Tác dụng & Cách dùng thuốc mỡ, thuốc nhỏ mắt Sulfacetamide

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Thuốc Sulfacetamide có tác dụng ức chế sinh tổng hợp acid folic nhằm kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Thuốc được dùng trong trường hợp viêm kết mạc, viêm bờ mi, loét giác mạc, đau mắt hột và dự phòng nhiễm khuẩn khi có tổn thương hoặc sau khi lấy dị vật bên trong mắt.

thuốc nhỏ mắt sulfacetamid natri
Thuốc Sulfacetamide ức chế tổng hợp acid folic, nhằm kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn

  • Tên thuốc: Sulfacetamide
  • Tên khác: Sulfacetamid
  • Phân nhóm: Thuốc kháng khuẩn

Những thông tin cần biết về thuốc Sulfacetamide

1. Tác dụng

Sulfacetamide là dẫn xuất của Sulfonamide, có tác dụng kìm khuẩn ở liều thông thường và diệt khuẩn ở nồng độ rất cao. Thuốc ức chế sinh tổng hợp acid folic bằng cách ngăn cản vi khuẩn sử dụng acid para-aminobenzoic glutamic hoặc acid para-aminobenzoic.

Tuy nhiên Sulfacetamide chỉ có tác dụng với những vi khuẩn tự tổng hợp acid folic. Các loại vi khuẩn sử dụng acid folic có sẵn hoặc sử dụng tiền chất của acid folic hầu như không bị ảnh hưởng bởi hoạt động của thuốc.

Sulfacetamide có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm vi khuẩn gram âm (E. coli, Gonococcus, Shigella và Meningococcus), vi khuẩn gram dương (Pneumococcus, Streptococcus), Chlamydia trachomatis và một số loại vi khuẩn khác.

Sulfacetamide ở dạng thuốc tra mắt được hấp thu một lượng nhỏ qua giác mạc và ít khi gây ra phản ứng toàn thân.

2. Chỉ định

Thuốc Sulfacetamide được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Dự phòng và điều trị loét giác mạc
  • Dự phòng và điều trị viêm bờ mi, viêm kết mạc
  • Nhiễm khuẩn Chlamydia
  • Đau mắt hột
  • Dự phòng nhiễm khuẩn khi có tổn thương hoặc sau khi lấy dị vật bên trong mắt

3. Chống chỉ định

Chống chỉ định thuốc Sulfacetamide với những đối tượng sau:

  • Trẻ em dưới 2 tháng tuổi
  • Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc

4. Dạng bào chế – hàm lượng

  • Thuốc mỡ tra mắt – 10%
  • Thuốc nhỏ mắt – 10%, 15%, 30%

5. Cách dùng – liều lượng

Với dạng thuốc nhỏ mắt, nhỏ trực tiếp vào túi kết mạc dưới (thích hợp dùng ban ngày). Còn với thuốc mỡ, bạn có thể bôi trực tiếp vào túi kết mạc dưới (thích hợp dùng ban đêm trước khi ngủ).

thuốc nhỏ mắt sulfacetamid
Nhỏ trực tiếp thuốc Sulfacetamide vào túi kết mạc dưới

Liều dùng thông thường khi điều trị nhiễm khuẩn mắt

  • Dung dịch nhỏ mắt 10%: Nhỏ 1 – 2 giọt, lặp lại sau 2 – 3 giờ
  • Hoặc dùng dung dịch nhỏ mắt 15%: Nhỏ 1 – 2 giọt, lặp lại sau 1 – 2 giờ. Tuy nhiên cần giãn thời gian nhỏ thuốc theo khả năng đáp ứng của từng người bệnh.

Liều dùng thông thường khi điều trị bệnh đau mắt hội

  • Dùng dung dịch 30%: Nhỏ 2 giọt/ lần, cách 2 giờ dùng lại. Có thể phối hợp với Tetracyclin hoặc Sulfonamide đường uống.
  • Hoặc dùng thuốc mỡ tra mắt, 2 lần/ ngày trong 20 ngày.

6. Bảo quản

Vặn chặt nắp sau khi sử dụng. Bảo quản thuốc Sulfacetamide trong lọ kín, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao. Không tiếp tục sử dụng dung dịch và thuốc mỡ đã bị biến đổi màu sắc hoặc có mùi lạ.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Sulfacetamide

1. Thận trọng

Tác dụng của thuốc có thể suy giảm nếu kết mạc có chứa máu hoặc mủ. Do acid para-aminobenzoic có mặt trong mủ và máu nên vi khuẩn vẫn có thể tổng hợp acid folic. Sử dụng Sulfacetamide dạng thuốc mỡ tra mắt có thể làm chậm quá trình phục hồi biểu mô giác mạc.

Nếu từng dị ứng với Sulfonamide ở các dạng bào chế khác, bạn có thể bị dị ứng với Sulfacetamide dạng thuốc mỡ và thuốc nhỏ mắt. Vì vậy, cần thông báo với bác sĩ để được cân nhắc việc sử dụng loại thuốc này.

thuốc nhỏ mắt sulfacetamid
Cần hạn chế lái xe trong quá trình điều trị để dự phòng các tình huống rủi ro

Khả năng nhìn có thể thay đổi hoặc suy giảm trong thời gian dùng thuốc. Bạn nên hạn chế lái xe để tránh các tình huống rủi ro.

Sử dụng Sulfacetamide trong điều trị kéo dài có thể làm tăng số lượng vi khuẩn không nhạy cảm. Thuốc Sulfacetamide có thể dùng cho sản phụ và phụ nữ đang cho con bú.

Không đeo kính áp tròng khi dùng thuốc. Bên cạnh đó, cần vệ sinh tay trước khi thoa thuốc mỡ hoặc nhỏ thuốc vào kết mạc nhằm hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn.

2. Tác dụng phụ

Tác dụng phụ do thuốc Sulfacetamide thường xảy ra tại chỗ và có mức độ nhẹ.

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Xót mắt
  • Nóng rát kết mạc

3. Tương tác thuốc

Không sử dụng Sulfacetamide với dẫn xuất của acid para-aminobenzoic vì có thể làm giảm tác dụng kìm khuẩn của thuốc.

Sử dụng đồng thời Gentamicin sulfat và Sulfacetamide có thể làm xuất hiện đối kháng in vitro, do đó không nên phối hợp 2 loại thuốc này.

4. Tương kỵ

Dung dịch Sulfacetamide có thể kết tủa với kẽm sulfat và tương kỵ với các chế phẩm chứa bạc.

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.