Galantamine có tác dụng gì?

Galantamine là dược phẩm có tác dụng cải thiện triệu chứng lú lẫn, mất trí nhớ ở người mắc bệnh Alzheimer. Thuốc hoạt động dựa trên cơ chế tăng lượng chất dẫn truyền thần kinh não, từ đó cải thiện trí nhớ và suy nghĩ. Tuy nhiên, Galantamine không có khả năng điều trị tận gốc được bệnh.

Galantamine
Galantamine: thuốc cải thiện triệu chứng lú lẫn, mất trí nhớ ở người mắc bệnh Alzheimer.

  • Tên hoạt chất: Galantamine
  • Tên thương hiệu: Galantamine
  • Phân nhóm: Thuốc hướng tâm thần

Những thông tin cần biết về thuốc Galantamine

Công dụng

Galantamine thuộc nhóm thuốc thuốc ức chế acetylcholinesterase, hoạt động dựa trên cơ chế tăng lượng chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong não cần cho trí nhớ và suy nghĩ, nhờ đó cải thiện khả năng ghi nhớ hoặc làm chậm quá trình mất trí nhớ.

Thuốc được dùng để điều trị chứng lú lẫn (mất trí nhớ nhẹ) liên quan đến bệnh Alzheimer (bệnh về não tác động đến suy nghĩ, trí nhớ và hành vi). Tuy nhiên, Galantamine không có khả năng chữa được bệnh.

Tham khảo thêm: Thuốc Tofisopam – Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Chống chỉ định

Không dùng Galantamine cho bất kỳ đối tượng mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Cách dùng – liều lượng

Thông tin cách dùng được in trong tờ hướng dẫn sử dụng ở mỗi hộp thuốc. Đọc kĩ tờ hướng dẫn được đính kèm hoặc liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết về cách sử dụng – liều dùng.

Cách dùng:

Thuốc được điều chế dưới nhiều dạng. Dùng thuốc đúng dạng thuốc và liều lượng quy định.

  • Thuốc dạng viên nén: Uống kèm với một ly nước đầy, có thể dùng kèm với thức ăn. Dùng 2 lần mỗi ngày, thời điểm dùng thuốc thích hợp nhất nên là buổi sáng và buổi tối. Để tránh tác dụng phụ, liều dùng có thể được tăng dần đến mức cần thiết và phù hợp. Thời gian điều trị và liều dùng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý mắc phải. Tuy nhiên, liều dùng không được quá 24 mg / ngày.
  • Thuốc dạng dung dịch: Uống trọn hỗn hợp hoặc trộn với các loại thức uống không cồn khác đều được.

Nếu tạm ngưng sử dụng Galantamine trong 3 ngày, bạn có thể phải dùng lại liều khởi điểm rồi tăng dần đều để tránh nguy cơ mắc phải các tác dụng không mong muốn. Liên hệ với chuyên gia để được tư vấn cụ thể.

Dùng thuốc đều đặn để dược phẩm phát huy tối đa công dụng. Không tự ý ngưng điều trị trừ khi được chuyên gia cho phép.

Thuốc có thể mất 4 tuần để phát huy tác dụng tối đa. Thông báo với chuyên gia nếu như bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng hơn trong thời gian điều trị bằng Galantamine.

Liều dùng:

Liều dùng thông thường cho người lớn bị Alzheimer:

Viên nén và dùng dịch thuốc:

  • Liều dùng khởi điểm: 4 mg / lần, ngày uống 2 lần (mỗi lần cách nhau 12 giờ, nên dùng buổi sáng và chiều tối).
  • Liều dùng duy trì: Sau 4 tuần dùng ở liều khởi điểm, nếu thuốc dung nạp tốt, nên tăng liều 8 mg / lần / ngày. Liều dùng 12 mg / lần / ngày chỉ được áp dụng trong trường hợp bạn đã thử điều trị khởi điểm ít nhất 4 tuần.
  • Liều dùng tối đa: 16 – 24 mg / ngày.

