Thuốc Manitol có tác dụng gì? Những điều cần lưu ý khi dùng
Thuốc Manitol là dược phẩm của Công ty cổ phần hóa – Dược phẩm Mekophar. Thuốc được sử dụng để làm test chức năng thận, hỗ trợ điều trị ngộ độc, giảm độc tính của Cisplatin và phòng ngừa suy giảm chức năng thận cấp tính…
- Tên thuốc: Manitol
- Hoạt chất: Mannitol
- Phân nhóm: Thuốc lợi tiểu
- Dạng bào chế: Thuốc tiêm
Những thông tin cần biết về thuốc Manitol
1. Tác dụng
Thuốc Manitol có chứa hoạt chất chính là Mannitol. Thành phần này là đồng phân của sorbitol, thuộc nhóm thuốc lợi niệu thẩm thấu. Mannitol có tác dụng giảm áp lực nội sọ ngắn hạn, giảm áp lực nhãn cầu, tăng độ thẩm thấu của dịch và huyết tương trong các ống thận nhằm thúc đẩy lưu lượng máu tại thận và lợi niệu.
Tác dụng lợi niệu của thuốc phát sinh sau khi truyền từ 1 – 3 giờ. Trong khi đó, tác dụng giảm áp lực nội sọ ngắn hạn và giảm áp lực nhãn cầu xuất hiện chỉ sau 15 phút bắt đầu tiêm.
Mannitol hiếm khi được dùng ở đường uống do có thể gây ỉa chảy. Bên cạnh đó, thuốc còn làm tăng huyết áp động mạch, giảm độ nhầy của máu và tăng tính biến dạng của tế bào hồng cầu.
2. Chỉ định
Thuốc Manitol được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Phòng ngừa suy giảm chức năng thận cấp tính
- Giảm độc tính của Cisplatin (thuốc dùng trong điều trị ung thư) đối với thận
- Hỗ trợ trong quá trình điều trị vô niệu và thiểu niệu
- Test chức năng thận
- Hỗ trợ điều trị ngộ độc
- Giảm nhãn áp và áp lực nội sọ
- Làm dung dịch rửa trong phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt
- Dùng trong phẫu thuật mắt
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Manitol với những trường hợp sau:
- Suy tim sung huyết
- Bệnh nhân mắc các vấn đề về tim mạch nghiêm trọng
- Chảy máu nội so ở bệnh nhân chấn thương sọ não
- Mất nước
- Sung huyết phổi
- Suy thận nặng
- Phù phổi
- Rối loạn chuyển hóa kèm theo mao mạch dễ vỡ
- Vô niệu hoặc thiếu niệu sau khi làm test chức năng thận với Manitol
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Manitol được bào chế chủ yếu ở dạng dung dịch tiêm, với các hàm lượng và dung tích sau.
- Hàm lượng: 20% (độ thẩm thấu 1100 mOsm/l)
- Dung tích: 250ml và 500ml
5. Cách dùng – liều lượng
Thuốc Manitol được sử dụng bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch.
Liều dùng thuốc phụ thuộc vào mục đích sử dụng và độ tuổi của người bệnh.
Người lớn
Liều dùng khi làm test chức năng thận
- Truyền tĩnh mạch với liều 200mg/ kg trong 3 – 5 phút nhằm bài tiết nước tiểu trong vòng 2 – 3 giờ với dung tích 30 – 50ml/ giờ.
- Thực hiện test lần hai nếu lượng nước tiểu trong 2 – 3 giờ dưới 30 – 50ml/ giờ.
Liều dùng khi hỗ trợ điều trị ngộ độc:
- Thực hiện test chức năng thận như trên và tiêm tĩnh mạch sao cho lượng nước tiểu bài xuất từ 100 – 500ml/ giờ
- Đồng thời cân bằng dương tính về dịch tới 1 – 2 lít
Liều dùng nhằm làm giảm áp lực nội so
- Dùng 1 – 2g/ kg, truyền tĩnh mạch nhanh trong 30 – 60 phút
Liều dùng khi dự phòng suy thận cấp tính
- Thực hiện test chức năng thận như trên
- Truyền tĩnh mạch 50 – 100mg để đạt được lượng nước tiểu bài xuất từ 30 – 50ml/ giờ
Liều dùng nhằm giảm độc tính của Cisplatin đối với thận
- Truyền tĩnh mạch nhanh 12.5g trước khi dùng Cisplatin
- Lặp lại sau 6 giờ với liều 10g/ giờ
- Tiến hành bù dịch bằng dung dịch potassium chloride 20 – 30mEq/l, sodium chloride 0.45% với tốc độ 250ml/ giờ
Liều dùng nhằm làm giảm nhãn áp
- Dùng 1.5 – 2g/ kg, truyền tĩnh mạch trong 30 – 60 phút
Trẻ em
Liều dùng khi điều trị vô niệu hoặc thiểu niệu
- Làm test chức năng thận với liều 200mg/ kg như trên
- Liều duy trì: 2g/ kg trong 2 – 6 giờ
Liều dùng nhằm làm giảm áp lực nhãn cầu và nội sọ
- Dùng 2g/ kg truyền trong 30 – 60 phút
Phải truyền dung dịch Manitol chậm và đều. Nếu nhận thấy lưu lượng nước tiểu không đáp ứng điều trị thì nên ngưng điều trị.
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và ẩm. Dung dịch tiêm ở nhiệt độ thấp có thể tạo tinh thể, vì vậy nên ngâm thuốc vào nước ấm để làm tan tinh thể.
7. Giá thành
Thuốc Manitol 20% có giá bán từ 30 – 35.000 đồng/ chai 250ml.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Manitol
1. Thận trọng
Cần chắc chắn người bệnh không bị mất nước trước khi sử dụng thuốc. Khả năng bài tiết nước tiểu có thể gây mất nước nghiêm trọng ở những bệnh nhân này. Bên cạnh đó, phải kiểm tra sự tương hợp giữa Manitol với những thành phần thêm vào dung dịch tiêm.
Cần theo dõi chức năng thận, độ thẩm thấu của huyết tương và thành phần điện giải khi truyền thuốc. Không tiêm thuốc vào mô vì có thể gây hoại tử mô.
Không có dữ liệu cho thấy thuốc có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên Manitol an toàn và có thể sử dụng cho sản phụ.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp:
- Quá tải tuần hoàn
- Rét run
- Nhức đầu
- Nôn mửa
- Mất cân bằng điện giải và nước
- Đau ngực
- Tăng thể tích dịch ngoài tế bào
- Viêm tắc tĩnh mạch
- Sốt
- Buồn nôn
- Khát
- Mờ mắt
- Mất cân bằng kiềm toan
Tác dụng phụ ít gặp:
- Nhịp tim nhanh
- Suy giảm chức năng thận cấp tính
- Phù và hoại tử da
- Thận hư
- Nổi mề đay
- Phản ứng phản vệ
- Chóng mặt
Để giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ, bạn nên thông báo với bác sĩ nếu cảm thấy buồn nôn và nhức đầu trong thời gian truyền.
3. Tương tác thuốc
Hoạt chất Mannitol có thể tương tác với Lithium. Nếu sử dụng phối hợp, cần theo dõi đáp ứng của cơ thể với thuốc.
4. Quá liều
Trường hợp quá liều thuốc Manitol có thể làm tổn thương và suy giảm chức năng thận. Vì vậy cần ngưng truyền thuốc và điều trị triệu chứng.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Furosemid lợi tiểu: công dụng, liều dùng & những lưu ý
- Simacone là thuốc gì? Cách sử dụng và thận trọng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!