Thuốc Estriol có công dụng gì?

Thuốc Estriol được bào chế dưới dạng viên nén và viên đạn đặt âm đạo. Thuốc thường được dùng trong điều trị những triệu chứng niệu – sinh dục, viêm nhiễm âm đạo và đường tiểu. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng khắc phục tình trạng hiếm muộn và một vài bệnh phụ khoa khác.

Thuốc Estriol
Thông tin về công dụng, liều dùng và cách sử dụng thuốc Estriol

  • Tên biệt dược: Ovestin, Ovestin 1mg tablet
  • Nhóm thuốc: Hocmon, nội tiết tố, thuốc phụ khoa
  • Dạng bào chế: Thuốc đạn đặt âm đạo, viên nén

Thông tin về thuốc Estriol

Thành phần

Thuốc Estriol là sự kết hợp giữa hoạt chất Estriol và lượng thành phần tá dược vừa đủ cho một viên nén.

Công dụng

Thuốc Estriol có tác dụng ngăn ngừa và điều trị những bệnh lý sau:

  • Teo đường niệu – sinh dục dưới
  • Viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn mủ thông thường
  • Viêm âm đạo do nhiễm nấm Candida albicans
  • Viêm âm đạo do Trichomonas
  • Viêm nhiễm âm đạo kèm theo triệu chứng đau rát khi giao hợp, khô và ngứa vùng kín
  • Viêm đường tiểu, tiểu đau, hoạt động tiểu tiện mất tự chủ nhẹ
  • Những triệu chứng liên quan đến niệu sinh dục.

Ngoài ra thuốc Estriol còn được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Hiếm muộn do môi trường cổ tử cung không thích hợp
  • Liệu pháp hormon thay thế (HRT) thường dùng cho những triệu chứng suy giảm estrogen đối với phụ nữ sau mãn kinh
  • Điều trị trước và sau phẫu thuật âm đạo cho phụ nữ sau mãn kinh
  • Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý trong trường hợp nghi ngờ teo niêm mạc trên phết cổ tử cung.

Lưu ý: Thuốc Estriol có thể được dùng trong những trường hợp không được liệt kê trong bài viết này.

Chống chỉ định

Thuốc Estriol chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Những người quá mẫn cảm với hoạt chất Estriol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Người có tiền sử hoặc đang bị dị ứng với những loại thuốc đặt âm đạo
  • Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh gan cấp tính hoặc có tiền sử bị bệnh gan mà các xét nghiệm chức năng gan chưa trở lại bình thường
  • Bệnh nhân bị thuyên tắc huyết khối động mạch hoặc có tiền sử mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực…
  • Người có tiền sử bị ung thư vú hoặc nghi ngờ bị ung thư vú
  • Những người có khối u ác tính lệ thuộc estrogen như ung thư nội mạc tử cung
  • Tăng sản nội mạc tử cung không được điều trị
  • Những người có tiền sử hoặc đang thuyên tắc khối tĩnh mạch vô căn như: Thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch
  • Ra máu âm đạo không rõ nguyên nhân
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú
  • Trẻ em.

Cách dùng

Thuốc Estriol được sử dụng bằng cách đặt sâu vào âm đạo. Trước khi đặt thuốc người bệnh cần tắm rửa, vệ sinh tay và vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Sau đó sử dụng một chiếc khăn bông mềm nhẹ nhàng lau khô vùng kín. Trước khi đặt thuốc, người bệnh cần nằm dưới sàn với tư thế nằm ngửa, hai đầu gối co lại. Đồng thời sử dụng một chiếc gối mỏng hoặc khăn bông kê dưới mông để phần mông có thể cao hơn so với mặt đất. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng đặt thuốc Estriol vào sâu âm đạo mà không bị rơi ra ngoài.

Trong thời gian đặt thuốc Estriol, người bệnh sử đụng hai đầu ngón tay kẹp chặt thuốc và đưa vào âm đạo càng sâu càng tốt. Khi đặt thuốc xong, người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ từ 15 – 30 phút để thuốc có thời gian tan hết và không bị rơi ra ngoài. Tốt nhất bạn nên đặt thuốc vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với viên nén Estriol, người bệnh sử dụng thuốc thông qua đường miệng. Bạn cần uống trọn một viên thuốc cùng với một cốc nước đầy. Người bệnh không nên phá vỡ cấu trúc hoặc tán nhuyễn thuốc trước khi sử dụng và không nhai thuốc trước khi nuốt. Đối với những bệnh nhân thường xuyên có cảm giác nôn ói khi dùng thuốc, bạn có thể sử dụng thuốc Estriol cùng với thức ăn.

Liều lượng

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ phát triển bệnh lý và dạng bào chế, liều dùng thuốc Estriol ở mỗi người không giống nhau.

Liều dùng thuốc Estriol
Liều dùng thuốc Estriol

Đối với thuốc đạn đặt âm đạo Estriol

  • Dùng 1 viên/lần/ngày. Sử dụng vào mỗi tối trước khi đi ngủ.

