Bệnh Chàm (Eczema)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Chàm (eczema) là bệnh da thường gặp với triệu chứng điển hình là viêm lớp nông của da, đi kèm với mụn nước, da khô, tróc vảy và ngứa ngáy. Dù là vấn đề da liễu phổ biến nhưng điều trị chàm còn nhiều khó khăn. Để quản lý bệnh thành công, cần kết hợp giữa dùng thuốc, quang trị liệu và chăm sóc đúng cách.

Tổng quan

Bệnh chàm (eczema) là bệnh viêm da mãn tính liên quan đến yếu tố cơ địa. Đặc điểm của bệnh là tiến triển mãn tính, dai dẳng, hay tái phát. Biểu hiện lâm sàng khá đa dạng nhưng có đặc điểm chung là viêm lớp nông của da, bề mặt có mụn nước, sau đó khô lại, nứt nẻ, bong vảy, dày sừng.

bệnh chàm eczema
Chàm là bệnh viêm da mãn tính với triệu chứng ngứa ngáy dai dẳng

Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ, nhưng có sự hiện diện của cơ địa dị ứng. Triệu chứng bùng phát khi có các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Hiện nay, môi trường ô nhiễm, nhiều công việc phải tiếp xúc với hóa chất, xà phòng thường xuyên nên tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.

Ngoài tổn thương thực thể, bệnh chàm còn gây ngứa dai dẳng, dữ dội. Dù được đánh giá lành tính nhưng điều trị bệnh chàm (eczema) còn nhiều khó khăn do căn nguyên chưa rõ, bệnh liên quan đến cơ địa nhạy cảm nên dễ tái phát.

Phân loại bệnh

Eczema là thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến tất cả các dạng viêm da mãn tính có liên quan đến thể địa dị ứng. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bệnh được chia thành nhiều loại như sau:

Trong đó, Eczema cơ địa, Eczema tiếp xúc, Eczema tổ đỉa và Eczema da dầu là các loại chàm thường gặp nhất.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh chàm (Eczema) chưa được biết rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến các yếu tố sau đây:

Yếu tố di truyền:

Di truyền là yếu tố góp phần gây ra bệnh chàm (eczema). Một số loại gen đã được xác định bao gồm gen của các cytokine IL 4. IL5, 6 MCSF, gen của chymase của dư­ỡng bào, gen của thụ thể IL 4,...

Các loại gen gây bệnh chàm thường là những gen chịu trách nhiệm mã hóa biểu bì và tế bào miễn dịch. Ở người bị bệnh chàm, nhận thấy gen mã hóa cho protein filaggrin bị mất chức năng khiến cho da thiếu hụt protein filaggrin.

nguyên nhân bệnh chàm
Gen di truyền được xác định là một trong những nguyên nhân gây bệnh chàm

Filaggrin là một loại protein quan trọng có vai trò hút ẩm và giữ ẩm tự nhiên cho da. Thiếu hụt loại protein này đồng nghĩa với việc da dễ mất nước, suy giảm hàng rào bảo vệ. Do đó, bệnh chàm (eczema) thường bùng phát mạnh vào mùa thu - đông khi thời tiết lạnh, độ ẩm giảm thấp.

Thiếu Filaggrin còn liên quan đến dị ứng đậu phộng và một số loại thức ăn khác. Đây cũng là lý do đa phần người có thể địa dị ứng dễ dị ứng với thức ăn, thời tiết, các yếu tố nội sinh và ngoại sinh khác.

Cơ địa dị ứng

Cơ địa dị ứng thường thấy ở bệnh chàm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng và nổi mề đay. Ở những người có thể địa dị ứng, hệ miễn dịch vô cùng nhạy cảm với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Vì vậy, ngay khi có yếu tố kích thích, da sẽ xuất hiện tình trạng viêm kèm theo ngứa ngáy.

