Lô căn và những bài thuốc chữa bệnh từ Lô căn - Thuốc Dân Tộc

Lô căn là phần thân rễ của cây sậy, được bào chế để làm thuốc chữa bệnh với công dụng thanh nhiệt, lợi thủy, sinh tân, tả hỏa được sử dụng trong các bài thuốc chữa miệng khô khát, viêm dạ dày cấp tính, ợ hơi chua, ho, khạc đờm và một số bệnh lý khác. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm công dụng chữa bệnh của dược liệu này.

Lô căn có vị ngọt, tính hàn, được quy vào kinh Phế, Vị và Thận
Lô căn có vị ngọt, tính hàn, được quy vào kinh Phế, Vị và Thận

1. Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Vi kinh, Rễ sậy, Rễ lau, Lô mao căn, Lô cô că,. Lô sài căn, Lô thông, Lô nha căn,…
  • Tên khoa học: Rhizoma Phragmitis
  • Tên tiếng Trung: 蘆 根
  • Họ: Thuộc họ Lúa (Poaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

+ Mô tả: Lô căn là phần thân rễ của cây sậy, nhiều người lầm tưởng lô căn là phần thân rễ của cây lau. Cây sậy là loại cây thân thảo. Khi tưởng thành, cây có thể cao tới 4 mét, thân mọc thẳng đứng, phần lõi rỗng bên trong. Lá dài hình dải hoặc hình ngọn giáo, rộng khoảng 1 – 3 cm, mũi lá nhọn. Lá xếp xa nhau, ôm lấy phần thân, lá nhẵn, mép láp có lông tơ ngắn. Hoa có màu tím hoặc tím nhạt, mọc thành từng cụm, cụm hoa hơi rũ cong xuống. Cuống hoa có lông mềm dày đặc ở gốc và nhánh rất mảnh. Rễ bò dài rất khỏe, màu trắng vàng, đốt dài, không có rễ tơ và rễ non.

+ Mô tả dược liệu: Lô căn có hình trụ tròn, dài ngắn không đều. Mặt ngoài thường có màu vàng, không có rễ con, rễ tơ, bên trong rỗng màu hơi vàng. Đầu rễ hình nhọn giống búp măng tre. Có đốt dài, mỗi đốt dài khoảng 10 – 16 cm. Lô căn dai, khó bẻ gãy, có vỏ ngoài thưa, dễ bóc, không mùi, có vị ngọt.

+ Phân bố: Cây sậy thường mọc hoang rải rác ở một số địa phương thuộc nước ta như Bắc Thái, Ninh Bình, Quảng Ninh và một số địa phương khác. Cây thường tim thấy ở những nơi ẩm ướt, dọc bên sông suối hoặc đầm lầy.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

+ Bộ phận dùng: Dùng phần thân rễ của cây sậy để làm thuốc chữa bệnh.

+ Thu hái: Thu hái những phần rễ mọc về phía ngược nước, những nhánh rễ mập, khỏe, màu trắng, có vị ngọt. Không thu hoạch những rễ nhỏ, nhẹ, nát vụn. Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào mùa xuân, hạ và thu.

+ Chế biến: Rửa sạch những phần thân rễ nhiều lần với nước để loại bỏ lớp đất cát, cắt bỏ những phần đốt có râu tua hoặc vỏ màu vàng đỏ. Sau đó, thái thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô.

+ Bảo quản:  Bảo quản những phần thân rễ đã qua khâu chế biến trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.

Lô căn là phần thân rễ của cây sậy, thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt hoặc ven bờ sông, suối
Lô căn là phần thân rễ của cây sậy, thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt hoặc ven bờ sông, suối

4. Thành phần hóa học

Theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Y Dược, trong Lô căn có chứa dưỡng chất Protein và một số thành phần khác như các loại đường, Arginin, Asparagin.

Theo Trung Dược học, trong loại dược liệu này có chứa thành phần in vitro là thành phần có tác dụng kháng khuẩn đối với liên cầu khuẩn dung huyết beta.

5. Tính vị

  • Vị ngọt, tính hàn (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
  • Vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, không độc (theo Bản Thảo Tái Tân)
  • Vị ngọt, tính hàn (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
  • Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn (theo Lục Xuyên Bản Thảo)

6. Quy kinh

Lô căn được quy vào các kinh sau:

  • Kinh Phế, Tỳ, Thận (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
  • Kinh Phế, Tâm (theo Đắc Phối Bản Thảo)
  • Kinh Phế, Vị (theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải)

7. Tác dụng dược lý

+ Theo dược lý hiện đại:

Chưa có tài liệu nào báo cáo về tác dụng dược lý của Lô căn.

+ Theo Y học cổ truyền:

Trong Đông y, Lô cân được xem là vị thuốc nam quý với nhiều công dụng chữa bệnh được ghi nhận trong những sách, tài liệu nghiên cứu như sau:

  • Chủ tiêu khát, súc niệu, khách nhiệt (theo Biệt Lục).
  • Thanh nhiệt, sinh tân. Trị viêm dạ dày cấp, miệng khô khát, trị ho, trị phế ung, viêm phế quản, nôn mửa (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị táo bón (theo Trung Quốc Dược Thực Chí).
  • Trị đau họng (theo Nam Kinh Dân Gian Thảo Dược).
  • Trị nôn mửa không ngừng, giải nhiệt, khai vị (theo Dược Tính Luận).
  • Trị bệnh thời khí, lúc nóng lúc lạnh, trị phiền muộn, trị tả lỵ thèm khát, phụ nữ có thai mà tim nóng (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Thanh vị nhiệt, khử đờm, tiêu mủ, sinh tân dịch. Trị miệng khô, phế ung, nôn ra máu, nôn ra đờm hôi, trị phiền nhiệt (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

8. Cách dùng – Liều lượng

+ Cách dùng: Thảo dược Lô căn được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc sắc là chính, sắc cùng với một lượng nước phì hợp, sắc đến khi thuốc cô đặc. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số vị thuốc khác (tùy vào từng bệnh lý).

+ Liều lượng: Dùng 20 – 40 gram/ ngày.

9. Những bài thuốc từ Lô căn

Với những tính chất của dược phẩm, Lô căn được xem là một vị thuốc nam quý bởi công dụng chữa bệnh của chúng cũng khá đa dạng được giới Y học cổ truyền công nhận. Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từ Lô căn, người bệnh có thể tham khảo và áp dụng điều trị bệnh:

Lô căn và những bài thuốc chữa bệnh từ Lô căn
Lô căn và những bài thuốc chữa bệnh từ Lô căn

Bài thuốc từ Lô căn trị nôn mửa, viêm dạ dày cấp tính: Dùng 30 gram Lô căn, 9 gram Trúc nhự cùng với 8 gram Gạo tẻ. Đem các nguyên liệu trên nấu thành cháo cho đến khi nhừ. Sau đó lọc bỏ phần bã chỉ lấy phần nước. Cho một ít nước cốt gừng vào cùng để uống trị nôn mửa, viêm dạ dày cấp tính.

Bài thuốc từ Lô căn chữa say nóng, say nắng, các bệnh lý về viêm da, viêm đường tiết niệu, viêm nhiễm đường hô hấp: Dùng 150 gram Lô căn và 120 gram Mạch đông. Đem hai vị thuốc trên rửa sạch bằng nước để loại bỏ bụi bẩn, rồi thái thành vụn. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy cho khô. Trộn đều hai loại nguyên liệu rồi cất trữ trong lọ kín hoặc bọc kín. Mỗi lần sử dụng 30 gram để hãm với nước sôi để dùng. Sau 20 – 25 phút người bệnh có thể sử dụng, dùng thuốc thay cho nước trà. Nếu cảm thấy khó uống hoặc uống chưa quen, người bệnh có thể cho thêm một ít đường để uống.

Bài thuốc từ Lô căn chữa khát nước, tân dịch khô, ôn bệnh thời kỳ sau: Dùng 24 gram Lô căn,  Mạch môn và Thiên hoa phấn mỗi vị 12 gram cùng với 3 gram Cam thảo. Đem các vị thuốc trên sắc cùng với năm phần nước, sắc cô đặc còn hai phần để dùng. Nên dùng thuốc khi còn nóng, nếu thuốc nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng.

Bài thuốc từ Lô căn chữa bệnh nhiệt, khát nước, sốt và bứt rứt: Dùng Lô căn và Thạch cao mỗi vị 20 gram, 16 gram Mạch đông cùng với 14 gram Thiên hoa phấn. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên. Sắc một thang thuốc cùng với một lượng nước phù hợp, sắc cho đến khi cô đặc. Người bệnh có thể sử dụng một lần hoặc chia thành nhiều lần để sử dụng.

Bài thuốc từ Lô căn chữa vị nhiệt gây nên ợ hơi chua: Dùng Lô căn và Trực nhự mỗi vị 20 gram, 14 gram Tỳ bà diệp cùng với 12 gram Sinh khương. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước phù hợp, sắc cho đến khi cô đặc. Nên dùng thuốc khi thuốc còn nóng.

Bài thuốc từ Lô căn trị quyết nghịch, nôn mửa không ngừng: Dùng một lượng thuốc Lô căn vừa đủ, thái thành từng đoạn nhỏ. Sau đó đem sắc cùng với hai chén nước, sắc cô đặc đến khi còn một chén. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc từ Lô căn trị ho do phế nhiệt, khạc đờm màu vàng đặc và áp xe phổi: Dùng 30 gram Lô căn cùng với Kim ngân hoa, Đông qua nhân và Ngư tinh thảo mỗi vị 14 gram. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước phù hợp, sắc đến khi cô đặc là được. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc nguội hẳn.

10. Một số lưu ý khi sử dụng

Trong quá trình điều trị bệnh bằng các bài thuốc từ Lô căn, những đối tượng thuộc các trường hợp dưới đây được khuyến cáo không được sử dụng:

  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong Lô căn hoặc một số dược liệu khác có trong bài thuốc.
  • Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách, các đối tượng bị tỳ vị hư hàn không được sử dụng các bài thuốc từ Lô căn.
  • Đối tượng trúng nắng, không có hỏa hoặc tân dịch chưa tổn thương không được sử dụng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Bài viết đã xoay quanh dược liệu Lô căn và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này. Tuy nhiên, thông tin bài viết chỉ mang giá trị tham khảo, không phải lời khuyên của chuyên gia chuyên môn. Chính vì thế, người bệnh không được tự ý sử dụng các bài thuốc chữa bệnh từ Lô căn khi chưa có sự đồng ý của lương y. Tốt nhất, người bệnh nên thăm khám để biết chính xác mức độ bệnh lý đang mắc phải, từ đó sử dụng thuốc cho phù hợp.

ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đối tác

Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 kg Cỏ Ngọt cách đây 1 phút