Tác dụng dược lý của liên kiều và những điều cần kiêng kỵ khi sử dụng
Liên kiều có tác dụng tiêu viêm, trừ nhiệt, tan mủ và giải độc. Dược liệu này được áp dụng trong các bài thuốc chữa viêm cầu thận, mụn nhọt, nổi hạch ở vú và ban xuất huyết.
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Dị kiều, Liêm trúc căn, Tỳ liên, Không kiều, Lan hoa, Chiết căn, Giản hoa, Tam liên, Hoàng thiều, Không xác,…
Tên khoa học: Forsythia suspensa
Họ: Nhài/ Ô liu (danh pháp khoa học: Oleaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Liên kiều thuộc loại cây bụi lớn, chiều cao trung bình từ 2 – 4m. Cành có nhiều đốt, 4 cạnh và ruột rỗng. Lá mọc đối xứng, đơn, hình trứng, chiều rộng từ 2 – 4cm, chiều dài 3 – 4cm, răng cưa ở mép lá nhưng thường không đều. Hoa có màu vàng tươi, quả hình dẹt, khô, đầu nhọn. Bề ngoài quả có màu nâu nhạt và chứa nhiều hạt bên trong.
Phân bố:
Phân bố chủ yếu ở Trung Quốc.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Quả khô.
Thu hái: Quả xanh của liên kiều được thu hái vào tháng 8 – 9, quả già thu hoạch vào tháng 10.
Chế biến: Quả xanh đem nhúng nước sôi, sau đó phơi cho khô. Quả già chỉ cần phơi khô và dùng dần.
Bảo quản: Tránh ẩm thấp.
4. Thành phần hóa học
Liên kiều có chứa phenol, trong đó còn 0.2% ancaloit và 4.895 saponin. Ngoài ra, thảo dược này còn chứa forsythin, oleanolic acid, matairesinoside, rutin, pinoresinol, rengyol,…
5. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
+Tác dụng chống viêm: Liên kiều tăng tác dụng thực bào của bạch cầu nhằm khu trú tình trạng viêm (theo Trung Dược Học).
+Tác dụng kháng khuẩn: Hoạt chất phenol có trong dược liệu giúp ức chế các khuẩn gây bệnh thường gặp như liên cầu khuẩn dung huyết, trực khuẩn lỵ, lao, bạch hầu, virus cúm, nấm, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, thương hàn, ho gà, Leptospira hebdomadis, Rhino virus,… (theo Trung Dược Học).
+Ngoài ra, thảo dược này có có khả năng giãn mạch, tăng lưu lượng máu nhằm giảm huyết áp (theo Trung Dược Học).
+Tác dụng kháng khuẩn tương tự như kim ngân hoa.
+Thí nghiệm cho thấy liên kiều có khả năng chống nôn mửa ở chim bồ câu do ngộ độc Digitalis (theo Chinese Herbal Medicine).
+Nhận thấy triệu chứng của bệnh võng mạc xuất huyết giảm và thị lực tăng sau 4 ngày sử dụng nước sắc liên kiều (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+Tác dụng cường tim, cầm nôn, bảo vệ gan, lợi tiểu và giải nhiệt (theo Trung Dược Học).
+Liêu kiều có tác dụng giảm protein niệu và tiêu phù đối với bệnh nhân viêm thận cấp (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Theo y học cổ truyền:
+Trừ nhiệt ở tâm và thông lợi ngũ lâm (theo Dược Tính Luận).
+Tiêu viêm, thanh nhiệt, tan mủ và giải độc (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
+Giải độc, thanh nhiệt, giải phong nhiệt (theo Trung Dược Học).
+Chủ trị ung nhọt thủng độc, tiểu bí, ôn nhiệt, ban chẩn, lao hạch, tiểu buốt, đơn độc (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
6. Tính vị
Vị đắng, hơi chua, không độc và có tính mát/ tính hàn.
7. Qui kinh
Qui vào kinh Vị, Thận, Phế, Tâm, Đởm, Can, Tam tiêu, Đại trường và Bàng quang.
