Bạch chỉ: Tác dụng dược lý, Tính vị, Qui kinh và Các bài thuốc chữa bệnh

Bạch chỉ có vị hơi ngọt, cay, tính ấm, tác dụng hoạt lạc, bổ huyết, tán hàn, chỉ thống, phá huyết hư, bài nùng, sinh cơ,… Dược liệu này được áp dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh như bài thuốc trị mụn nhọt, đau đầu, tiểu đục và bệnh trĩ.

cây bạch chỉ ngâm rượu
Bạch chỉ là vị thuốc quý có nguồn gốc từ Trung Quốc

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Chỉ hương, Phù ly, Hàng bạch chỉ, An bạch chỉ, Bách chiểu, Đỗ nhược, Linh chỉ, Xuyên bạch chỉ,…

Tên khoa học: Angelica Dahurica

Họ: Bạch chỉ (danh pháp khoa học: Apiaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Bạch chỉ là cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao của cây trung bình từ 1 – 1.5m hoặc hơn. Thân có đường kính từ 2 – 3cm, rỗng, bề ngoài có màu tím hồng. Thân dưới nhẵn, thân trên gần cụm hoa có lông ngắn bao phủ. Rễ mọc thẳng, dài, có phân nhánh.

Lá tọt, phất triển thành bẹ rộng, có cuống dài, ôm lấy thân. Phiến lá hình lông chim, xẻ 2 – 3 lần. Mặt lá không có lông trừ đường gân ở mặt lá trên có lông tơ mỏng.

hình ảnh cây bạch chỉ
Hoa bạch chỉ có màu trắng, mọc thành cụm ở đầu cành hoặc kẽ lá

Hoa mọc thành cụm ở đầu cành hoặc kẽ lá, tán kép, cuống dài 4 – 8cm, có màu trắng. Quả bế đôi, hình bầu dục hơi dẹt, chiều dài khoảng 6mm. Thân, lá và rễ của cây có chứa tinh dầu thơm. Cây ra hoa kết quả vào tháng 5 – 7 hằng năm.

Phân bố:

Dược liệu này có nguồn gốc và phân bố chủ yếu ở Trung Quốc.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Rễ của cây được dùng để làm thuốc.

Thu hái: Thu hái vào mùa thu, lựa ngày trời khô ráo.

Chế biến: Sau khi đào rễ của cây, đem về bỏ thân và rễ con. Tiếp tục đem rễ rửa sạch rồi cho vào vại có vôi trong 1 tuần. Sau đó lấy ra sấy/ phơi khô rồi cạo bỏ vỏ ngoài.

Bào chế:

+Rửa rễ củ cho sạch, ủ mềm trong khoảng 3 tiếng. Đem thái nhỏ và phơi trong râm cho đến khi khô hẳn (theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược – Việt Nam).

+Cạo sạch vỏ, thái nhỏ rồi đồ 1 lúc với hoàng tinh (bằng lượng nhau). Sau đó lấy bạch chỉ ra phơi khô và dùng. Hoặc sau khi hái về, rửa sạch, cắt khúc, trộn vôi và phơi cho khô (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ẩm.

4. Thành phần hóa học

+ Oxypeucedanin, Isoimperatorin, Neobyak Angelicol, Xanthotoxin, Byak-Angelicin, Scopetin, Iso Byakangelicol,… (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Neobyakangelicol, Xanthotoxin, Byak Angelicol, Isoimperatorin,  Scopolotin, Isobyakangelicol, Angelic Acid (theo Trung Dược Học).

5. Tác dụng dược lý

+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng kháng khuẩn đối với Salmonella và Shigella (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng kháng khuẩn đối với liên cầu (Streptococcus Hemolyticus, chủng phế cầu (Diplococcus Pneumoniae), tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus), Shigella sonnei, Shigella Shiga, Enterococus, Bacillus Typhi và Bacillus Subtilis (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Tác dụng giảm đau đầu do cảm cúm, đau thần kinh mặt, đau đầu sau sinh, đau răng và lợi (theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
  • Gây đau ở chuột nhắt trắng bằng cách tiêm dung dịch acid acetic 6%. Sau đó tiêm dược liệu với liều 10g/ kg nhận thấy có tác dụng giảm đau (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Sử dụng liều nhỏ cho thấy dược liệu có tác dụng hưng phấn trung khu hô hấp, trung khu vận động huyết quản và dây thần kinh phế vị làm cho hơi thở kéo dài, nôn mửa, chảy nước dài, mạch chậm và tăng huyết áp. Dùng liều cao có thể gây co giật và liệt toàn thân (theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
  • Ức chế vi khuẩn G+, trực khuẩn lỵ và thương hàn (theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
  • Ức chế vi khuẩn lao rõ rệt (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Bạch chỉ giúp hạn chế tình trạng loét giác mạc do bỏng ánh sáng gây ra (theo Trung Dược Học).
  • Trong thực nghiệm gây viêm chuột nhắt trắng bằng Kaolin, sau đó sử dụng dược liệu với liều lượng 10g/ kg nhận thấy có tác dụng chống viêm.
  • Bột tán từ băng phiến và bạch chỉ có tác dụng trị đau đầu và đau răng (theo Trung Dược Học).

+Theo y học cổ truyền:

  • Trị nữ giới bị xích đới, âm đạo sưng, cơ nhục sưng, lậu hạ, huyết bế, đầu phong, nóng lạnh, chảy nước mắt (theo Bản Kinh).
  • Trị răng đau, tiểu ra máu, vết thương do đâm chém, mũi chảy máu, xoang mũi, bón, giải độc do rắn cắn, xương chân mày đau nhức, huyền vận (theo Bản Thảo Cương Mục).
  • Hoạt lạc, bổ huyết mới, chỉ thống, bổ thai lậu, phá huyết hư, bài nùng, sinh cơ. Chủ trị vú sưng đau, lở ngứa, mụn nhọt, loa lịch, mắt đỏ, trĩ lậu, mắt có mộng và phát bối (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Giải biểu, táo thấp, giải độc, tán hàn, khu phong, chỉ thống. Chủ trị răng đau, lông mi đau, xoang mũi viêm, đầu đau, đau vùng trước trán, mụn nhọt, bỏng nhiệt, ghẻ lở, rắn cắn, xích bạch đới và ngứa ngoài da (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Trị nôn mửa, chóng mặt, phong tà, hông sườn đau, khát lâu ngày, mắt ngứa (theo Biệt Lục).
  • Làm sáng mắt, trị phong tà, trừ mủ, cầm nước mắt, phụ nữ băng huyết, bụng lưng đau, tiểu ra máu, ói nghịch (theo Dược Tính Luận).
  • Trị đau bụng do khí lạnh, ngứa da do lạnh, cơ thể đau do phong thấp ứ trệ (theo Trấn Nam Bản Thảo).
  • Hoạt huyết, giảm đau, táo thấp, tiêu mủ, trừ phong hàn, sinh da non, ung nhọt (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

6. Tính vị

Vị hơi ngọt, cay, tính ấm (theo Trấn Nam Bản Thảo).

Vị cay, tính ấm (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển, Trung Dược Đại Từ Điển, Đông Dược Học Thiết Yếu).

Vị cay, hơi có độc, mùi hôi (theo Dược Vật Đồ Khảo).

7. Qui kinh

Qui kinh Bàng Quang (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Qui vào Tỳ, Phế, Vị (theo Lôi Công Bào Chích Luận, Trung Dược Đại Từ Điển).

Qui vào Vị, Đại trường và Phế (theo Đông Dược Học Thiết Yếu, Trân Châu Nang).

Qui vào kinh Can, Vị, Đại trường (theo Bảo Thảo Kinh Giải).

8. Liều dùng, cách dùng

Dùng bạch chỉ sắc nước uống, tán bột làm hoàn, tán bột hít mũi,… Ngày dùng 4 – 8g.

9. Bài thuốc

Một số bài thuốc từ dược liệu bạch chỉ:

bào chế bạch chỉ
Bạch chỉ có tác dụng điều trị các bệnh lý thường gặp như đau nửa đầu, viêm xoang,…
  • Bài thuốc trị đầu phong: Dùng bạc hà, thạch cao, uất kim, bạch chỉ, mang tiêu bằng lượng nhau. Đem các vị tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng một ít thổi vào mũi.
  • Bài thuốc trị chóng mặt, tinh thần không tỉnh, các chứng phong, sản hậu mới sinh bị cảm do phong tà: Dùng hương bạch chỉ tán bột, trộn với mật ong làm viên hoàn. Vo mỗi viên bằng viên đạn, mỗi lần dùng 1 viên.
  • Bài thuốc trị đau nửa đầu: Dùng tế tân, nhũ hương, một dược (đem bỏ đầu), bạch chỉ, thạch cao bằng lượng nhau. Đem các vị thuốc đi tán bột, thổi vào mũi.
  • Bài thuốc trị mũi chảy nước trong: Dùng bạch chỉ tán bột mịn. Sau đó đem hành giã nát và trộn với bột thuốc làm hoàn. Mỗi viên nặng 4g. Dùng 2 – 3 viên/ lần, uống với trà nóng, ngày dùng 2 lần.
  • Bài thuốc trị thương hàn cảm cúm: Dùng cam thảo sống 20g, hành 3 củ, đậu vị 50 hột, bạch chỉ 40g, gừng 3 lát, táo 1 trái đem sắc với 2 chén nước.
  • Bài thuốc trị tiểu đục, bạch đới, bụng, rốn lạnh đau và ruột có mủ máu: Dùng đơn diệp hồng la quỳ căn 80g, bạch phàn 20g, bạch chỉ 40g, thược dược căn 20g. Đem các vị thuốc đi tán nhuyễn thành bột mịn, sau đó trộn đều với sáp làm thành hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 10 – 15 viên uống với nước cơm khi bụng đói.
  • Bài thuốc trị trĩ ra máu: Dùng dược liệu bạch chỉ đem tán bột. Mỗi lần dùng 4g uống với nước cơm. Đồng thời sắc nước xông rửa hậu môn cho nhanh khỏi.
  • Bài thuốc trị đau lông mày do nhiệt, đờm và phong: Dùng hoàng cầm (sao rượu), bạch chỉ bằng lượng nhau, đem tán bột mịn. Dùng 8g uống với nước trà.
  • Bài thuốc trị đau răng do phong nhiệt: Dùng ngô thù, bạch chỉ bằng lượng nhau. Đem với nước và ngậm trong miệng.
  • Bài thuốc trị tiểu khó do khí: Dùng bạch chỉ tẩm giấm, phơi khô khoảng 80g. Sau đó đem tán nhuyễn thành bột. Dùng 8g/ lần uống với nước sắc cam thảo và mộc thông.
  • Bài thuốc trị chân răng thối: Dùng bạch chỉ 28g đem tán bột. Sau khi ăn, dùng 4g bột uống.
  • Bài thuốc trị mồ hôi trộm: Dùng thần sa 20g, bạch chỉ 40g đem tán bột. Ngày dùng 8g uống với rượu ấm.
  • Bài thuốc trị bạch đới: Dùng thạch vôi 640g, bạch chỉ 160g ngâm trong 3 đem. Sau đó đem bỏ vôi, chỉ thấy bạch chỉ cắt lát, sao vàng và tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g uống với rượu, dùng 2 lần/ ngày.
  • Bài thuốc trị chảy máu cam không cầm: Lấy huyết chảy ra, đem trộn với bạch chỉ. Dùng hỗn hợp đắp vào mũi để ngăn chảy máu.
  • Bài thuốc trị tiêu ra máu do ruột có phong độc: Dùng bạch chỉ tán bột. Sử dụng 4g/ ngày với nước cơm.
  • Bài thuốc trị ung nhọt sưng đỏ: Dùng đại hoàng và bạch chỉ bằng lượng nhau, đem tán bột. Ngày dùng 8g uống cùng với nước cơm.
  • Bài thuốc giải độc Từ thạch: Dùng bạch chỉ nghiền nát thành bột. Mỗi lần dùng 8g uống với nước giếng.
  • Bài thuốc trị tiểu ra máu: Dùng đương quy và bạch chỉ bằng lượng nhau, đem tán bột. Mỗi lần dùng 8g bột uống.
  • Bài thuốc trị rắn cắn, tuyến vú viêm và ung nhọt sưng tấy: Dùng bối mẫu, qua lâu, bạch chỉ, tử hoa địa đinh, liên kiều mỗi thứ 12g, cam thảo 4g, kim ngân hoa và bồ công anh mỗi thứ 16g. Đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị bạch đới: Dùng mai mực và bạch chỉ bằng lượng nhau, đem tán mịn. Mỗi lần dùng 12g, sử dụng đều đặn.
  • Bài thuốc trị lở sơn: Dùng bạch chỉ mài với dấm hoặc rượu và thoa lên vùng da lở.
  • Bài thuốc trị mắt đau, đầu đau: Dùng ô đầu sống 4g, bạch chỉ 16g đem tán bột. Mỗi lần dùng một lượng vừa đủ uống với nước trà.
  • Bài thuốc trị chứng trường phong: Dùng hương bạch chỉ tán bột, mỗi lần dùng 1 ít uống với nước cơm.
  • Bài thuốc trị mi mắt đau do nhiệt, đờm hoặc phong: Dùng bạch chỉ, nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 8g uống với nước trà.
  • Bài thuốc trị xoang mũi: Dùng tân di, bạch chỉ, phòng phong mỗi loại 3.2g, xuyên khung 2g, cam thảo 1.2g, thương nhĩ tử 4.8g, tế tân 2.8g đem hòa với nước. Sau đó dùng nước bôi lên vùng rốn. Kiêng thịt bò trong thời gian dùng bài thuốc này.
  • Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị sốt: Dùng bạch chỉ nấu lấy nước tắm cho trẻ.
  • Bài thuốc trị các loại phong đầu: Lấy nước củ cải tẩm vào bạch chỉ xắt lát, đem phơi khô, tán bột. Mỗi lần dùng 8g uống với nước sôi. Hoặc thổi bột vào mũi.
  • Bài thuốc trị răng đau do nhiệt: Dùng chu sa 2g, bạch chỉ 4g đem tán bột. Sau đó trộn với mật ong làm thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng 1 viên chà xát nhẹ vào chân răng để giảm đau.
  • Bài thuốc trị bệnh ở mắt: Dùng hùng hoàng, bạch chỉ bằng lượng nhau, đem tán bột. Dùng mật ong trộn bột làm thành hoàn, viên to bằng hạt nhãn. Tiếp tục dùng chu sa bọc ngoài. Mỗi lần dùng 1 viên, ngày dùng 2 lần.
  • Bài thuốc trị hóc xương: Dùng bán hạ, bạch chỉ bằng lượng nhau. Đem các vị tán bột, ngày dùng 8g uống cho đến khi ói xương ra.
  • Bài thuốc trị ống chân đau: Dùng bạch giới tử và bạch chỉ bằng lượng nhau. Đem trộn với nước gừng và đắp lên ống chân đau nhức.
  • Bài thuốc trị táo bón do phong độc: Dùng bạch chỉ tán bột. Mỗi lần dùng 8g uống nước cơm có trộn thêm 1 ít mật ong.
  • Bài thuốc trị nhiệt thống, thủng độc: Dùng bạch chỉ tán nhỏ, sau đó đem hòa với dấm và bôi lên da.
  • Bài thuốc trị đinh nhọt mới phát: Dùng gừng tươi 40g với bạch chỉ 4g, rượu 1 chén. Đem giã nát thuốc, trộn vào rượu và uống nóng cho ra mồ hôi.
  • Bài thuốc trị vết thương do tên bắn, dao chém: Dùng bạch chỉ nhai cho nát rồi đắp lên vết thương.
  • Bài thuốc trị độc ở trẻ nhỏ: Dùng hàn thủy thạch, bạch chỉ tán bột. Sau đó đem trộn với nước hành và thoa vào chỗ đau.
  • Bài thuốc trị xích thủng, bệnh âm thử: Dùng đại hoàng và bạch chỉ bằng lượng nhau. Đem các vị tán nhỏ thành bột. Mỗi lần dùng 6g uống với nước cơm.
  • Bài thuốc trị rết hoặc rắn cắn: Dùng hùng hoàng, bạch chỉ và nhũ hương bằng lượng nhau. Đem tán thành bột rồi uống với rượu ấm.
  • Bài thuốc trị đau đầu do cảm: Dùng xuyên khung 4g, khương hoạt 8g, sài hồ 8g, cam thảo 4g, bạch chỉ 12g, phòng phong 12g, hoàng cầm 8g, kinh giới 8g. Đem các vị thuốc sắc nước uống.
  • Bài thuốc trị miệng hôi: Dùng xuyên khung và bạch chỉ đều 30g, tán bột. Trộn mật ong làm thành viên, to bằng hạt ngô đồng. Dùng 2 – 3 viên ngậm nhiều lần trong ngày.