Viên nén phóng thích kéo dài:

  • Liều dùng khởi điểm: 8 mg / lần / ngày, nên dùng vào buổi sáng.
  • Liều dùng duy trì: Sau 4 tuần dùng ở liều khởi điểm, nếu thuốc dung nạp tốt, nên tăng liều 16 mg / lần / ngày. Liều dùng 24 mg / lần / ngày chỉ được áp dụng trong trường hợp bạn đã thử điều trị khởi điểm ít nhất 4 tuần.
  • Liều dùng tối đa: 16 – 24 mg / ngày.

Liều dùng cho người lớn bị suy gan:

  • Liều trung bình: Không quá 16 mg / ngày.
  • Không dùng thuốc cho trường hợp bị suy gan nặng.

Liều dùng cho người lớn bị suy thận:

  • Liều trung bình: Không quá 16 mg / ngày.
  • Với trường hợp suy thận nặng (mức độ thanh thải Creatinine dưới 9 ml / phút): khuyến cáo không dùng.

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị Alzheimer:

  • Độ an toàn và hiệu quả của Galantamine cho đối tượng trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và xác định rõ. Hỏi thăm ý kiến của chuyên gia nếu bạn có ý định dùng thuốc cho nhóm đối tượng trên.

Dạng – hàm lượng

Thuốc có dưới dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nén: 4 mg, 8 mg, 12 mg.
  • Viên nang giải phóng kéo dài: 8 mg, 16 mg, 24 mg.
  • Dung dịch uống: 4 mg / ml

Bảo quản

Galantamine nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng (24 – 30 độ C), nơi khô ráo, thoáng mát. Đặt thuốc trãnh a tầm tay của trẻ em và động vật nuôi trong nhà.

Tuyệt đối không dùng thuốc biến chất hoặc hết hạn dùng vì điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tác dụng không mong muốn. Liên hệ với dược sĩ / bác sĩ để biết thêm cách xử lý thuốc trên đúng cách.

Tham khảo thêm: Vitamin B6 và những điều bạn cần biết

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Galantamine

Thận trọng/ Cảnh báo

Cảnh báo nhóm đối tượng đặc biệt:

  • Mang thai: Các nghiên cứu trên người không được thực hiện và có sẵn nhưng một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, Galantamine không gây rủi ro. Do đó, Galantamine có thể được dùng cho đối tượng phụ nữ đang mang thai.
  • Cho con bú: Người ta không biết Galantamine có được thải trừ qua đường sữa mẹ khi cho con bú hay không. Do đó, cần đặc biệt thận trọng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng.
thuốc Galantamine
Thận trọng khi dùng Galantamine cho nhóm đối tượng đặc biệt.

Cảnh báo chung:

Galantamine có thể gây ảnh hưởng xấu đến dẫn truyền tim (bao gồm chậm nhịp tim); xuất huyết tiêu hóa, phản ứng dị ứng trên da, tắc nghẽn bàng quang,… Do đó, trước khi dùng Galantamine, cần thông báo cho chuyên gia nếu bạn mắc phải các vấn đề sức khỏe sau:

  • Dị ứng với Galantamine hay bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Hen suyễn (nặng), bệnh phổi tắc nghẽn hoặc bất kỳ bệnh phổi nào khác;
  • Động kinh;
  • Phì tuyến tiền liệt;
  • Bệnh thận, gan (mức độ vừa  và nặng);
  • Vấn đề tim mạch (nhịp tim);
  • Mang thai hoặc có ý định mang thai, đang cho con bú;
  • Sắp tiến hành phẫu thuật (kể cả phẫu thuật nha khoa).

Không dùng Galantamine cho đối tượng bị suy gan, suy thận nặng.

Thuốc có thể khiến bạn buồn ngủ nếu dùng ban ngày. Do đó, không vận hành máy móc, lái xe sau khi dùng thuốc trên điều trị.

Dùng rượu bia đồng thời với Galantamine có thể khiến cho cơn buồn ngủ trở nên trầm trọng hơn.

Tìm hiểu thêm: Thuốc Vitamin PP có tác dụng gì? Cách dùng như thế nào?

