Điếc và khiếm thính: Các thông tin cần biết và cách điều trị
Điếc và khiếm thính đều là những vấn đề liên quan đến thính giác, khiến cho người bệnh không thể nghe hoặc chỉ nghe được một phần của âm thanh. Nắm rõ được bản chất của những vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho việc chẩn đoán và điều trị được diễn ra một cách thuận lợi.
I/ Tìm hiểu về điếc và khiếm thính
1. Sự khác biệt giữa điếc và khiếm thính
Mặc dù điếc và khiếm thính đều là những vấn đề liên quan đến thính giác, nhưng chúng lại ở 2 cấp độ khác nhau.
Điếc là một dạng của khiếm thính, được sử dụng để chỉ những trường hợp bị mất thính lực hoàn toàn (điếc một bên tai hoặc cả hai tai).
Thuật ngữ khiếm thính lại được dùng để chỉ những người có khả năng nghe kém hơn so với những đối tượng khác. Điều này có nghĩa khi nghe cùng cùng một âm thanh như nha thì người khiếm thính sẽ nghe kém hơn, trong khi các đối tượng khác có thể nghe thấy âm thanh ấy một cách bình thường. Khiếm thính bao gồm nhiều cấp độ từ nhẹ cho đến nặng và điếc là mức độ nặng nhất của khiếm thính.
2. Nguyên nhân gây điếc và khiếm thính
Nguyên nhân gây khiếm thính và điếc có thể xuất phát từ các yếu tố bẩm sinh hoặc do sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Cụ thể:
♦ Nguyên nhân bẩm sinh:
Những người bị điếc hoặc khiếm thính bẩm sinh thường mắc bệnh ngay trong bụng mẹ, nhưng cũng có không ít trường hợp bị bệnh khi đang trong giai đoạn sơ sinh. Tình trạng này có thể gây nên do yếu tố di truyền hoặc do bị dị tật trong quá trình mang thai. Nếu không phải do di truyền, các nguyên nhân gây điếc bẩm sinh có thể kể đến là:
- Bà bầu bị bệnh giang mai, nhiễm vi khuẩn Rubella hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.
- Trẻ khi chào đời có cân nặng thấp.
- Do tác dụng phụ của các loại thuốc mà bà bầu sử dụng trong thời gian mang thai. Chẳng hạn thuốc chống sốt rét, thuốc lợi tiểu, thuốc aminoglycoside.
- Trẻ bị thiếu oxy khi sinh.
- Bị vàng da nghiêm trọng ở thời kỳ sơ sinh. Vì tình trạng này có thể làm hỏng dây thần kinh thính giác của trẻ.
♦ Các nguyên nhân không do bẩm sinh:
Những yếu tố gây bệnh không do bẩm sinh chính là nhóm nguyên nhân có thể làm mất hoàn toàn hoặc làm suy giảm thính lực cho bất cứ đối tượng nào. Bao gồm:
- Mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị.
- Bị nhiễm trùng tai mãn tính.
- Viêm tai giữa.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc trị nhiễm trùng, sốt rét, thuốc trị ung thư.
- Bị chấn thương vùng đầu hoặc tai.
- Do tiếng ồn quá lớn như tiếng ồn của máy móc hoặc tiếng ồn của các vụ nổ.
- Do lão hóa, nhất là tình trạng thoái hóa của những tế bào thính giác.
- Do các dị vật chặn ống tai.
Với đối tượng là trẻ em thì viêm tai giữa chính là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này.
XEM THÊM: Mắc bệnh viêm tai giữa có nguy cơ bị điếc không? Cách ngăn ngừa
3. Các cấp độ điếc và khiếm thính
Điếc và khiếm thính được chia thành 4 cấp độ như sau:
- Khiếm thính hoặc điếc mức độ nhẹ: Với những người bị khiếm thính nhẹ, họ sẽ nghe thấy những âm thanh từ 25 – 69 decibel (dB). Tuy nhiên những đối tượng này sẽ khó nghe thấy những lời nói của những người xung quanh, đặc biệt là khi có tiếng ồn.