Các yếu tố kích hoạt

Nguyên nhân sâu xa của bệnh chàm (eczema) là do cơ địa dị ứng và gen di truyền. Tuy nhiên, các triệu chứng chỉ bùng phát khi có những yếu tố kích hoạt sau:

nguyên nhân bệnh chàm
Nhiễm khuẩn là yếu tố kích hoạt triệu chứng của bệnh chàm (eczema) bùng phát

  • Các yếu tố vật lý như chấn thương cơ học, ma sát, gãi cào
  • Tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, mủ thực vật, nọc độc từ các loài động vật
  • Một số thuốc, cao su, xi măng, kim loại
  • Thức ăn (thường là các loại hải sản, đậu phộng, đậu nành, sữa…)
  • Bụi vải, chất len dạ
  • Nấm mốc, nhiễm khuẩn
  • Hệ miễn dịch suy giảm
  • Rối loạn nội tiết
  • Rối loạn thần kinh
  • Rối loạn chức năng nội tạng (suy thận, suy gan…)

Có rất nhiều yếu tố có thể kích hoạt bệnh chàm bùng phát, những yếu tố này được gọi chung là dị nguyên. Kiểm soát dị nguyên được coi là nguyên tắc quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh chàm (eczema) có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, tính chất và vị trí tổn thương có sự khác biệt ở từng thể lâm sàng. Tuy nhiên, nhìn chung các dạng eczema đều đặc trưng bởi viêm lớp nông của da, tiến triển dai dẳng, từng đợt và hay tái phát. Da bị viêm đỏ kèm theo mụn nước, ngứa ngáy, bề mặt dày sừng, nứt nẻ và bong vảy.

Bệnh chàm (eczema) phát triển qua 3 giai đoạn và triệu chứng có sự khác biệt ở từng giai đoạn cụ thể:

Triệu chứng của bệnh chàm ở giai đoạn cấp tính:

triệu chứng chàm da
Biểu hiện của chàm cấp tính là nền da đỏ, hơi cộm, ngứa ngáy và nổi nhiều mụn nước

  • Eczema cấp bắt đầu với tổn thương ở dạng đốm hoặc mảng màu hồng đỏ, ranh giới không rõ với vùng da khỏe. Sờ vào có cảm giác cộm nhẹ và rất ngứa ngáy.
  • Sau đó, bề mặt tổn thương xuất hiện các mụn nước, số lượng mụn nước tăng lên theo thời gian.
  • Mụn nước do chàm có đặc điểm là kích thước nhỏ từ 1 - 2mm, mọc san sát nhau tạo thành từng đám.
  • Mụn nước nông, có xu hướng tự vỡ và mọc hết lớp này đến lớp khác.
  • Trong giai đoạn cấp, tổn thương da gây ngứa nhiều. Nếu gãi sẽ gây trợt loét, rỉ dịch, có thể dẫn đến chàm bội nhiễm (nổi mụn mủ, da viêm đỏ, nóng nhẹ).

Triệu chứng của bệnh chàm ở giai đoạn bán cấp:

  • Giai đoạn bán cấp có triệu chứng mờ nhạt, thời gian tiến triển ngắn nên ít được đề cập.
  • Eczema bán cấp đặc trưng bởi tình trạng chảy dịch và viêm da thuyên giảm. Các vết trợt loét có xu hướng khô lại, bề mặt tổn thương đóng vảy. Khi bong tróc sẽ để lộ lớp da non nhẵn bóng có màu hồng đỏ.

Triệu chứng của bệnh chàm ở giai đoạn mãn tính:

triệu chứng chàm da
Chàm mãn tính đặc trưng bởi tổn thương da dày sừng, nứt nẻ, thâm nhiễm

  • Tổn thương do bệnh chàm gây ra có xu hướng sẫm màu theo thời gian, nền da cứng cộm, ranh giới rõ với vùng da lành.
  • Bề mặt tổn thương cứng, nứt nẻ kèm theo ngứa ngáy.

