Thuốc Candisafe: thông tin về cách sử dụng và những lưu ý
Thuốc Candisafe được bào chế dưới dạng viên nang mềm đặt âm đạo. Loại thuốc này có xuất xứ từ Ấn Độ thường được dùng khá phổ biến trong điều trị viêm âm đạo do các loại vi khuẩn, vi nấm nhạy cảm gây ra như Candida albicans, Mobilicus, Gardnerella vaginalis…
- Tên thuốc: Candisafe
- Dạng bào chế: Viên nang mềm đặt âm đạo
- Phân nhóm: Thuốc phụ khoa
- Quy cách đóng gói: Hộp 1 vỉ x 7 viên
Một số thông tin cần biết về thuốc Candisafe
1. Thành phần
Trong 1 viên thuốc đặt âm đạo Candisafe có các thành phần chính sau đây:
- Clindamycin phosphate: Hoạt chất này khi được dung nạp vào cơ thể thường phân bố rộng khắp ở các dịch và mô. Khoảng hơn 90% Clindamycin có thể liên kết với protein trong huyết tương. Clindamycin thường được chuyển hóa chủ yếu ở gan, bài tiết qua cả nước tiểu và phân. Thời gian bán thải của hoạt chất này nằm trong khoảng từ 2 – 3 giờ đồng hồ.
- Clotrimazole: dẫn chất này có cấu trúc hóa học tương đối giống với Miconazole. Clotrimazole thường được sử dụng tại chỗ, có thể chuyển hóa nhanh tại gan trước khi gây ra các phản ứng toàn thân. Clotrimazole có hoạt tính kháng nấm phổ rộng, có khả năng ức chế sự sinh trưởng và phát triển ở hầu hết các loại vi nấm gây bệnh.
2. Chỉ định
Thuốc Candisafe được chỉ định trong các trường hợp dưới đây:
- Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis
- Viêm âm đạo do Mycoplasma sp
- Viêm âm đạo do Candida albicans
- Viêm âm đạo do Mobilicus
- Viêm âm đạo do các loại vi khuẩn, vi nấm nhạy cảm khác
- Viêm âm đạo do nguyên nhân hỗn hợp
Các tác dụng khác của thuốc có thể chưa được đề cập ở nội dung trên đây. Bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ nếu có nhu cầu muốn biết thêm. Đừng tự ý mua thuốc về dùng cho bất kỳ mục đích nào khi chưa nhận được chỉ dẫn y khoa.
3. Chống chỉ định
Candisafe chống chỉ định với những đối tượng quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc. Không dùng thuốc nếu bạn đang trong thời kỳ kinh nguyệt.
* Lưu ý: Nếu bạn đang trong giai đoạn mang thai hay cho bé bú, hãy chủ động báo với bác sĩ để được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi dùng thuốc. Bởi tính an toàn của thuốc Candisafe đối với trường hợp phụ nữ mang thai và cho bé bú vẫn chưa được xác định.
Có thể bạn quan tâm: Thuốc Agimycob 500 mg có tác dụng gì?
4. Cách dùng
Candisafe là thuốc đặt âm đạo, bạn tuyệt đối không được sử dụng theo đường uống. Cần dùng thuốc Candisafe đúng cách để phát huy tốt tác dụng điều trị.
Bạn có thể tham khảo hướng dẫn cách sử dụng Candisafe sau đây:
- Sử dụng nước muối loãng để vệ sinh vùng kín (không dùng xà bông hay thụt rửa sâu bên trong).
- Nằm ngửa ở tư thế co đầu gối lên, hơi dạng chân để âm đạo được mở rộng.
- Dùng ngón tay kẹp viên thuốc rồi đặt vào âm đạo, đẩy thuốc vào càng sâu bên trong càng tốt.
- Khi hoàn thành việc đặt thuốc, nên nằm nghỉ ít nhất 15 phút để viên thuốc được cố định.
Lưu ý: Bạn nên rửa sạch tay cả trước và sau khi đặt thuốc. Nếu có móng tay, bạn nên cắt gọn để tránh làm âm đạo trầy xước và tổn thương. Có thể đeo bao cao su lên đầu ngón tay khi đặt thuốc để đảm bảo vệ sinh.
5. Liều lượng
Dưới đây chỉ là liều dùng khuyến nghị, đáp ứng trong những trường hợp phổ biến nhất. Hoàn toàn không có giá trị thay thế cho chỉ dẫn chuyên môn.
- Liều thông thường: 1 viên/lần/ngày, dùng liên tục ít nhất 7 ngày.
- Trường hợp bệnh nặng: 1 viên/lần, 2 lần/ngày.
Thời gian điều trị bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là mức độ nặng nhẹ của bệnh và phản ứng của cơ thể bạn với liều đầu tiên. Cần dùng thuốc theo đúng liều lượng và tần suất để đảm bảo tác dụng điều trị.
