Cây ô đầu: tính vị, công dụng và lưu ý khi sử dụng
Cây ô đầu là một loại cây thảo dược sống lâu năm và có tính cực độc vì vậy chỉ được sử dụng làm thuốc chữa trị bệnh sau khi đã được bào chế.
1/ Tên gọi, chủng loại
Tên gọi khác: Củ ấu tàu, cố y, xuyên ô, phụ tử, thiên hùng, trắc tử, o uế.
Tên khoa học: Aconitum forrtunei Hemsl.
Họ: cây ô đầu thuộc họ Mao Lương Ranunculaceae.
Chủng loại: Cây ô đầu Việt Nam, cây âu ô đầu, cây ô đầu Trung Quốc.
2/ Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Cây ô đầu là một loại cỏ cao khoảng 0.6 – 1m có rễ cây phát triển thành củ có hình nón, thân mọc thẳng đứng và thường không có cành. Lá cây mọc so le, có phiến lá rộng xẻ thành 3 thùy lúc già và có hình trái tim lúc còn non, xung quanh mép lá có răng cưa.
Hoa của cây ô đầu mọc thành từng chùm màu xanh lam hoặc tím nhạt ở đầu ngọn cây. Quả cây có 5 đại mỏng, hạt có vẩy ở trên mặt.
Phân bố
Cây ô đầu phân bố rải rác ở khắp các vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…
Ở Việt Nam, cây thường mọc hoang ở vùng Lào Cai, Hà Giang, Nghĩa Lộ. Hiện này, cây thường được trồng ở khu vực Hà Giang, Sa Pa (khu vực Bắc Hà – Lào Cai và Sìn Hồ – Lai Châu).
3/ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận sử dụng: Rễ và củ của cây ô đầu được thu hái vào mùa thu trước khi cây ra hoa để sử dụng. Củ con gọi là phụ tử, củ mẹ gọi là ô đầu.
Thu hái: ở nước ta cây ô đầu thường được thu hái vào khoảng tháng 9 – 10 khi cây đang ra hoa và trồng lại vào khoảng tháng 1 hoặc tháng 2. Củ ô đầu sau khi thu hái sẽ được chia thành ba loại:
- Ô nhuế: là ô đầu có hai nhánh ở dưới tựa như sừng trâu.
- Trắc tử là vú lớn của củ phụ tử.
- Thiên hùng là ô đầu dưới đât lâu năm không sinh đủ con.
Chế biến:
Tùy theo nhu cầu sử dụng ô đầu mà sẽ có những cách lựa chọn củ và chế biến khác nhau:
Ô đầu:
Củ mẹ sau khi hái về đem cắt bỏ rễ con rửa thật sạch bùn đất rồi đem phơi khô. Ô đầu này rất độc.
Diêm phụ (hay còn gọi là phụ tử muối, sinh phụ tử, phụ tử sống):
Lựa chọn những củ con to, rửa thật sạch sau đó cho vào vại ngâm theo tỉ lệ 100kg phụ tử : 40kg magie clorua : 30kg muối ăn : 60 lít nước trong vòng 10 ngày. Sau 10 ngày, đem đi phơi khô và cho vào vại thêm nước, magie clorua và muối ngâm như ban đầu. Sau đó, mỗi ngày đem ra phơi vào ban ngày và ngâm lại vào ban đêm, thỉnh thoảng lại thêm muối, nước và magie vào để giữ được nồng đồ và giữ cho nước xâm xấp các củ. Cuối cùng, vớt ra và phơi nắng đến khi thấy muối kết tinh trắng ngoài củ là được. Mỗi lần sử dụng hãy lấy ra thái mỏng và rửa qua nước đến khi hết vị cay tê rồi đem phơi hoặc sấy khô.
Hắc phụ:
Cắt những nhánh củ con trung bình rửa sạch, cho vào vại ngâm với magie clorua theo tỉ lệ 100kg phụ tử : 40kg magie clorua : 20 lít nước trong vòng vài ngày. Đem vại này đi đun sôi khoảng 2 – 3 phút thì lấy ra rửa sạch, thái mỏng rồi ngâm lại vào nước magie clorua và nước một lần nữa. Sau đó thêm đường đỏ và dầu hạt cải vào và sao cho đến khi nước có màu chè đặc. Cuối cùng rửa sạch cho đến khi hết vị cay tê thì đem ra phơi khô hoặc sấy.
