Bệnh Viêm Mao Mạch Dị Ứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh viêm mao mạch dị ứng thường bùng phát sau khi bị nhiễm trùng, tiêm vaccine, dị ứng thời tiết, thức ăn… Triệu chứng điển hình là tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở da, thận, ống tiêu hóa, khớp. Bệnh có thể tự giới hạn nhưng không nên chủ quan vì một số trường hợp có thể gặp phải biến chứng xuất huyết tiêu hóa, viêm thận, thậm chí là suy thận mạn.

Tổng quan

Bệnh viêm mao mạch dị ứng là tình trạng cấp tính liên quan đến phản ứng tự miễn dịch, đặc trưng là hiện tượng chảy máu lan tỏa vi mạch ở nhiều cơ quan như da, hệ tiêu hóa, tim mạch, thận… Ngoài tên viêm mao mạch dị ứng, bệnh lý này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như hội chứng viêm mạch Schonlein - Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ.

viêm mao mạch dị ứng
Bệnh viêm mao mạch dị ứng thường gặp ở trẻ từ 3 - 10 tuổi, ít khi xảy ra ở người trưởng thành

Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, khoảng 50% xảy ra trước 5 tuổi và 75% xuất hiện trong giai đoạn từ 3 - 10 tuổi. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở bé trai với tỷ lệ gấp 2 lần bé gái. Mặc dù có biểu hiện khá nghiêm trọng nhưng viêm mao mạch dị ứng là bệnh tự giới hạn sau 4 - 8 tuần, đa phần đều có tiên lượng tốt.

Hiện tại, cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng nhưng có thể khẳng định viêm mao mạch dị ứng liên quan đến cơ chế miễn dịch. Khi sinh thiết mạch máu, thận, da… nhận thấy sự lắng đọng của kháng thể IgA. Vì vậy, một số tài liệu còn gọi bệnh lý này với cái tên khác là viêm mạch IgA.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm mao mạch dị ứng là kết quả do rối loạn tự miễn dịch. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nhưng có liên quan đến những yếu tố sau:

Sau khi nhiễm trùng:

Các chuyên gia nhận thấy, viêm mao mạch dị ứng thường bùng phát sau khi trẻ bị mắc các bệnh viêm nhiễm. Thường là virus gây bệnh viêm gan C, Epstein-Barr Virus, virus gây bệnh thủy đậu, adeno virus, parvo virus, rotavirus, nhiễm thương hàn, lỵ trực khuẩn, Mycoplasma, Helicobacter pylori…

viêm mao mạch dị ứng
Nhiễm virus, vi khuẩn là yếu tố thuận lợi làm bùng phát viêm mao mạch dị ứng

Sau khi tiêm vaccine phòng bệnh:

Viêm mao mạc dị ứng có thể bùng phát sau khi trẻ tiêm vaccine ngừa bệnh tả, thương hàn, phó thương hàn, sởi,... Khi tiêm vaccine, hệ miễn dịch sẽ đáp ứng để tạo kháng thể. Phản ứng này vô tình kích hoạt hệ miễn dịch dẫn đến bùng phát viêm mao mạch dị ứng.

Sau khi dùng kháng sinh:

Sử dụng các loại kháng sinh dễ gây dị ứng như Erythromycin, Ampicillin, Quinine, Penicillin… có thể gây dị ứng và bùng phát bệnh viêm mao mạch dị ứng. Một số trẻ có thể bị nổi mề đay, phù mạch sau khi dùng các loại thuốc này.

Côn trùng đốt, tiếp xúc với dịch của côn trùng:

Dịch tiết của một số loại côn trùng được xem là dị nguyên đối với trẻ nhỏ. Khi bị côn trùng cắn, hệ miễn dịch có thể phản ứng quá mức dẫn đến lắng đọng IgA trong các mô da, thận, hệ tiêu hóa.

Cơ địa dị ứng:

Thể địa dị ứng được xem là yếu tố thuận lợi gây ra viêm mao mạch dị ứng và các vấn đề sức khỏe có liên quan. Yếu tố này được xác định khi hệ miễn dịch có xu hướng nhạy cảm quá mức với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Cơ địa dị ứng đôi khi do di truyền nhưng cũng có thể là bẩm sinh.

