Thuốc Benzosali: tác dụng, liều dùng và khuyến cáo khi sử dụng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Y học cổ truyềnPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Benzosali là thuốc điều trị các bệnh da liễu thường gặp. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp viêm da tiết bã, vảy nến, nấm da,…

thuốc Benzosali
Benzosali là thuốc điều trị các bệnh da liễu thường gặp

  • Tên thuốc: Benzosali
  • Phân nhóm: thuốc điều trị bệnh da liễu
  • Dạng bào chế: thuốc mỡ bôi da

Những thông tin cần biết về thuốc Benzosali

Benzosali là dược phẩm của Công ty cổ phần TRAPHACO Việt Nam. Thuốc được đóng gói ở dạng tuýp với dung lượng là 10 gram.

1. Thành phần

Benzosali bao gồm hai thành phần chính:

  • Acid Benzoic: có tác dụng điều trị, kiểm soát, cải thiện các triệu chứng do nhiễm nấm da gây ra.
  • Acid salicylic: bào mòn lớp sừng dày trên bề mặt da, ngăn chặn nấm phát triển. Hoạt chất này còn có tác dụng làm sạch và kháng khuẩn trong lỗ chân lông.

2. Chỉ định

Thuốc Benzosali được chỉ định trong các trường hợp sau:

tác dụng của thuốc Benzosali
Thuốc Benzosali được chỉ định để điều trị viêm da tiết bã, vảy nến, chàm,…
  • Nấm da (nấm kẽ tay, lang ben, nấm tóc,…)
  • Viêm da tiết bã
  • Vảy nến
  • Vẩy da đầu
  • Chai tay, chân (chứng tăng sừng khu trú ở gan bàn tay và bàn chân)

Một số tác dụng của thuốc không được in trên bao bì. Nếu bạn có ý định sử dụng thuốc với mục đích khác, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu để hạn chế những tình huống xấu phát sinh.

3. Chống chỉ định

Thuốc Benzosali chống chỉ định với các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với thành phần trong thuốc
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Không sử dụng ở niêm mạc hoặc dùng trên diện rộng

Acid salicylic là một phái sinh của aspirin. Nếu bạn đã từng dị ứng với aspirin, hãy chủ động báo với bác sĩ để được cân nhắc việc sử dụng thuốc. Ngoài ra, thành phần trong thuốc khá nhạy cảm, bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu có làn da mỏng, yếu và dễ kích ứng với các hoạt chất hóa học.

4. Cách dùng – liều lượng

Sử dụng một lượng thuốc vừa đủ với phạm vi vùng da cần điều trị. Thoa nhẹ nhàng để thuốc thẩm thấu hoàn toàn. Rửa sạch tay sau khi sử dụng để tránh tình trạng bội nhiễm hoặc lây truyền vi khuẩn sang vùng da khỏe mạnh.

Thận trọng với vùng da bôi thuốc, nếu thuốc tiếp xúc với da của người khác, các phản ứng kích ứng có thể xuất hiện.

cách dùng thuốc benzosali
Sử dụng thuốc 2 lần/ngày

Liều dùng:

  • Dùng thuốc từ 1 – 2 lần/ngày
  • Có thể dùng phối hợp với ASA và BSI

Nếu bạn dùng thuốc để điều trị vùng da kín – được che phủ bởi quần áo, bạn nên báo với bác sĩ để được chỉ định liều lượng và tần suất cụ thể.

5. Bảo quản

Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ dao động từ 15 – 30 độ C. Tránh ánh nắng trực tiếp và nơi ẩm thấp. Để xa tầm với của trẻ nhỏ và thú nuôi để hạn chế tình trạng trẻ hoặc thú nuôi nuốt phải thuốc.

Tuyệt đối không sử dụng thuốc hết hạn hoặc có dấu hiệu biến chất, đổi màu. Sử dụng thuốc trong tình trạng nói trên có thể khiến vùng da bôi thuốc bị kích ứng và bong tróc mạnh.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng Benzosali

1. Thận trọng

Nếu bạn đang cho con bú, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Acid salicylic chưa được chứng minh an toàn với phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

Thận trọng khi dùng thuốc benzosali
Thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú

Acid salicylic có trong thuốc sẽ làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Do đó, trong suốt thời gian dùng thuốc bạn nên che chắn da khi di chuyển và hoạt động ngoài trời.

Không sử dụng thuốc vào vùng niêm mạc hay vùng da gần mắt, trong trường hợp thuốc vô tình dính vào các vị trí này, bạn nên rửa lại bằng nước sạch. Nếu nhận thấy những triệu chứng bất thường xuất hiện, hãy chủ động báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

2. Tác dụng phụ

Trong thời gian điều trị bằng Benzosali, bạn có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn:

  • Kích ứng da nhẹ
  • Châm chích khi dùng thuốc
  • Ăn mòn da
  • Khô da
  • Bong tróc

Trong trường hợp dùng thuốc trên diện rộng trong một thời gian dài, bạn có thể bị ngộ độc salicylat. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:

  • Lú lẫn
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Thở nhanh
  • Đầu nặng
  • Ù tai

Thông tin trên chưa bao gồm tất cả những tác dụng phụ có thể phát sinh trong thời gian sử dụng Benzosali. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để kịp thời xử lý. Tuyệt đối không tự điều chỉnh liều lượng và tần suất dùng thuốc.

3. Tương tác thuốc

Chưa có nghiên cứu về các loại thuốc có khả năng tương tác với Benzosali. Tuy nhiên bạn cần thông báo với bác sĩ những loại thuốc mình đang sử dụng để được điều chỉnh liều lượng và tần suất cụ thể.

tương tác thuốc benzosali
Cần báo với bác sĩ những loại thuốc mình đang sử dụng để ngăn chặn tương tác thuốc

Nếu bạn đang dùng một loại thuốc bôi ngoài da lên vùng da điều trị bằng Benzosali, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên cụ thể.

4. Cách xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều

Nếu quên một liều Benzosali, bạn nên dùng ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến liều dùng tiếp theo, bạn nên bỏ qua liều đã quên và dùng liều sau theo đúng thời gian chỉ định. Không nên sử dụng gấp đôi để bù liều.

Dùng quá một liều không gây ra nguy hiểm cho người sử dụng. Tuy nhiên nếu bạn dùng quá liều trong một thời gian dài, bạn có thể bị ngộ độc salicylat. Do đó, hãy đến bệnh viện ngay khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm.

5. Nên ngưng thuốc khi nào?

Bạn nên ngưng sử dụng Benzosali trong các trường hợp sau:

  • Điều trị liên tục trong 7 ngày nhưng không thấy triệu chứng thuyên giảm
  • Khi có yêu cầu từ bác sĩ
  • Khi cơ thể xuất hiện những phản ứng dị ứng

Nếu có thắc mắc trong quá điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để nhận được thông tin chính xác. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chúng tôi không đưa ra lời khuyên hay định hướng y khoa thay thế cho chỉ định từ bác sĩ.

Xem thêm

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.