10. Kiêng kỵ

+Nhức đầu do huyết hư, mụn nhọt, đinh nhọt chưa vỡ miệng, hỏa vượng, âm hư hỏa uất: Không được dùng (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+Âm hư hỏa vượng: Cấm dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

+Đầu đau do huyết hư (theo Sổ Tây Lâm Sàng Trung Dược).

+Ức chế Lưu hoàng, Hùng hoàng (theo Bản Thảo Cương Mục).

+Không dùng cho nôn mửa do hỏa, âm hư hỏa kết, huyết nhiệt, lậu hạ, xích bạch đới (theo Bản Thảo Kinh Sơ).

+Không dùng cho người có âm hư, huyết nhiệt (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

+Kỵ Tuyền phúc hoa (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú).

+Bạch chỉ dùng nhiều có thể gây tổn thương khí huyết (theo Lôi Công Bào Chích).

Thông tin về tác dụng dược lý, bài thuốc, tính vị, qui kinh của dược liệu bạch chỉ trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Đồng thời không có giá trị thay thế cho chỉ dẫn và thông tin được cung cấp bởi người có chuyên môn.

XEM THÊM

  • Cây nhân trần: Tác dụng dược lý và Các bài thuốc chữa bệnh thường gặp
  • Cây cam thảo: Tác dụng, Cách chế biến & Một số bài thuốc dân gian

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đối tác

Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 kg Cỏ Ngọt cách đây 1 phút