CÂY SEN
Người ta có thể bắt gặp cây sen ở sông hồ, đình chùa, thôn quê, vườn nhà,… Cây sen đã gắn bó với người Việt trong ca dao, ẩm thực và cả bài thuốc. Mỗi bộ phận của cây sen đều được dùng để làm thuốc chữa các bệnh như đau nhức xương khớp, mất ngủ, tả lị, chảy máu cam, béo phì, đái tháo đường,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Sen hồng, liên hoa.
Tên khoa học: Nelumbo nucifera;
Họ: Thuộc họ Sen (Nelumbonaceae);
Phân nhóm: Sen hồng, sen trắng (Nelumbo lutea).
2. Đặc điểm sinh học
Mô tả
Cây sen là một loài thực vật thân thảo, sống dưới nước. Rễ cây sen (hay còn được gọi là ngó sen) sống ở dưới mặt nước, vùi sâu xuống bùn lầy. Phần thân cây sen có hình trụ, màu xanh lục. Lá sen mọc ra từ thân cây, có hình tỏa tròn, cuống dài, màu xanh lục. Lá sen mọc trên mặt nước. Bề mặt trên của lá sen không thấm nước.
Hoa sen có kích thước to, có màu trắng hoặc màu hồng. Lá sen có nhiều nhị màu vàng. Các lá noãn rời gắn lên ở mỗi đế hoa, về sau noãn phát triển thành quả. Trong mỗi quả có chứa một hạt. Ở mỗi hạt có một chồi nhỏ ở giữa, gọi là tâm sen.
Phân bố
Về nguồn gốc lịch sử, cây sen có quê hương ở Ai Cập, vào thời cổ đại. Cây sen đã mọc dọc bờ sông Nile của đất nước Ai Cập cổ xưa. Về sau, người Ai Cập mang cây hoa sen sang các quốc gia khác như Assyria, Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc,…
Cây sen đã sinh sống từ rất lâu ở bán đảo Đông Dương. Hiện nay, cây sen cũng đã được trồng ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Tây Âu.
Ở Việt Nam, cây sen phân bố ở ba miền. Chúng sinh sôi và mọc hoang ở vùng sông hồ, ao,… Không chỉ mọc hoang, cây sen còn được trồng làm cảnh, trồng để thu hoạch,…
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Lá sen, ngó sen, hạt sen, tâm sen.
Thu hái: Theo thời vụ, một năm có hai vụ thu hoạch: tháng 1 dương lịch và tháng 6 dương lịch.
Chế biến: Cây sen có thể dùng để làm ra rất nhiều các bài thuốc, món ăn, món chè,… Chẳng hạn như:
Ngó sen: Được chế biến thành món nộm;
Lá sen: Dùng để làm thuốc, gói xôi, gói cốm;
Hạt sen: Dùng để nấu canh, nấu chè, nấu xôi;
Tâm sen: Dùng để sắc thuốc, phơi khô làm trà (trà tâm sen).
Cách bảo quản: Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát.
4. Thành phần hóa học
Trong hạt sen có chứa nhiều chất béo, chất đạm, sắt, phospho, tinh bộ, đường,…
Trong ngó sen có chứa nhiều vitamin C, đường glucoza, giàu tinh bột.
Lá sen có chứa chất ancaloid giúp giảm đau.
5. Tác dụng dược lý
Mỗi bộ phận của cây hoa sen sẽ có những tác dụng dược lý khác nhau. Cụ thể:
- Hạt sen: Cung cấp nhiều khoáng chất, an thần, bổ tâm, điều trị mất ngủ, trị chứng kiết lị, điều trị mất ngủ,…
- Lá sen: Chữa mất ngủ, chữa băng huyết, chữa thổ huyết, cầm máu, giải nhiệt, trị cảm nắng, chống co giật, giúp an thần, giảm đau.
- Tâm sen: Chữa mất ngủ, giúp an thần, chữa khát nước sau khi sinh đẻ;
- Gương sen (đế hoa sen): Cầm máu, tiêu khát, tiêu ứ, đẩy lùi đái tháo đường, chữa chứng băng huyết, chữa đái ra máu.
6. Tính vị
Theo Đông y, mỗi bộ phận của cây sen đều có chứa những tính vị khác nhau:
- Hạt sen có vị ngọt, tính bình;
- Gương sen có vị đắng và chát, tính ấm, mùi thơm;
- Tâm sen có vị đắng, tính hàn và không độc.
7. Liều dùng và cách dùng
Mỗi bộ phận của cây sen và ở mỗi bài thuốc khác nhau sẽ có liều dùng khác nhau. Người dùng nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên lạm dụng dược liệu, dùng với liều lượng cao.
Cách dùng: Có thể dùng tươi hoặc phơi khô trước khi dùng.
8. Bài thuốc
Cây sen được ứng dụng trong những bài thuốc sau:
- Bài thuốc chữa mất ngủ: Sắc lá sen, pha thêm một chút đường. Uống bài thuốc này trước khi đi ngủ khoảng hai giờ đồng hồ. Bài thuốc sẽ giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
- Bài thuốc chữa chảy máu cam: Chuẩn bị một lượng ngó sen vừa đủ. Rửa sạch, giã nát, sau đó vắt lấy nước cốt uống. Nhỏ một vài giọt nước cốt ngó sen vào mũi.
- Bài thuốc chữa đau lưng, mệt mỏi: Chuẩn bị 4g nhụy sen và 6g cam thảo. Cho hai nguyên liệu vào nồi, sắc với 3 bát nước. Sắc thuốc cô đọng còn 1 bát. Uống thuốc trước khi đi ngủ để trị đau nhức lưng, mệt mỏi.
- Bài thuốc chữa say nắng, họng khô, miệng khát, bí tiểu: Chuẩn bị 40g lá sen tươi, 40g rễ sậy tươi, 10g hoa bạch biển đậu. Sắc các nguyên liệu trên với nước và uống.
- Bài thuốc chữa tiêu chảy mãn tính: Chuẩn bị 12g hạt sen (liên nhục), 5g hoàng liên, 12g đảng sâm. Sắc các vị thuốc với nhau, uống mỗi ngày.
- Bài thuốc chữa béo phì, cholesterol trong máu cao: Nấu lá sen tươi, uống thay nước mỗi ngày. Mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 1 lá sen.
9. Lưu ý khi dùng
Khi dùng các bài thuốc từ cây sen, người dùng nên lưu ý một số điều sau:
- Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ;
- Cây sen có tác dụng tốt đối với sức khỏe nhưng có thể sẽ không phù hợp với cơ địa của một số người dùng. Các bài thuốc từ cây sen có thể xuất hiện tác dụng phụ, dị ứng, không có hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Trong trường hợp đó, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời;
- Khi chọn mua các bộ phận từ cây sen để làm thuốc, nấu ăn, người dùng nên chọn những sản phẩm tươi mới, có nguồn gốc rõ ràng;
- Rửa sạch nguyên liệu trước khi chế biến;
- Thận trọng khi sử dụng các bài thuốc ở phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Tóm lại, cây hoa sen không chỉ là một biểu tượng trong văn hóa mà còn là một loại thảo mộc gần gũi và bình dị quen thuộc với xóm làng, người Việt. Cây sen được dùng trong ẩm thực và trong chế biến các bài thuốc nam. Ông bà ta đã dùng ngó sen, lá sen, hạt sen, tâm sen,… để làm thuốc chữa bệnh đau nhức, tả lị, mất ngủ, chảy máu cam,…
Tuy nhiên, trước khi áp dụng dùng thuốc, người bệnh nên cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết của chúng tôi chỉ mang tính chất giới thiệu và tham khảo, không có chủ đích đưa ra lời khuyên, tư vấn phương pháp điều trị,… thay cho bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
XEM THÊM
- Canh châu và tác dụng chữa bệnh
- Rượu Đông Trùng Hạ Thảo Hiệu Quả Không? Công Thức Ngâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!