Tác dụng phụ

Trong quá trình dùng Galantamine điều trị bệnh, bạn có thể mắc phải một số tác dụng phụ sau:

Tác dụng phụ phổ biến:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Ăn không ngon
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Ợ nóng
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Da nhợt nhạt
  • Đau nhức đầu
  • Run rẩy không kiểm soát được
  • Phiền muộn, lo âu
  • Khó ngủ, ngủ không ngon giấc
  • Sổ mũi.

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Tiểu khó
  • Tiểu ra máu
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Co giật
  • Chậm nhịp tim
  • Ngất xỉu
  • Khó thở
  • Đi ngoài phân đen
  • Phân có lẫn máu
  • Nôn ra máu
  • Nôn ra chất có màu giống bã cà phê

Danh sách trên chưa phải là danh mục đầy đủ nhất những tác dụng phụ có thể gặp phải trong quá trình điều trị. Không phải ai cũng xuất hiện các triệu chứng trên sau khi dùng thuốc.

Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc, cần nhanh chóng liên hệ với chuyên gia để được tư vấn và hướng dẫn cách khắc phục sớm.

Tương tác thuốc

Tương tác với thuốc:

Galantamine có thể tương tác với các loại thuốc điều trị sau đây:

  • Thuốc kháng cholinergic: atropine, scopolamine, diphenhydramine, tolterodine.
  • Aspirin liều cao dùng cho viêm khớp: bethanechol.
  • Thuốc ức chế men Cholinesterase: neostigmine.
  • Thuốc chống viêm không steroid: ibuprofen (Motrin, Advil), naproxen (Aleve, Naprelan, Naprosyn, Treximet), celecoxib (Celebrex), meloxicam (Mobic), indomethacin (Indocin)…
  • Thuốc kháng nấm nhóm azole: ketoconazol, amitriptyline, SSRI.
  • Thuốc chống trầm cảm: quinidine, paroxetine.
  • Thuốc trợ tim (thuốc làm giảm nhịp tim hoặc chặn dẫn truyền xung AV như digoxin, thuốc chẹn beta (propranolol, metoprolol).
  • Thuốc giãn phế quản: tiotropium (Spiriva) hoặc ipratropium (Atrovent).
  • Thuốc niệu hay bàng quang: tolterodine (Detrol), darifenacin (Enablex), solifenacin (Vesicare), flavoxate (Urispas)…

Danh sách trên chưa phải là bảng liệt kê đầy đủ nhất những dược phẩm có khả năng tương tác với Galantamine. Liên hệ với chuyên gia để biết thêm thông tin.

Tương tác thuốc có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các dược chất có trong dược phẩm. Để tránh tình trạng trên xảy ra, bạn nên kê khai với bác sĩ những loại thuốc đang sử dụng. Nếu phát hiện có tương tác xảy ra, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh phù hợp nhất.

Tương tác với rượu:

Dùng đồng thời Galantamine với rượu có thể gia tăng cảm giác buồn ngủ.

Nên làm gì khi quá liều / thiếu liều?

Khi phát hiện thiếu liều, nên nhanh chóng bổ sung ngay sau khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều bỏ quên gần sát với thời gian dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua và uống thuốc theo đúng kế hoạch.

Quá liều trong thời gian dài có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các triệu chứng của quá liều gồm có:

  • Yếu hoặc co giật cơ
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau thắt dạ dày
  • Chảy nước mắt, nước dãi, cơ thể tiết nhiều mồ hôi
  • Chóng mặt, ngất xỉu
  • Thở chậm, tim đập chậm, nhanh hoặc không đều
  • Khô miệng
  • Động kinh
  • Ảo giác, mất tỉnh táo

Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng trên hoặc nghi ngờ bản thân dùng thiếu liều, bạn nên liên hệ nhân viên y tế để biết cách xử lý phù hợp.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Galantamine. Hy vọng thông tin trên hữu ích đến bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc gặp phải dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc trên, liên hệ với chuyên gia y tế để được tư vấn và tìm biện pháp khắc phục.

Có thể bạn quan tâm

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *