Cây đinh lăng: Đặc điểm, Thành phần hóa học & Tác dụng dược lý
Cây đinh lăng hay còn gọi là cây gỏi cá. Thảo dược này không chỉ được sử dụng trong chế biến món ăn mà còn được áp dụng trong y học cổ truyền nhằm cải thiện sức khỏe và điều trị một số bệnh lý thông thường.
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Cây gỏi cá, Nam dương sâm
Tên khoa học: Polyscias fruticosa L
Họ: Ngũ gia bì (danh pháp khoa học: Araliaceae)
Phân nhóm: Đinh lăng lá nhỏ, Đinh lăng lá to, Đinh lăng lá tròn, Đinh lăng đĩa, Đinh lăng viền bạc và Đinh lăng lá răng
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Cây đinh lăng là loài thân nhỏ, có chiều cao trung bình từ 0.75 – 1.5m. Thân nhẵn và không có gai. Lá kép và xẻ dài khoảng 20 – 40cm. Lá chét có răng cưa không đều và có mùi thơm nhẹ.
Hoa mọc thành cụm chùy ngắn từ 7 – 18mm, hoa nhỏ có màu trắng nhạt. Quả dẹt từ 3 – 4mm và dày khoảng 1mm.
Phân bố:
Thảo dược này có nguồn gốc từ đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Hiện nay cây đinh lăng được trồng ở nhiều địa phương ở nước ta. Ban đầu cây được trồng để làm thực phẩm và làm cảnh. Gần đây, đinh lăng được sử dụng như một loại dược liệu.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Lá, thân, cành và rễ.
Thu hái: Thu hoạch lá ở bất cứ thời điểm nào trong năm, thường được dùng trực tiếp. Đối với rễ chỉ thu hoạch ở cây được trồng từ 3 năm và nên thu hoạch vào mùa xuân. Đem rễ rửa sạch, sau đó đem phơi khô ở nơi mát và thoáng gió.
Chế biến: Đem rễ tẩm nước gừng tươi sao sơ qua, sau đó tẩm với mật ong và mật mía.
Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ẩm và ánh nắng mặt trời.
4. Thành phần hóa học
Rễ cây đinh lăng là bộ phận chứa nhiều thành phần hóa học nhất, lá, cành và thân chứa với nồng độ thấp hơn.
Cây đinh lăng có chứa 8 loại saponin (một vài loại tương tự như thành phần trong sâm), glucosid, tanin, khoảng 13 loại axit amin (cystein, methoonin, lyzin,…), alcaloid, vitamin B1, B2, B6,…
5. Tính vị
Lá cây đinh lăng có vị đắng, tính mát. Rễ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.
6. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
7. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương và một số cộng sự tại Trung tâm Sâm và Dược liệu TP HCM (2000 – 2007).
- Tác dụng tăng cường thể lực, giảm stress: Cây đinh lăng có chứa các thành phần tương tự như sâm nhung có khả năng kích thích hoạt động của não bộ, chống mệt mỏi, oxy hóa và giảm lo âu, mệt mỏi và tăng cường miễn dịch.
- Bảo vệ gan
- Giảm sưng và viêm
- Giảm đau khớp
- Kích thích tiểu tiện
- Điều trị hen suyễn: Dịch chiết cồn từ thảo dược này có tác dụng chống histamin và chống hen suyễn.
- Tăng trí nhớ và thời gian sống (thực nghiệm trên chuột già)
+Theo y học cổ truyền:
- Lá chữa cảm sốt, sưng tấy và mụn nhọt
- Thân và cành chữa tê thấp, đau nhức lưng
- Rễ là thuốc bổ, lợi tiểu
8. Liều dùng, cách dùng
Có thể dùng cây đinh lăng trực tiếp (lá) hoặc sắc uống, giã nát, bột, viên uống có chứa chiết xuất từ đinh lăng,… Liều dùng: Đối với lá tươi có thể dùng từ 50 – 100g, rễ sấy khô dùng từ 1 – 1.6g và dùng khoảng 2g đối với bột đinh lăng.
9. Bài thuốc
Một số bài thuốc từ đinh lăng được thực hiện để điều trị các vấn đề sức khỏe:
- Bài thuốc chữa mệt mỏi: Dùng lá đinh lăng sắc uống hằng ngày để tăng cường sức khỏe.
- Bài thuốc chữa đau khớp và vết thương hở: Dùng 40g lá tươi giã nát, sau đó đắp trực tiếp lên vết thương hoặc nơi khớp đau nhức.
- Bài thuốc phòng co giật ở trẻ: Dùng lá đinh lăng phơi khô và lót bên dưới nơi trẻ nằm.
- Bài thuốc chữa ho lâu ngày: Dùng đậu săn, nghệ vàng, bách bộ, rễ đinh lăng, rau tần, mỗi thứ 8g, củ xương bồ 6g và gừng khô 4g sắc với 600ml còn lại 250ml. Chia thành 2 lần uống trong ngày. Nên uống thuốc khi còn nóng.
- Bài thuốc chữa tê thấp, đau lưng mỏi gối: Dùng 20 – 30g thân, cành đinh lăng sắc với nước. Chia thành 3 lần uống trong ngày. Có thể kết hợp với cây cam thảo, cúc tần và cây xấu hổ.
- Bài thuốc thông tia sữa: Dùng 30 – 40g rễ cây đinh lăng sắc với 500ml còn lại 250ml. Uống khi còn nóng.
- Bài thuốc chữa viêm gan: Dùng nhân trần 20g, ý dĩ 16g, rễ cỏ tranh, biển đậu, chi tử, hoài sơn, xa tiền tử, rễ đinh lăng, ngũ gia bì, mỗi thứ 12g, uất kim, ngưu tất, nghệ, mỗi thứ 8g. Sắc mỗi ngày một thang.
- Bài thuốc chữa thiếu máu: Dùng hà thủ ô, hoàng tinh, thục địa, rễ đinh lăng, mỗi thứ 100g và tâm thất 20g đem đi tán bột. Mỗi lần sắc uống 100g.
10. Lưu ý
Đinh lăng chứa nhiều saponin có thể làm vỡ hồng cầu. Ngoài ra dùng rễ đinh lăng liều cao còn gây say thuốc, tiêu chảy, buồn nôn và mệt mỏi. Phụ nữ đang có thai và đang cho con bú không tự ý sử dụng đinh lăng.
Một số loại thuốc có thể tương tác với thành phần trong thảo dược này. Do đó cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng đinh lăng để chữa trị các vấn đề sức khỏe.
Dược liệu nên kết hợp
- Cây tục đoạn: Đặc điểm sinh thái, Tác dụng dược lý & Ứng dụng lâm sàng
- Cây kim anh: Thành phần, công dụng và những bài thuốc
Hỏi đáp cùng chuyên gia
Tôi muốn mua thuốc đông y chưa tràn dịch khớp gối bằng cây đinh lăng