Dị ứng thức ăn:

Viêm mao mạch dị ứng đôi khi bùng phát sau khi dị ứng thức ăn. Trẻ nhỏ thường dị ứng khá nhiều loại thực phẩm như đậu phộng, mè, hải sản, lòng trắng trứng, thịt bò, sữa động vật…

Yếu tố môi trường:

Cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng nhưng được xác định có liên quan đến ô nhiễm môi trường và thay đổi thời tiết. Khi xuất hiện đồng thời các yếu tố thuận lợi, viêm mao mạch dị ứng rất dễ bùng phát.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm mao mạch dị ứng là bệnh tự giới hạn nhưng không có nghĩa là không gây ra biến chứng. Phát hiện sớm sẽ giúp trẻ được thăm khám và can thiệp kịp thời. Như đã đề cập, đặc trưng của bệnh lý này tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó thường gặp và dễ nhận biết nhất là triệu chứng trên da.

viêm mao mạch dị ứng là gì
Biểu hiện ngoài da là các ban xuất huyết dạng chấm, gờ cao, không ngứa, không đau

Các triệu chứng trên da:

  • Tổn thương là các đám xuất huyết màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi, thường có dạng chấm.
  • Xuất huyết thường không ngứa, sờ vào có cảm giác hơi cộm, gờ cao hơn so với vùng da lành.
  • Đôi khi da xuất hiện mề đay, tụ máu và bọng nước
  • Một số ít trường hợp xuất hiện ban hoại tử
  • Tổn thương xuất hiện chủ yếu ở chân và tay

Các biểu hiện ở khớp:

Bệnh viêm mao mạch dị ứng
Bệnh viêm mao mạch dị ứng còn gây tổn thương da bên ngoài khớp kèm theo phù nề, đau khớp, hạn chế vận động

  • Xuất hiện ban xuất huyết ở khuỷu tay, khuỷu chân, cổ chân, đầu gối
  • Có hiện tượng phù xung quanh khớp
  • Đôi khi gây đau gân và hạn chế vận động
  • Các biểu hiện ở khớp thường xuất hiện trước các biểu hiện ngoài da từ 1 - 2 tuần và chiếm tỷ lệ khoảng 75% trường hợp
  • Sau khi viêm mao mạch dị ứng tự giới hạn, khớp sẽ hết đau nhức và gần như không để lại di chứng

Các biểu hiện ở đường tiêu hóa:

  • 37 - 66% trường hợp viêm mao mạch dị ứng có biểu hiện ở đường tiêu hóa.
  • Hiện tượng tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở ống tiêu hóa sẽ gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng xung quanh rốn
  • Đôi khi có hiện tượng nôn ra máu, phân đen, đau bụng dữ dội
  • Đau bụng có thể kéo dài khoảng vài giờ đến vài giờ, tái phát thường xuyên

Các biểu hiện ở thận:

  • Thận cũng là cơ quan bị tổn thương khi mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng.
  • Khoảng 25 - 50% trường hợp có biểu hiện ở thận với triệu chứng rõ rệt nhất là tiểu ra máu.

Ngoài ra, viêm mao mạch dị ứng cũng có thể gây viêm cơ tim, viêm tinh hoàn… đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Các triệu chứng của bệnh viêm mao mạch dị ứng rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, nếu chỉ quan sát biểu hiện lâm sàng, bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với lupus ban đỏ và các bệnh tự miễn khác. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.

chữa bệnh viêm mao mạch dị ứng
Ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, nên cho trẻ thăm khám sớm để được điều trị kịp thời

Trước tiên, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng lâm sàng và đặt câu hỏi để sàng lọc yếu tố nguy cơ như trẻ có vừa uống kháng sinh, tiêm vacxin hay bị nhiễm trùng hay không. Ngoài ra, các câu hỏi liên quan về cơ địa dị ứng cũng sẽ giúp bác sĩ khoanh vùng những khả năng có thể xảy ra.

Sau đó, những xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm khớp, bụng… sẽ được thực hiện để đưa ra chẩn đoán chính thức. Một số xét nghiệm chuyên sâu khác như nội soi ống tiêu hóa cũng sẽ được cân nhắc trong trường hợp cần thiết.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm mao mạch dị ứng là bệnh có cơ chế dị ứng với biểu hiện cấp tính, đột ngột. Biến chứng của bệnh thường có liên quan đến xuất huyết do chảy máu hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan. Các biến chứng thường gặp là xuất huyết tiêu hóa, viêm thận và đôi khi gây suy thận mạn.

Tổn thương ở da và khớp thường không để lại di chứng, tự giới hạn sau một thời gian. Ngay khi phát hiện những biểu hiện bất thường, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị.

Những trường hợp phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ thường có tiên lượng tốt. Các triệu chứng thuyên giảm nhanh, không để lại di chứng hay biến chứng.

Điều trị

Tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ triệu chứng, trẻ sẽ được điều trị ngoại trú hoặc phải nhập viện. Nhập viện thường được chỉ định khi trẻ không thể ăn uống, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận, không thể đi lại do đau khớp và có biểu hiện rối loạn tâm thần.

Điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng sẽ bao gồm các phương pháp sau:

Nghỉ ngơi, theo dõi

Như đã đề cập, viêm mao mạch dị ứng là bệnh tự giới hạn nên đôi khi không cần điều trị. Với những trường hợp triệu chứng nhẹ, thể trạng bệnh nhân tốt, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi tại nhà.

Trong thời gian này, cần cho trẻ nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. Chú ý biểu hiện toàn thân, nhịp thở, huyết áp, quan sát biểu hiện đau khớp và ban trên da. Nếu nhận thấy triệu chứng nghiêm trọng dần theo thời gian, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi sát sao, tránh các biến chứng và di chứng.

Hình ảnh bệnh viêm mao mạch dị ứng
Với những trường hợp nhẹ, viêm mao mạch dị ứng không nhất thiết phải điều trị mà chỉ cần nghỉ ngơi, theo dõi

Để nâng đỡ thể trạng, nên cho trẻ uống đủ nước và bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức đề kháng như trái cây, trau xanh, thịt, củ. Hạn chế thức ăn nhiều gia vị và các loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

Trong thời gian bị viêm mao mạch dị ứng, trẻ sẽ có biểu hiện mệt mỏi hơn bình thường. Chức năng tiêu hóa kém do tổn thương vi mạch. Vì vậy, nên dùng thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị và chia nhỏ bữa ăn để tránh gây đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu.

Điều trị triệu chứng

Các ban trên da do viêm mao mạch dị ứng thường không gây ngứa hay đau. Triệu chứng cần điều trị thường là đau khớp, phù nề khớp. Để giảm cơn đau, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc sau:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được sử dụng để giảm đau, chống viêm. Hai loại thuốc được dùng phổ biến nhất là Ibuprofen và Naproxen.
  • Corticoid đường uống: Trường hợp đau nặng, khớp viêm và phù nề nhiều, sẽ được dùng Prednisolon hoặc Methylprednisolon dạng tiêm. Thuốc có tác dụng chống viêm và kháng dị ứng, từ đó có thể giảm nhẹ triệu chứng của bệnh viêm mao mạch dị ứng.

Điều trị nguyên nhân, biến chứng

Viêm mao mạch dị ứng thường liên quan đến nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, dị ứng thức ăn, thay đổi thời tiết… Để kiểm soát bệnh, cần tích cực điều trị nguyên nhân. Trường hợp đã xuất hiện biến chứng, cần điều trị nội trú để kiểm soát xuất huyết tiêu hóa, viêm thận.

Phòng ngừa

Bệnh viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến yếu tố cơ địa nên rất khó phòng ngừa. Hơn nữa, bệnh thường bùng phát sau khi tiêm vaccine nên không thể loại trừ hết các yếu tố nguy cơ. Dù vậy, một số biện pháp sau sẽ giúp hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh.

Hình ảnh bệnh viêm mao mạch dị ứng
Có thể phòng ngừa viêm mao mạch dị ứng bằng cách nâng cao sức đề kháng thông qua chế độ ăn, lối sống

  • Nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên. Khuyến khích trẻ ngủ sớm, ngủ đủ 8 - 9 giờ/ ngày để tăng cường sức đề kháng.
  • Không sử dụng thức ăn dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao.
  • Bố mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh.
  • Giáo dục trẻ tự bảo vệ bản thân, tránh tiếp xúc với côn trùng, mủ thực vật.
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các vật dụng ở nơi công cộng.
  • Vệ sinh tai mũi họng để phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp.
  • Theo dõi sau khi tiêm vaccine để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
  • Khi thời tiết thay đổi, cần giữ ấm cho bé, tránh để trẻ nhiễm lạnh.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Trẻ cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng?

2. Bệnh viêm mao mạch dị ứng có nghiêm trọng không?

3. Vì sao trẻ bị viêm mao mạch dị ứng?

4. Trẻ bị viêm mao mạch dị ứng có nhất thiết phải điều trị?

5. Loại thuốc nào tốt nhất cho trẻ bị viêm mao mạch dị ứng?

6. Trẻ có thể gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc hay không?

7. Khi nào cho trẻ bị viêm mao mạch dị ứng nhập viện?

8. Làm sao để phòng ngừa viêm mao mạch dị ứng tái phát?

Bệnh viêm mao mạch dị ứng thường gặp ở trẻ từ 3 - 10 tuổi với nguyên nhân chưa rõ ràng. Đây là bệnh khá lành tính với tiên lượng tốt và có thể tự giới hạn sau một thời gian. Dù vậy, gia đình vẫn cần trang bị kiến thức để có thể chăm sóc tốt cho trẻ mắc phải căn bệnh này.