Trước khi sử dụng thuốc Candisafe, tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ để nhận tham vấn về liều dùng phù hợp nhất với hiện trạng của mình. Tuyệt đối tránh việc tự ý ngưng thuốc hay tăng giảm liều khi chưa nhận được chỉ định từ chuyên gia.
Trong một số trường hợp liều dùng được chỉ định không đáp ứng triệu chứng, bạn hãy báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh hoặc thay thế bằng loại thuốc khác phù hợp hơn.
Tìm hiểu: Thuốc Regelle là thuốc gì?
6. Hướng dẫn bảo quản
Bảo quản thuốc Candisafe ở nhiệt độ phòng trong khoảng từ 15 – 25°C. Tránh nơi ẩm ướt, độ ẩm vượt 75% hay có ánh nắng rọi trực tiếp. Để thuốc xa tầm với của trẻ nhỏ.
Khi thuốc hết hạn, đổi màu, biến chất… bạn hãy ngưng dùng và xử lý đúng cách để tránh ảnh hưởng tới môi trường. Hạn dùng và nhãn sản xuất được in sẵn trên vỏ hộp, cần chú ý để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
7. Thuốc Candisafe giá bao nhiêu?
Hiện nay, thuốc Candisafe đang được bán với giá tham khảo khoảng 100.000 VNĐ/ Hộp 1 vỉ x 7 viên. Giá thành của thuốc có thể sẽ chênh lệch khi phân phối tại từng nhà thuốc và đại lý bán lẻ.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Candisafe
1. Khuyến cáo
Hoạt động của thuốc Candisafe có thể tương tác với màng cao su và làm giảm độ tin cậy của một số phương pháp ngừa thai cơ học. Tránh quan hệ tình dục khi đang trong quá trình sử dụng Candisafe. Nên điều trị đồng thời cho bạn tình để dự phòng tái nhiễm.
Nếu bạn đến thời kỳ kinh nguyệt khi đang trong thời gian dùng thuốc, không nên tự ý xử lý. Hãy báo ngay cho bác sĩ để nhận tham vấn chuyên môn.
Hạn chế sử dụng các loại thức uống có cồn trong thời gian điều trị với Candisafe. Bởi các loại đồ uống này có thể làm tăng nguy cơ gặp các phản ứng phụ như bốc hỏa, đỏ bừng mặt, nôn mửa.
Tìm hiểu thêm: Thuốc Postcare có giá bao nhiêu, dùng điều trị bệnh gì?
2. Tác dụng phụ
Candisafe cũng giống như các thuốc đặt âm đạo khác, thường có thể sẽ khiến bạn gặp phải các phản ứng tại chỗ. Điển hình nhất là các triệu chứng nóng rát, ngứa hay kích ứng âm đạo. Nếu những triệu chứng này không rõ ràng hay chỉ xuất hiện ở mức độ nhẹ thì bạn không nhất thiết phải ngưng sử dụng thuốc.
Ngoài ra, bạn còn có thể gặp phải các tác dụng ngoại ý khác như:
- Buồn nôn, nôn
- Mề đay
- Phản ứng mẫn cảm
- Khó chịu tiêu hóa
- Co cứng bụng
Để đảm bảo tính an toàn, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn hãy báo ngay cho bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng để khắc phục các triệu chứng ngoại ý.
3. Tương tác thuốc
Đây là vấn đề bạn cần cẩn trọng khi đang điều trị với thuốc Candisafe. Bởi các thành phần trong thuốc có thể tạo ra phản ứng với thành phần của thuốc khác khi sử dụng đồng thời.
Tương tác thuốc diễn ra sẽ làm cho cơ chế hoạt động của thuốc thay đổi. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn dễ phát sinh các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Candisafe được báo cáo là có khả năng gây tương tác với một số thuốc sau:
- Erythromycin
- Disulfirame
- Diphenoxylat
- Opiat
- Loperamid
Danh sách trên chưa bao quát hết tất cả các thuốc có thể tương tác với Candisafe. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để biết thêm. Đồng thời, hãy chủ động chia sẻ với bác sĩ thông tin về các thuốc bạn đang dùng để dự phòng tương tác.
Không dùng chung Candisafe với bất cứ loại sản phẩm đặt âm đạo nào khác. Ngoài ra, khi đang trong thời gian sử dụng Candisafe, nếu muốn kết hợp với thuốc khác, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
4. Khi nào nên ngưng thuốc?
Trong trường hợp xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc Candisafe, bạn nên ngưng thuốc và tìm đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ngoài ra, nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 7 – 10 ngày điều trị, bạn nên ngưng thuốc và báo cho bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ cân nhắc về việc tìm một loại thuốc phù hợp hơn để thay thế.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Mycoda là thuốc gì?
- Thuốc phụ khoa Valgisup có tác dụng gì?
Hỏi đáp cùng chuyên gia
Dạ bác cho em hỏi, em đang có bầu hiện tuần 31 em đi khám bác sĩ cho dùng thuốc Cadisafe để đặt âm đạo có ảnh hưởng gì không ạ.