Đối với viên nén Estriol

Liều dùng thuốc trong điều trị triệu chứng suy giảm estrogen

  • Dùng 4 – 8mg/ngày trong những tuần đầu. Sau đó giảm dần liều lượng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Liều dùng cho hiếm muộn do môi trường cổ tử cung không thích hợp

  • Liều khuyến cáo: Dùng 1 – 2mg/ngày vào các ngày 6 – 15 của vòng kinh
  • Liều tối đa: Dùng 8 mg/ngày vào các ngày 6 – 15 của vòng kinh.

Liều dùng cho điều trị trước và sau phẫu thuật âm đạo trên phụ nữ sau mãn kinh

  • Trước mổ: Dùng 4 – 8mg/ngày. Sử dụng trong 2 tuần
  • Sau mổ: Dùng 1 – 2mg/ngày. Sử dụng trong 2 tuần.

Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý trong trường hợp nghi ngờ teo niêm mạc trên phết cổ tử cung

  • Dùng 2 – 4mg/ngày. Sử dụng trong 7 ngày trước khi thực hiện xét nghiệm phết cổ tử cung lần kế tiếp.

Bảo quản

Thuốc Estriol nên được bảo quản tại những nơi khô ráo, thoáng mát, có nhiệt độ từ 20 – 30 độ C. Bên cạnh đó người bệnh nên bảo quản thuốc trong vỉ, trong bao bì kín hoặc hộp thuốc. Người bệnh không nên tách thuốc ra khỏi vỉ khi chưa sử dụng. Đồng thời bạn nên để thuốc tại những nơi cao ráo tránh thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thú nuôi và tầm tay trẻ em.

Người bệnh không nên bảo quản thuốc Estriol trong ngăn đá hoặc ngăn mát tủ lạnh. Không để thuốc trong nhà tắm và những nơi ẩm ướt khác. Khi thuốc Estriol đã hết hạn sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn xử lý thuốc có trên bao bì. Ngoài ra bạn cũng có thể hỏi ý kiến dược sĩ hoặc Trung tâm xử lý rác thải địa phương về cách xử lý thuốc an toàn, không gây ô nhiễm.

Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Estriol

Khuyến cáo khi dùng

Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc Estriol khi có yêu cầu và chỉ định liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, để khởi trị và tiếp tục điều trị những triệu chứng sau mãn kinh, người bệnh nên sử dụng thuốc ở liều thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Đối với những bệnh nhân không sử dụng HRT hoặc chuyển từ một sản phẩm HRT phối hợp sang dùng Estriol, người bệnh có thể bắt đầu sử dụng Estriol ở bất kỳ giai đoạn nào. Đối với những trường hợp chuyển từ phác đồ HRT theo chu kỳ sang sử dụng thuốc Estriol, bạn cần bắt đầu chữa bệnh với Estriol sau khi đã kết thúc phác đồ HRT được một tuần.

Trước khi sử dụng thuốc Estriol, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tiền sử mắc bệnh và tình trạng sức khỏe của bạn ở hiện tại. Đặc biệt là:

  • Bệnh gan
  • U xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung
  • Có nguy cơ hoặc đang bị ung thư vú
  • Có khối u ác tính lệ thuộc estrogen như ung thư nội mạc tử cung
  • Bệnh tiểu đường có kèm theo tổn thương mạch máu hoặc không
  • Bệnh cao huyết áp
  • Sỏi mật
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Có tiền sử tăng nội mạc tử cung
  • Bệnh hen suyễn, động kinh, xốp xơ tai
  • Nhức đầu nghiêm trọng.

Ngoài ra trong thời gian sử dụng thuốc Estriol, người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau đây:

  • Bạn cần ngưng sử dụng thuốc Estriol và báo với bác sĩ khi nhận thấy cơ thể xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường như: Vàng da, vàng mắt, dị ứng, tăng huyết áp, đau đầu kiểu migrain…
  • Không sử dụng thuốc Estriol kéo dài hoặc sử dụng thuốc quá số liều quy định
  • Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai không nên sử dụng thuốc Estriol. Bởi thành phần trong thuốc có khả năng gây nên những tác dụng phụ nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi
  • Phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng trước quyết định sử dụng thuốc Estriol. Bởi thành phần trong thuốc có khả năng làm giảm sự tạo sữa. Đồng thời bài tiết qua sữa mẹ đến trẻ nhỏ khiến bé bị ngộ độc
  • Trước khi sử dụng thuốc người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Khi đó bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng một loại thuốc thay thế hoặc thay đổi phác đồ điều trị
  • Người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục trong thời gian đặt thuốc Estriol
  • Trong thời gian chữa bệnh với thuốc Estriol, người bệnh không nên sử dụng rượu, bia và các loại thực phẩm có chứa cồn
  • Trước khi sử dụng thuốc Estriol, người bệnh cần chia sẻ với bác sĩ về những loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Những loại thuốc này có thể bao gồm: Thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin và các loại thảo dược.
Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Estriol
Trước khi sử dụng thuốc Estriol, người bệnh cần chia sẻ với bác sĩ về những loại thuốc mà bạn đang sử dụng

Tác dụng phụ

Trong thời gian sử dụng thuốc Estriol, người bệnh rất dễ gặp phải những tác dụng phụ sau đây:

  • Buồn nôn và nôn ói
  • Đau vú
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt
  • Rỉ huyết
  • Cơ thể giữ nước và tăng tiết dịch cổ tử cung.

Nếu những tác dụng phụ thường gặp xuất hiện kéo dài hoặc thường xuyên tái phát (đặc biệt là những bệnh nhân sử dụng thuốc Estriol với liều cao), người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và báo với bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra người bệnh cũng cần đến bệnh viện khi cơ thể xuất hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng sau:

  • Xuất hiện khối u lành tính hoặc ác tính lệ thuộc estrogen
  • Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
  • Đột quỵ
  • Nhồi máu cơ tim
  • Rối loạn sắc tố da dẫn đến nám mặt, phát ban đỏ dạng nốt, ban đỏ đa dạng, ban xuất huyết
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sa sút trí tuệ.

Tương tác thuốc

Thuốc Estriol có khả năng tương tác với những loại thuốc điều trị khác. Sự tương tác này làm mất dần khả năng chữa bệnh của các loại thuốc và làm tăng tỉ lệ xuất hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế trước khi sử dụng thuốc Estriol, người bệnh cần chia sẻ với bác sĩ về những loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Những loại thuốc bạn cần chia sẻ có thể bao gồm: Thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin và các loại thảo dược.

Thuốc Estriol có khả năng tương tác mạnh mẽ với những loại thuốc điều trị sau:

  • Succinylcholine
  • Theophyllines
  • Troleandromycin
  • Barbiturate
  • Carbamazepine
  • Griseofulvin
  • Enzyme cytochrome 450
  • Hydantoin
  • Ritonavir
  • Nelfinavir
  • Những loại thuốc chống co giật: Phenobarbital, Carbamazepin, Phenytoin
  • Thuốc chống nhiễm khuẩn: Rifampicin, Rifabutin, Nevirapine, Efavirenz
  • Các chế phẩm thảo dược chứa cỏ ban: Perforatum, Hypericum.

Cách xử lý khi dùng thuốc thiếu liều hoặc quá liều

Nên làm gì khi dùng thuốc thiếu liều?

Trong trường hợp quên sử dụng một liều thuốc Estriol, người bệnh cần dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu khoảng cách giữa liều đã quên quá gần với liều kế tiếp, người bệnh cần bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp đúng với kế hoạch. Người bệnh không nên sử dụng thuốc gấp đôi số liều đã quy định.

Cách xử lý khi quên một liều thuốc Estriol
Nếu quên sử dụng một liều thuốc Estriol, người bệnh cần sử dụng liều đã quên ngay khi nhớ ra

Nên làm gì khi sử dụng thuốc quá liều?

Trong trường hợp sử dụng thuốc Estriol quá liều khiến cơ thể bị sốc và gây ra nhiều phản ứng nghiêm trọng, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc gọi đến Trung tâm y tế để được hỗ trợ và cấp cứu kịp thời. Một số phản ứng cấp tính người bệnh có thể gặp phải do sử dụng thuốc Estriol quá liều bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn ói không kiểm soát
  • Ra máu âm đạo
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Cơ thể suy yếu
  • Động kinh
  • Co giật
  • Tiêu chảy nặng…

Khi nào nên ngưng sử dụng thuốc?

Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường hoặc những tác dụng phụ nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Estriol. Đồng thời đến bệnh viện để có cách xử lý thích hợp. Ngoài ra người bệnh cũng cần ngưng sử dụng thuốc Estriol và báo với bác sĩ khi nhận thấy quá trình chữa bệnh với thuốc không mang lại hiệu quả như mong muốn hoặc bệnh tình trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thuốc Estriol có khả năng điều trị những triệu chứng niệu – sinh dục, viêm nhiễm âm đạo và đường tiểu. Đồng thời khắc phục tình trạng hiếm muộn do môi trường của cổ tử cung không thích hợp và một số bệnh lý ở phụ nữ mãn kinh. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc Estriol cần có sự chỉ định và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc, ngưng sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều dùng. Bởi điều này có thể khiến bạn gặp nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hỏi đáp cùng chuyên gia

  1. Phạm Quỳnh LaPhạm Quỳnh La says: Trả lời

    Thưa bác sĩ, người có tiền sử ung thư vú thể nội tiết 30%+ her2 dương tính thì có dùng đc thuốc đặt âm đạo để chữa khô âm đạo đc ko ạ?

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.