8. Liều dùng, cách dùng
Dùng liên kiều sắc nước uống, tán bột uống, tán bột làm viên,… Mỗi ngày dùng 12 – 20g.
9. Ứng dụng lâm sàng
Liên kiều được ứng dụng vào nhiều bài thuốc chữa bệnh, bao gồm:
- Bài thuốc trị loa lịch không tiêu và bệnh lao hạch: Dùng cù mạch, liên kiều, quỷ tiễn vũ và chích thảo bằng lượng nhau. Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 8g với nước cơm. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi bệnh.
- Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị nhiệt: Dùng phòng phong, sơn chi tử, liên kiều và chích thảo bằng lượng nhau. Đem các dược liệu tán bột, mỗi lần sử dụng 8g sắc với 1 chén nước. Sắc đến khi nước còn 7 phân, đem lọc bã và uống khi còn ấm.
- Bài thuốc trị vú có hạch, đau nhức: Dùng hùng thử phân, xuyên bối mẫu, liên kiều và bồ công anh mỗi thứ 8g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc trị loa lịch: Dùng mè đen và liên kiều, mỗi thứ 150g, tán thành bột. Sử dụng 4 – 8g/ 2 lần/ ngày.
- Bài thuốc trị ban chẩn, mụn nhọt và đơn độc: Dùng bồ công anh, dã cúc hoa và liên kiều, mỗi thứ 12g. Đem sắc uống cho đến khi tiêu nhọt.
- Bài thuốc trị vú sưng: Dùng bồ công anh 12g, bồ kết thích 4g, liên kiều 16g với kim ngân hoa 5g. Đem sắc với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia thành 3 lần uống.
- Bài thuốc trị ban xuất huyết: Sắc liên kiều 30g với một ít nước, còn lại 150ml. Chia thành 3 lần uống, dùng trước bữa ăn và uống hết trong ngày.
- Bài thuốc trị tà khí ở Phế, khát nước vào sáng sớm, thái âm ôn bệnh mới phát và sốt nhưng không sợ lạnh: Dùng kim ngân hoa 40g, bạc hà 24g, trúc diệp 16g, kinh giới tuệ 16g, ngưu bàng tử 24g, liên kiều 40g, khổ cát cánh 24g, cam thảo sống 20g, đạm đậu xị 20g. Đem các dược liệu tán thành bột, mỗi lần dùng 24g uống chung với nước sắc vi căn tươi.
- Bài thuốc trị lao hạch: Dùng mẫu lệ 20g, hạ khô thảo, liên kiều và huyền sâm mỗi thứ 12g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc trị hạch ở nách và tràng nhạc: Dùng mè đen và liên kiều bằng lượng nhau, đem tán thành bột mịn. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 4g.
- Bài thuốc trị lao thận và viêm cầu thận cấp tính: Sắc liên kiều 30g đến khi còn 150ml. Mỗi lần dùng 50mg trước khi ăn, ngày dùng 3 lần. Duy trì liên tục trong 5 – 10 ngày và kiêng ăn cay, mặn.
10. Kiêng kỵ
+Bệnh ung nhọt đã vỡ mủ, Tỳ Vị hư yếu, hỏa nhiệt thuộc hư, phân lỏng: Không nên dùng (theo Dược Phẩm Vậng Yếu).
+Tiêu chảy, tỳ hư: Không nên sử dụng (theo Trung Dược Học).
+Mụn nhọt thể âm hoặc đã vỡ: Không dùng (theo Trung Dược Học).
+Khí hư kèm sốt: Kiêng dùng (theo Trung Dược Học).
Liên kiều là dược liệu khá phổ biến và được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên dược liệu này có thể gây ra các tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng cách. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc dân gian nào.
Dược liệu nên kết hợp
- Cây cỏ mần trầu: Đặc điểm mô tả, thành phần hóa học và công dụng
- Cây ô mai và công dụng đối với sức khỏe con người
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!