả các tác dụng phụ mà thuốc Tenadinir có thể mang lại, hãy chú ý những thay đổi xấu của cơ thể hàng ngày.

Bảo quản: Thuốc cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh hơi ẩm và ánh sáng trực tiếp. Phòng tắm và ngăn đá tủ lạnh không phải là nơi hợp lí để có thể bảo quản Tenadinir.

Trên đây là tất cả những thông tin cần thiết về thuốc Tenadinir, bạn có thể tham khảo. Để có thể biết thêm chi tiết về loại biệt dược này, hãy tìm gặp dược sĩ, bác sĩ hoặc chuyên viên y tế mà bạn tin tưởng.

 

Xem thêm

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.