Tổn thương da do eczema có sự khác biệt ở từng giai đoạn nhưng luôn đi kèm với ngứa ngáy dai dẳng. Ngứa cũng được xem là triệu chứng khó chịu nhất mà căn bệnh này gây ra.

Các triệu chứng của bệnh eczema tiến triển theo từng đợt, có đợt thuyên giảm nhưng cũng có giai đoạn bùng phát mạnh. Tính chất bệnh hay tái phát, tiến triển mãn tính, dai dẳng rất khó điều trị.

Ngay khi nghi ngờ mắc bệnh chàm, nên gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán. Eczema là bệnh da lành tính nhưng gây ngứa dai dẳng, hay tái phát. Trường hợp không can thiệp điều trị sẽ phải đối mặt với nhiều phiền toái và biến chứng.

Biểu hiện của bệnh chàm tương đối điển hình, do đó khám lâm sàng mang lại giá trị trong chẩn đoán. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu tiền sử cá nhân và gia đình để đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán xác định bệnh chàm, tuy nhiên xét nghiệm dị ứng có thể phát hiện yếu tố gây dị ứng và kích hoạt bệnh bùng phát.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh chàm (eczema) được đánh giá là bệnh da lành tính, ít khi gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, căn nguyên bệnh chưa biết rõ và có liên quan đến cơ địa dị ứng nên rất khó điều trị. Điều trị có thể giải quyết cơ bản triệu chứng, hạn chế tổn thương da và một số biến chứng nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Sau khi kiểm soát triệu chứng, cần phải tránh tiếp xúc với dị nguyên để hạn chế tái phát, kéo dài thời gian ổn định của bệnh. Eczema là bệnh da liễu mãn tính, có thể kéo dài suốt đời. Vì vậy, bác sĩ cần phải giáo dục, tư vấn để bệnh nhân có thể chủ động chăm sóc và phòng ngừa.

nguyên nhân chàm da
Chàm là bệnh da liễu lành tính nhưng gây ngứa ngáy dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống

Chàm có liên quan đến yếu tố thể địa nên thường đi kèm với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thời tiết… Điều trị không đúng cách sẽ khiến bệnh tiến triển dai dẳng, tổn thương lan rộng, sẫm màu ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình.

Ở giai đoạn cấp tính, mụn nước vỡ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu không được điều trị, chàm bội nhiễm có thể phát triển thành viêm mô tế bào và chứng đỏ da.

Ngoài những ảnh hưởng trên, bệnh chàm - eczema còn gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Tình trạng ngứa ngáy dai dẳng dẫn đến khó ngủ, mệt mỏi, thiếu tập trung. Hơn nữa, những phiền toái do căn bệnh này còn khiến tinh thần trở nên căng thẳng.

Điều trị

Điều trị bệnh chàm (eczema) phải kết hợp giữa các phương pháp y tế và chăm sóc đúng cách. Trong đó, hạn chế tiếp xúc với dị nguyên được xem là yếu tố tiên quyết để điều trị và quản lý bệnh thành công.

Điều trị tại chỗ

Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị bệnh chàm (eczema). Tuy nhiên, về cơ bản, thuốc chỉ có thể cải thiện triệu chứng, không thể điều trị bệnh dứt điểm. Vì vậy, không nên lạm dụng thuốc quá mức.

Do tính chất bệnh dai dẳng, hay tái phát nên bác sĩ sẽ linh hoạt thay đổi thuốc để hạn chế tác dụng phụ. Loại thuốc được chỉ định phải phù hợp với giai đoạn bệnh để mang lại kết quả tốt nhất.

