Dạ giao đằng là gì? Dạ giao đằng có công dụng chữa bệnh gì?
Dạ giao đằng là dây leo bằng thân quấn của cây Hà thủ ô đỏ, là loại cây mọc hoang hoặc được trồng tại một số tỉnh thành nước ta, đặc biệt là những vùng núi cao. Dược liệu này được dân gian sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc với vị ngọt, tính bình, có tác dụng an thần, dưỡng tâm, chỉ hãn, trừ phong thấp, thư cân lạc.
Tìm hiểu về dược liệu dạ giao đằng
1. Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Thủ ô đằng, Kỳ đằng
- Ý nghĩa tên gọi: Thuật lại lời kể trong dân gian, khi đêm đến, dây của hai cây Hà thủ ô quấn chặt lại với nhau nên được gọi là Dạ giao đằng (dạ: ban đêm, giao: sự gặp gỡ, đằng: dây leo)
- Tên khoa học: Polygonum multiflorum Thunb
- Tên Việt Nam: Dây Hà thủ ô đỏ
- Tên tiếng Trung: 夜交藤
- Họ: Thuộc họ rau Răm (Polygonaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
+ Mô tả: Dạ dây đằng là loại cây leo quấn lấy thân cây Hà thủ ô. Đây loại cây có tuổi thọ cao, thân hình trụ dài, nhỏ, mềm, mọc xoắn vào nhau, khó gỡ, thường cong khúc có khi phân nhánh. Lá hình tim, hẹp hoặc có dạng hình mũi tên, đầu thuôn nhọn, dài 6 -8 cm, rộng 3 – 4 cm, mọc so le. Bề mặt lá màu nâu tía, thô ráp. Lá có cuống, cuống dài khoảng 2 cm. Gân lá xuất phát từ gốc lá, mỗi lá có 3 – 5 gân. Hoa nhỏ, cánh màu trắng, hoa mọc thành chùm. Rễ phình to dưới lớp đất cát, phát triển thành củ có màu nâu đỏ có hình dạng như củ khoai lang.
+ Phân bố: Dạ giao đằng thường mọc hoang hoặc được trồng nhiều tại các tỉnh thuộc nước Trung Quốc như: Hà Nam, Chiết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc,… Ở Việt Nam, cây thường mọc dại ở các vùng núi cao, sườn đồi các tỉnh miền Bắc nước ta và rải rác một số địa phương khác, nhiều nhất ở Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Sơn La. Hiện nay, loại cây này cũng được trồng khá nhiều tại các đồi trung du, cây được trồng bằng dây hoặc hạt.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
- Bộ phận dùng: Thân dây.
- Thu hái: Thu hoạch thân dây kèm lá vào mùa hạ và mùa thu.
- Chế biến: Đem những thân dây vừa thu hoạch được rửa sạch bằng nước để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Sau đó chặt thành từng đoạn nhỏ chừng 3 – 4 cm rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô.
- Bảo quản: Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng. Tránh để dược liệu tiếp súc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tốt nhất nên cất trữ dạ giao đằng trong bọc kín để được sử dụng lâu dài và đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.
4. Thành phần hóa học
Dạ giao đằng chứa chủ yếu thành phần anthraglycozid, crysophanol, emodin, rhein và một số thành phần khác như tinh bột, protid, chất vô cơ, chất tan trong nước,…
5. Tính vị
Dạ giao đằng có vị ngọt, tính bình.
6. Quy kinh
Dạ giao đằng được quy vào các kinh sau đây:
- Quy vào kinh Tâm và Can (theo Trung Dược Đại Từ Điển)
- Quy vào kinh Tâm và Tỳ (theo Bản Thảo Tái Tân)
- Quy vào kinh Can và Thận (theo Tứ Xuyên Trung Dược Chí)
7. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại: Chưa có tài liệu nghiên cứu và báo cáo về tác dụng dược lý của Dạ giao đằng.
Theo Y học cổ truyền:
Trong Đông y, Dạ giao đằng được xem là một vị thuốc nam quý, được dân gian sử dụng trong một số bài thuốc trị mất ngủ, thiếu máu, mụn nhọt, ghẻ lở, bệnh tâm thần phân liệt hoặc một số bệnh lý khác cụ thể như sau:
- Trị phong thấp, thư cân lạc, giúp an thần, dưỡng tâm, chỉ hãn
- Trị đêm mất ngủ (theo Bản thảo chính nghĩa)
- Trị lao thương, bổ trung khí, hành kinh lạc, thông huyết mạch (theo Bản thảo tái tân)
- Trị mất ngủ, thiếu máu, cơ thể đổ nhiều mồ hơi, toàn thân mệt mỏi. Trừ phong thấp, thông kinh lạc. Trị các bệnh ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở (theo Trung thảo dược Thiểm Tây)
- Dưỡng Can Thận, an thần, ngủ ngon, cầm hư hãn (theo Ẩm phiến tân tham)
- Tiêu sưng ung nhọt, trĩ sang, tràng nhạc (theo An Huy dược tài)
8. Cách dùng – Liều lượng
+ Cách dùng: Dùng Dạ giao đằng để sắc lấy nước dùng hoặc để lấy nước để tắm. Người bệnh có thể sử dụng độc vị hoặc kết hợp với một số dược liệu khác.
+ Liều lượng: Không ổn định. Tùy vào từng bài thuốc sẽ có liều dùng tương thích.
9. Những bài thuốc trị bệnh từ Dạ giao đằng
Dưới đây là những bài thuốc bệnh từ dược liệu Dạ giao đằng, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng điều trị cho chính mình hoặc cho những người thân trong gia đình:
- Bài thuốc từ Dạ giao đằng chữa mất ngủ, hay nóng nảy, thường xuyên bồn chồn trong người, hay mơ mộng khi ngủ: Dùng Dạ giao đằng, đơn sâm mỗi vị 12 gram cùng với 40 gram Trân châu mẫu. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng trị bệnh. Nên cùng thuốc khi thuốc còn ấm.
- Bài thuốc từ Dạ giao đằng chữa mất ngủ, thiếu máu, đau nhức toàn thân, cơ thể ra nhiều mồ hôi: Dùng 40 gram Dạ giao đằng sắc cùng với hai chén nước lọc. Sắc đến khi cô đặc còn một chén là được. Dùng khi thuốc còn ấm. Người bệnh kiên trì sử dụng đến khi bệnh tình được cải thiện.
- Bài thuốc từ Dạ giao đằng chữa bệnh tâm thần phân liệt: Dùng Dạ giao đằng và Hà thủ ô chế mỗi vị 90 gram cùng với 5 quả Táo đỏ. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với hia phần nước, sắc đến khi cô đặc còn lại một phần để dùng. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc còn đủ ấm. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên. Kiên trì sử dụng thuốc đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả điều trị như mong muốn.
- Bài thuốc từ Dạ giao đằng chữa ung nhọt, ghẻ lở, lao thương, tràng nhạc hoặc một số bệnh lý về da khác: Dùng một lượng vừa đủ dược liệu Dạ giao đằng sắc cùng với 3 – 4 lít nước lạnh để tắm. Mỗi ngày tắm một lần cùng với nước sắc dược liệu. Lưu ý, chỉ sử dụng khi nước đã nguội dần, hoặc có thể pha một ít nước lạnh để tránh làm bỏng da.
10. Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu Dạ giao đằng
Ngoài việc sử dụng các bài thuốc từ Dạ giao đằng đúng cách, đúng bệnh tình, người bệnh cũng cần lưu ý đến một số vấn đề khác, cụ thể như sau:
- Các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong Dạ giao đằng hoặc một số vị thuốc khác trong bài thuốc tuyệt đối không sử dụng.
- Thận trọng khi sử dụng những bài thuốc từ Dạ giao đằng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Người bệnh nên kiêng ăn hành, tỏi, củ cải trắng, ớt, hồ tiêu khi sử dụng dược liệu Dạ giao đằng để chữa bệnh. Những nguyên liệu ấy có thể làm hao tổn tinh huyết.
Trên đây là những thông tin cần thiết về dược liệu Dạ giao đằng và một số lưu ý khi sử dụng những bài thuốc từ dược liệu này. Tuy nhiên, những thông tin được chúng tôi chia sẻ trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng những bài thuốc trên khi chưa có sự cho phép của giới chuyên môn.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Cây vông nem có tác dụng gì? Cách sử dụng
- Cây huyết dụ: Công dụng, cách dùng và lưu ý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!