- Khiếm thính hoặc điếc vừa: Những trường hợp này có thể nghe thấy những âm thanh ở ngưỡng 40 – 69 dB. Một cuộc nói chuyện bình thường sẽ rất khó khăn đối với họ nếu không dùng máy trợ thính.
- Điếc nặng: Những âm thanh trên 70 – 89 dB sẽ là ngưỡng mà những người bị điếc nặng nghe được. Với đối tượng này, cần phải học cách giao tiếp bằng những ngôn ngữ ký hiệu, ngay cả khi họ sử dụng máy trợ thính.
- Điếc sâu: Bất cứ ai không thể nghe thấy âm thanh ở ngưỡng 90 dB đều được xếp vào nhóm điếc sâu. Thậm chí có một số trường hợp không thể nghe thấy bất cứ một âm thanh nào dù nó ở mức độ dB rất cao. Giao tiếp thường ngày sẽ được thực hiện qua các ngôn ngữ ký hiệu, đọc và viết.
4. Tác hại của điếc và khiếm thính
Điếc và khiếm thính có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, những hoạt động giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh cũng sẽ diễn ra một cách rất khó khăn. Đặc biệt, nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ nhỏ, điếc có thể làm suy giảm khả năng nhận thức và sự phát triển trí tuệ ở nhóm đối tượng này. Thông thường, tình trạng này sẽ gây ra những ảnh hưởng như sau:
♦ Ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tư duy:
Khả năng nghe có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ. Vì thế những người bị khiếm thính hoặc bị điếc mà nhất là trẻ nhỏ sẽ thường bị trì hoãn việc phát triển ngôn ngữ và tư duy. Chính vì thế, những trẻ bị điếc thường có kết quả học tập không được tốt và cần phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ giáo dục nhiều hơn.
Chưa hết, những người bị điếc sẽ không thể sử dụng lời nói để diễn giải những gì mình cần nói mà cần phải thông qua việc dùng các ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng cách giao tiếp này chỉ được sử dụng trong một nhóm đối tượng nhất định, do đó sẽ rất hạn chế trong việc truyền đạt thông tin cho đông đảo mọi người.
♦ Tác động đến cảm xúc:
Không thể nghe thấy đồng nghĩa với việc không thể giao tiếp với người khác. Điều này tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và cả tâm lý của bệnh nhân. Họ sẽ luôn cảm thấy cô đơn, thất vọng, buồn chán, từ đó dễ dẫn đến trầm cảm.
♦ Ảnh hưởng đến kinh tế:
Đa số các trường hợp bị điếc và khiếm thính thường không thể đi làm nên sẽ không thể tạo ra thu nhập. Trong khi đó các chi phí hỗ trợ chữa trị, giáo dục, chi phí xã hội mà nhà nước phải chi trả sẽ ngày càng tăng lên. Vì vậy nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
II/ Chẩn đoán, điều trị điếc và khiếm thính
Nếu cảm thấy thính giác của bản thân có vấn đề không ổn, bạn cần phải đi gặp các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. Thông thường, bệnh sẽ được chẩn đoán và chữa trị như sau:
1. Chẩn đoán
Trước khi áp dụng các phương pháp chẩn đoán chuyên biệt, các bác sĩ sẽ tiến hành thu thập các thông tin về tiền sử bệnh lý, tình trạng y tế mà bạn đang mắc phải. Dựa vào những triệu chứng và các thông tin mà bạn cung cấp, bác sĩ sẽ đưa ra những kết luận ban đầu về tình trạng bệnh.
Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi tai có gắn đèn sáng để soi vào tai. Thông qua việc quan sát trực tiếp, bác sĩ sẽ phát hiện ra được các triệu chứng bất thường trong ống tai, từ đó đưa ra được kết luận chính xác về bệnh. Những triệu chứng bệnh nhân thường gặp khi bị điếc hoặc khiếm thính bao gồm:
- Thủng màng nhĩ.
- Ống tai bị nhiễm trùng.
- Có dịch trong ống tai.
- Ráy tai tích tụ gây tắc nghẽn.
- Ứ đọng dịch sau màng nhĩ.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sàng lọc tổng quát để kiểm tra mức độ nhạy cảm của thính giác đối với các âm thanh từ bên ngoài. Những phương pháp có thể được áp dụng bao gồm:
- Thử nghiệm Rine.
- Kiểm tra thính lực.
- Kiểm tra dao động xương.
Ngoài ra, với các đối tượng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ có những phương pháp sàng lọc và chẩn đoán riêng. Để biết thêm thông tin, bạn có thể trao đổi kỹ hơn với các bác sĩ về vấn đề này.
2. Điều trị
Thật không may là không có cách nào đế chữa điếc hoặc khiếm thính. Vì khi các tế bào lông trong ốc tai bị hỏng thì không thể phục hồi hay chữa lành chúng. Nhưng có khá nhiều cách có thể khắc phục những trạng này, giúp cho hoạt động thường ngày của bạn được diễn ra dễ dàng hơn. Các cách điều trị thường được áp dụng bao gồm:
♦ Dùng máy trợ thính:
Đây là thiết bị đeo tai dùng để hỗ trợ thính giác. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với những người bị khiếm thính mức độ nhẹ, trung bình và không phù hợp với những đối tượng bị điếc sâu.
Tùy vào từng mức độ bệnh và đối tượng mắc bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng các thiết bị trợ thính phù hợp. Những loại máy trợ thính thường được sử dụng bao gồm:
- Máy trợ thính phía sau tai (BTF).
- Máy trợ thính trong ống tai (ITC).
- Máy trợ thính xương.
- Máy trợ thính CIC.
♦ Cấy ghép ốc tai điện tử:
Phương pháp điều trị này được sử dụng cho các trường hợp bị tổn thương các tế bào lông trong ốc tai. Bằng việc đặt một điện cực mỏng trong ốc tai và thông qua sự hỗ trợ của những thiết bị đi kèm, người bệnh có thể cải thiện được khả năng nghe và hiểu lời nói của những người xung quanh. Ngoài ra, các thiết bị cấy ốc tai hiện đại cũng sẽ giúp cho người bệnh nghe được nhạc hoặc nghe rõ hơn ngay cả khi ồn ào.
♦ Dùng ngôn ngữ ký hiệu và đọc nói:
Với những người bị điếc ở mức độ nặng và sâu, họ cần phải sử dụng đến các ngôn ngữ ký hiệu. Bởi vì họ không thể nghe được người khác nói, do đó cần phải có cách giao tiếp khác để có thể diễn đạt được ý của mình.
Vì ngôn ngữ này khá khó hiểu đối với bình thường, do đó nó sẽ làm cản trở quá trình giao tiếp hoặc gây ra những hiểu lầm trong cách nói của đối phương.
III/ Phòng ngừa nguy cơ bị điếc và khiếm thính
Nếu bị điếc và khiếm thính do các nguyên nhân bẩm sinh thì không có cách nào để ngăn ngừa. Tuy nhiên, với những yếu tố gây bệnh khác, bạn hoàn toàn có thể hạn chế được nguy cơ mắc bệnh cho bản thân bằng cách áp dụng các biện pháp như sau:
- Không nghe nhạc, xem tivi với âm lượng quá lớn.
- Nếu làm việc ở những môi trường ồn ào như sản xuất thép, vũ trường, chế tạo máy móc thì cần phải sử dụng đến các nút bịt tai.
- Tuyệt đối không sử dụng bất cứ một thứ gì không an toàn để nhét vào tai của bạn. Vì nếu sơ suất chúng có thể làm thủng màng nhĩ gây điếc.
- Nếu bị mắc các bệnh về tai – mũi – họng như viêm xoang, viêm tai, bạn cần phải áp dụng các biện pháp điều trị triệt để tình trạng này, tránh để chúng gây ra biến chứng.
- Bảo vệ vùng đầu và tai của bạn, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ chúng bị va đập mạnh.
Vì điếc và suy giảm thính giác sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến đời sống và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Do đó, nếu là một người đang khỏe mạnh thì bạn cần phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa để tự bảo vệ cho bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
ĐỪNG BỎ LỠ
- Nguyên nhân gây điếc đột ngột và cách điều trị đúng
- Điếc ở người lớn tuổi có khắc phục được không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!