Bạch phụ:
Lựa những củ con nhỏ đem rửa sạch và ngâm vào vại nước có chưa magie clorua trong vòng vài ngày. Đem vại đã ngâm này đun sôi cho đến khi củ chín thì bóc vỏ đen bên ngoài, thái mỏng rồi đem rửa sạch cho hết vị cay tê. Cuối cùng đem hấp chín rồi phơi khô một lần nữa, sau đó đem xông hơi và phơi khô.
Bảo quản: Các sản phẩm làm từ ô đầu có tính độc cao vì vậy nên được bảo quản ở lọ kín, để nơi khô ráo, thoáng mát và tránh xa tầm tay trẻ em. Nên thường xuyên phơi nắng để tránh bị mọt ăn.
4/ Thành phần hóa học
Thành phần hoạt chất chính có trong ô đầu là Aconitin và các alcaloid khác. Bên cạnh đó, ô đầu còn chứa tinh bột, đường, manit, chất nhựa và các axit hữu cơ.
5/ Tính vị
Ô đầu có vị cay, đắng, tính nóng và có độc mạnh.
6/ Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
- Đối với tim: Aconitin rất độc đối với tim, nó tác dụng trực tiếp lên tế bào cơ tim khiến tim đập nhanh hơn.
- Đối với huyết áp: Acinitin làm hạ huyết áp.
- Tác dụng giảm đau: Aconitin có khả năng làm giảm các cơn đau bằng cách ức chế dẫn truyền các xung thần kinh làm cho dây thần kinh tê liệt mất khả năng dẫn truyền.
- Đối với hệ thần kinh: Aconitin có tác dụng kích thích gây ngứa da, nóng và tê dại.
- Chống viêm: Alcaloid trong ô đầu giúp chống viêm hiệu quả.
- Độc tính: Cây ô đầu rất độc và mức độ độc hại phụ thuộc vào khu vực sinh trưởng, thời gian thu hoạch, cách bào chế…
Theo y học cổ truyền
Cây ô đầu có tác dụng hồi hương cứu nghịch, khử phong hàng vì vậy nó có công dụng:
- Chữa trị các triệu chứng sưng đau.
- Chữa tay chân nhức mỏi, đau các khớp, chân tay co quắp, mụn nhọt lở lâu không lành.
- Sử dụng trong trường hợp mồ hôi ra nhiều, vong dương, chân tay quờ quạng, phong hàn thấp tý thận dược bất túc cước khí, thủy thủng.
7/ Liều dùng và cách dùng
Cây ô đầu thường được sử dụng để ngâm rượu xoa bóp trực tiếp lên vùng bị đau, không được uống. Liều lượng khi sử dụng là:
- Người lớn mỗi lần sử dụng 5 – 10 giọt thuốc đã ngâm rượu, tối đa 40 giọt mỗi ngày.
- Trẻ em từ 30 tháng đến 15 tuổi dùng 5 -10 giọt mỗi ngày.
Xem thêm: Cây kim ngân hoa: Tác dụng dược lý và Một số bài thuốc chữa bệnh hay
8/ Bài thuốc chữa trị
Chữa đau xương sai khớp: Đem ô đầu, nghệ rừng, nhân hạt gấc, mật gấu, mật trăn, huyết lình ngâm với rượu để xoa bóp mỗi ngày hai lần.
9/ Lưu ý khi sử dụng cây ô đầu
Cây ô đầu có độc tính cực mạnh vì vậy có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như:
- Chân tay yếu ớt, ngứa rang, bồn chồn, đổ mồ hôi, chóng mặt hôn mê.
- Hạ huyết áp, nhịp tim đậm chậm.
- Mờ mắt.
- Tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn.
- Hạ kali trong máu.
- Dị cảm.
- Rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh.
- Co thắt họng.
- Tử vong.
Chính vì vậy, khi sử dụng cây ô đầu chúng ta nên lưu ý những điều sau:
- Tuyệt đối không sử dụng nếu như chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không chạm trực tiếp vào cây ô đầu vì chất độc có thể thẩm thấu qua da.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không được thoa thuốc làm từ cây ô đầu.
- Cây ô đầu chỉ nên sử dụng để bôi ngoài da, không nên dùng làm thuốc để uống.
- Trẻ em tuyệt đối không nên sử dụng cây ô đầu.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến cây ô đầu, vì đây là một loại cây có độc tính rất cao nên bạn không được tùy tiện sử dụng mà chưa có chỉ định của chuyên gia y tế.
Có thể bạn quan tâm
- Cây trắc bách diệp: Tác dụng dược lý và Ứng dụng lâm sàng
- Cây giao (cây xương khô) – Vị thuốc chữa được nhiều bệnh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!