điều trị chàm
Sử dụng thuốc bôi có thể giảm tổn thương và cải thiện tình trạng ngứa do chàm gây ra

Điều trị tại chỗ đối với bệnh chàm (eczema) bao gồm các loại thuốc sau:

Giai đoạn cấp tính:

  • Sử dụng nước muối sinh lý, thuốc tím pha loãng, dung dịch Yarish, Nitrat bạc… để làm dịu, sát khuẩn da.
  • Sau đó chuyển sang dùng hồ nước, dung dịch tím metin…

Giai đoạn mãn tính:

  • Thuốc mỡ corticoid
  • Kem bôi chứa kẽm
  • Kháng sinh dạng bôi
  • Các thuốc ức chế calcineurin bôi tại chỗ
  • Trường hợp dày sừng, thâm nhiễm có thể dùng Goudron, Coaltar, thuốc mỡ chứa hoạt chất tiêu sừng axit salicylic…
  • Liệu pháp quang trị liệu (UVA, UVB)

Điều trị toàn thân

Ngoài điều trị tại chỗ, có thể điều trị toàn thân trong trường hợp không có đáp ứng tốt. Các loại thuốc uống dùng cho điều trị bệnh chàm (eczema) bao gồm:

điều trị chàm
Thuốc kháng histamin H1, corticoid đường uống... sẽ được cân nhắc dùng trong điều trị bệnh chàm

  • Thuốc kháng histamin H1
  • Corticosteroid đường uống
  • Kháng sinh đường uống
  • Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân (Cyclosporine, Methotrexate…)
  • Có thể dùng thêm vitamin, khoáng chất bổ sung

Các biện pháp hỗ trợ

Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp làm giảm triệu chứng của bệnh chàm (eczema). Đồng thời nâng đỡ thể trạng, tránh trường hợp tổn thương da lan rộng và tiến triển dai dẳng. Tùy theo giai đoạn cấp hay mãn tính, có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ sau:

  • Tránh tiếp xúc với dị nguyên để giảm mức độ triệu chứng và tránh viêm da bùng phát triển diện rộng. Trường hợp không xác định được dị nguyên nên tránh các yếu tố có nguy cơ như thức ăn dễ gây dị ứng, phấn hoa, nọc độc côn trùng, mủ thực vật, xà phòng, hóa chất, vải len dạ…
  • Nghỉ ngơi trong giai đoạn eczema cấp tính.
  • Hạn chế các chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá.
  • Căng thẳng thần kinh là yếu tố kích hoạt bệnh chàm bùng phát và khiến các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Do đó, nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn trong suốt quá trình điều trị.
  • Giữ ẩm cho da trong giai đoạn da khô, bong tróc. Có thể dùng thêm máy tạo độ ẩm nếu không khí khô hanh.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng.

Phòng ngừa

Eczema là bệnh có liên quan đến yếu tố cơ địa nên không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng một số biện pháp sau:

điều trị chàm
Chăm sóc da đúng cách giúp hạn chế tình trạng da mất nước, nứt nẻ và tái phát bệnh chàm (eczema)

  • Chăm sóc đúng cách để duy trì hàng rào bảo vệ da. Chế độ chăm sóc bao gồm làm sạch hằng ngày và dưỡng ẩm thường xuyên.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất gây bào mòn da như xà phòng, hóa chất…
  • Tránh các chất dễ gây dị ứng như xi măng, kim loại nặng, thức ăn, nấm mốc, mủ thực vật…
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nội sinh như căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết tố, rối loạn chức năng gan - thận…
  • Duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao hệ miễn dịch cũng là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh chàm có nghiêm trọng không?

2. Có nhất thiết phải chẩn đoán bệnh chàm?

3. Có thể điều trị bệnh chàm bằng thuốc không kê toa hay không?

4. Nên chăm sóc da như thế nào khi bị eczema?

5. Bị bệnh chàm nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện?

6. Điều trị bệnh chàm hết bao nhiêu?

7. Bệnh chàm có lây cho người khác không?

Bệnh chàm (eczema) là bệnh viêm da mãn tính có đặc tính dai dẳng, hay tái phát. Hiện các phương pháp điều trị chỉ có thể giải quyết cơ bản triệu chứng, không thể chữa khỏi bệnh. Do đó, bản thân người bệnh cần phải chủ động trong việc chăm sóc để quản lý bệnh và ngăn ngừa tái phát.